Dinh dưỡng
   Nhu cầu dinh dưỡng và khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ các lứa tuổi
 

Vai trò của thực phẩm đối với cơ thể và sự sống
Từ một tế bào duy nhất lúc thụ tinh có trọng lượng hầu như không cân đo được, cơ thể trẻ phát triển theo thời gian trở thành một con người cao hàng mét, nặng hàng chục ký. Nguyên liệu cần thiết cho sự xây dựng cơ thể này chính là các chất dinh dưỡng phải được cung cấp thường xuyên và liên tục hàng ngày.

Xét về mặt nguyên tắc, cơ thể chúng ta chính là sự tổng hợp của những gì chúng ta ăn vào. Gạo, mì, khoai, thịt, cá, trứng, sữa, rau quả... sau khi vào cơ thể, được xay giã, biến hóa, chắt lọc, vận chuyển, lắp ghép... để hình thành nên các tế bào của cơ thể; tế bào hợp lại thành các cơ quan, bộ phận; các cơ quan bộ phận này lại hợp với nhau để góp phần tạo nên một cơ thể. Vì vậy, có thể tóm tắt là không có dinh dưỡng thì sẽ không có cơ thể. Đó chính là vai trò xây dựng cơ thể của chất dinh dưỡng.

Thế nhưng, thực phẩm không chỉ là nguyên liệu không thể thiếu để xây dựng cơ thể, vì cơ thể được tạo thành không phải chỉ để trưng bày như một bức tượng. Mỗi ngày, ngay cả khi trẻ ở trạng thái ngủ say, không mộng mị và không cử động, trái tim vẫn đập những nhịp đều đặn và hiệu quả, các tế bào máu vẫn vận chuyển liên tục trong các mạch máu, lồng ngực vẫn co giãn giúp không khí vào ra, gan vẫn lặng lẽ chuyển hóa chất dinh dưỡng và chất độc, thận vẫn miệt mài gạn lọc những thứ cần bỏ đi và gom góp những thứ có thể giữ lại cho cơ thể...

Khi thức, chỉ một động tác vươn vai, duỗi chân đơn giản cũng là tổng hợp của một loạt các hoạt động của các cơ quan từ hệ thần kinh, nội tiết, cơ xương khớp... huống chi là các hoạt động phức tạp khác diễn ra hàng ngày như suy nghĩ, học tập, chạy nhảy... Nếu không có năng lượng, tất cả những hoạt động đó không thể diễn ra. Và năng lượng này lại được cung cấp chỉ duy nhất từ chất dinh dưỡng.

Như vậy, chất dinh dưỡng từ thực phẩm là nền tảng của sự sống, vì nó không chỉ xây dựng nên cơ thể, mà còn là năng lượng giúp cơ thể sống và hoạt động hàng ngày. Sự thiếu, thừa, mất cân đối trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể đều có thể dẫn đến những sai lệch trong cấu trúc và hoạt động của cơ thể, và đó chính là các bệnh lý.

Nhu cầu chất dinh dưỡng ở các lứa tuổi khác nhau
Mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời, trẻ có những nhu cầu về dinh dưỡng khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng, thói quen hoạt động thể lực... khác nhau. Ngoài chuyện khác biệt về số lượng năng lượng, thành phần chất dinh dưỡng trong khẩu phần cũng không giống nhau, vì ở mỗi giai đoạn khác nhau thì sự phát triển về cấu trúc cơ thể và hoạt động của hệ tiêu hóa, chuyển hóa chất dinh dưỡng cũng như hoạt động của cơ thể đều hoàn toàn khác biệt.

• Trẻ dưới 6 tháng
Trừ giai đoạn bào thai, 6 tháng đầu tiên sau sinh là giai đoạn phát triển cơ thể nhanh nhất trong suốt cuộc đời của trẻ. Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều có nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nhu cầu cao nhất là ở xương và hệ thần kinh, nhất là não. Vì vậy, thành phần dinh dưỡng quan trọng trong độ tuổi này là chất béo, canxi, chất đạm, vitamin tan trong chất béo như A, D, K.

Không có loại thực phẩm nào phù hợp với nhu cầu này hơn sữa, nhất là sữa mẹ, loại thực phẩm có gần 50% năng lượng khẩu phần từ chất béo, giàu canxi và vitamin A, nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột tốt để tăng nguồn cung cấp vitamin K. Nhu cầu năng lượng trung bình trong giai đoạn này vào khoảng 300-700kcalo/ngày, tương đương với khoảng 500-1000ml sữa/ngày. Số lượng nước cung cấp từ sữa thường vượt quá nhu cầu hàng ngày của trẻ (chỉ vào khoảng 400-700ml/ngày), nhưng cũng phù hợp với khả năng cô đặc nước tiểu còn kém ở trẻ. Chính vì vậy, trẻ không cần thêm bất kỳ thực phẩm hay nước uống nào khác cho nhu cầu phát triển của giai đoạn này.

