Khi ốm, trẻ thường tỏ ra chán ăn và bị sụt cân, vì vậy bố mẹ cần phải có một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con
Ảnh: sưu tầm
Dinh dưỡng cho trẻ ốm
Khi bị ốm, trẻ cũng giống như người lớn chúng ta, rất mệt mỏi và không muốn ăn. Thậm chí, bé còn có thể bị nôn trớ sau mỗi lần ăn do đó càng bị kiệt sức vì mệt và mất nước. Lúc này, bên cạnh việc chăm sóc và điều trị bệnh cho con, cha mẹ còn cần phải lưu ý tới việc chế biến thức ăn như thế nào cho hợp lý.
Tùy vào từng độ tuổi để đưa ra những chế độ ăn khác nhau. Với trẻ đang bú mẹ, thì nên tăng số lần bú lên làm nhiều lần hơn. Nếu bé ngạt Mũi và gặp khó khăn khi bú thì mẹ có thể vắt Sữa ra rồi đút thìa cho con.
Còn với trẻ ăn dặm, bạn nên chú ý một vài điều cơ bản sau:
- Không nên bắt trẻ ăn kiêng, trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ điều trị. Nếu bé bị tiêu chảy thì cần tránh thức ăn nhiều đường, hoặc những thức ăn nhiều xơ cũng sẽ khiến bé khó tiêu hóa
- Luôn phải chú ý giữ vệ sinh ăn uống, tránh để bé bị tiêu chảy.
- Thức ăn cần được nấu loãng hơn ngày thường, tránh cho bé ăn thức ăn quá nhiều dầu mỡ.
- Thời gian ăn của bé có thể kéo dài hơn, cha mẹ không nên ép con ăn theo quy tắc hàng ngày.
- Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ. Ví dụ bình thường một ngày trẻ ăn 3 bữa thì lúc này có thể chia thành 5,6 bữa, như thế dù mỗi lần bé ăn được ít nhưng vẫn đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng.
- Chú ý cho trẻ uống nhiều nước và ăn thêm hoa quả.
Giúp bé hồi phục sức khỏe
Sau khi ốm dậy, cơ thể của bé vẫn còn mệt mỏi và chưa hoàn toàn hồi phục. Nhiều trường hợp do kiêng khem trong thời gian bệnh và do bé bị kiệt sức, sụt cân nhiều dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Do đó, sau ốm trẻ vẫn cần được duy trì chế độ ăn như khi bị ốm, đồng thời tích cực bồi bổ thêm những thức có nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm trong thịt, cá, trứng, sữa... và vitamin có trong nhiều loại hoa quả.
Vẫn cần nấu cháo loãng cho bé ăn, sau đó chuyển sang nấu đặc dần lên cho đến khi bé hoàn toàn khoẻ mạnh thì lại có thể ăn đặc như bình thường.
Theo Bibi.vn