• Trẻ 6-12 tháng
Trẻ đã lớn hơn, ngồi được, bò được... Cơ quan phát triển nhanh trong giai đoạn này là các bắp cơ, bên cạnh sự phát triển vẫn còn khá mạnh của não và hệ xương. Chính vì vậy, ở độ tuổi này cần tăng thêm chất đạm, vitamin và chất sắt trong khẩu phần, lấy từ khoảng 90-100 thực phẩm giàu đạm hàng ngày. Nhu cầu năng lượng trung bình của độ tuổi này vào khoảng 700-1000kcalo mỗi ngày, nên sữa không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ.

Trẻ cần được cho thêm 2-3 bữa ăn đặc từ bột, thịt cá, dầu, rau... để vừa gia tăng năng lượng, vừa tăng tỉ lệ chất đạm hơn trong giai đoạn trước. Canxi và chất béo vẫn rất quan trọng, vì vậy, sữa vẫn chiếm ít nhất 60% khẩu phần của trẻ, và bắt buộc phải thêm 20-30g chất béo vào thức ăn đặc cho trẻ mỗi ngày.

• Trẻ 1-2 tuổi
Các cấu trúc cơ thể đã tương đối ổn định, đây là giai đoạn hoàn thiện các cơ quan dù vẫn còn sự tăng trưởng ở mức độ khá cao. Trẻ biết đi, biết nói, hoạt động nhiều hơn, nên thành phần chất đường trong khẩu phần phải tăng hơn, đi kèm đó là các vitamin có vai trò chuyển hóa năng lượng như vitamin B, chất khoáng kẽm, trong khi thành phần đạm và béo cũng như các vitamin tan trong chất béo đã giảm hơn giai đoạn trước.

Nhu cầu năng lượng trung bình khoảng 1100-1200kcalo mỗi ngày, gồm từ 4 bữa ăn với đủ các nhóm thực phẩm và khoảng 500-700ml sữa. Thức ăn của trẻ phải đặc để đảm bảo lượng chất bột đường cho hoạt động của não và cơ, trong khi chất đạm và chất béo vẫn giữ lượng tương đương giai đoạn trước 1 tuổi là đã đủ nhu cầu.

• Trẻ độ tuổi mẫu giáo (1-6 tuổi)
Nhu cầu năng lượng tăng khoảng 1200-1600kcalo mỗi ngày, nhưng nhu cầu chất béo đã giảm hẳn do tốc độ phát triển của não chỉ còn 20-30% so với giai đoạn trước, vì vậy không cho thêm dầu mỡ vào thức ăn của trẻ nữa. Nhu cầu canxi cũng tạm thời giảm đi, vì tăng trưởng từ giai đoạn này cho đến tuổi tiền dậy thì chậm lại do các nội tiết tố ảnh hưởng trên tăng trưởng không hoạt động tối đa. Trẻ cần được cung cấp năng lượng chủ yếu từ chất bột đường cho hoạt động của mọi tế bào, quan trọng nhất là não, cơ và hồng cầu.

Các bữa ăn của trẻ luôn phải đủ lượng chất bột (cơm, bún, mì, nui...) và rau quả tươi hơn là quan trọng các thức ăn giàu đạm như thịt cá. Trẻ 2 tuổi cần lượng thức ăn bằng một nửa người trưởng thành, và có thể ăn đầy đủ các thức ăn của người lớn, nhưng do kích thước hệ tiêu hóa nhỏ, nên phải cho trẻ ăn làm nhiều bữa, ít nhất 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ với đủ loại thực phẩm khác nhau, trong đó có ít nhất 500ml sữa.

Có nhiều loại thức ăn, nhiều loại thực phẩm, nhiều cách ăn, nhiều xu hướng ẩm thực khác nhau tùy thuộc dân tộc, tôn giáo, ý thích cá nhân và kiến thức về dinh dưỡng. Với trẻ em, điều quan trọng đôi khi không phải là cho trẻ ăn thật nhiều, mà phải cho trẻ ăn sao để cung cấp chất dinh dưỡng thật cân đối và phù hợp với nhu cầu của trẻ.

ThS. BS. Đải Thị Yến Phi - Giảng viên Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Theo aFamily

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Những thức ăn không an toàn cho trẻ (23/2)
 Ăn nhiều đồ ngọt, bé dễ cáu kỉnh (23/2)
 Chăm bé ăn (8-12 tháng tuổi) (20/2)
 Có nên cho trẻ uống nhiều sữa tươi? (20/2)
 Lưu ý khi cho bé thử thức ăn mới (19/2)
 Dị ứng thực phẩm (18/2)
 Trẻ bị ốm cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp (18/2)
 11 thắc mắc về dinh dưỡng cho bé (17/2)
 Bí đỏ - Thực phẩm rất tốt đối với trẻ em (17/2)
 Sắc màu cho trẻ (16/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i