Mang thai và sinh đẻ
   Theo dõi căng thẳng và trầm cảm ngay từ trong bụng mẹ
 
Từ thời gian rất lâu trước đây, người ta đã biết rằng tâm tính, sức khoẻ của đứa bé sau này đều đã bị ảnh hưởng từ thời gian còn là thai nhi trong bụng mẹ. Người mẹ được hướng dẫn đầy đủ mọi việc từ cách ăn uống, suy nghĩ cho đến mọi hoạt động, di chuyển. Những nghiên cứu khoa học sau này cho thấy, kinh nghiệm của tổ tiên chúng ta không phải là không chính xác. Bằng cách theo dõi các cử động và nhịp tim của bào thai, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng với những người mẹ thường xuyên bị căng thẳng hoặc trầm cảm, bào thai có sự phản ứng khác hẳn với những người mẹ có cuộc sống tâm lý nhẹ nhàng. Cũng theo cuộc nghiên cứu, sau khi chào đời những đứa trẻ này có khuynh hướng gia tăng nguy cơ chậm hiểu trong việc học tập và cách cư xử, bản thân chúng cũng dễ bị ảnh hưởng căng thẳng và trầm cảm hơn so với những đứa trẻ đồng tuổi. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng công trình nghiên cứu này chỉ mang tính cách sơ bộ. Sự căng thẳng hoặc trầm cảm trong giai đoạn thai kỳ chỉ là một trong nhiều lý do ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đứa trẻ. Ngay cả đối với những người mẹ thường xuyên bị căng thẳng cao độ hoặc trầm cảm, tỉ lệ phát sinh vấn đề đối với xúc cảm và hành vi của đứa trẻ cũng còn rất thấp. Bác sĩ Janet DiPietro, nhà tâm lý học phát triển tại trung tâm Sức khoẻ cộng đồng thuộc đại học Johns Hopkins Bloomberg, nhận xét: "Điều cuối cùng mà một người phụ nữ mang thai cần là phải chú tâm đến một vấn đề cụ thể nào đó". Quá trình nghiên cứu phản ảnh các bằng chứng về việc sự căng thẳng hoặc trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời sau này của đứa trẻ. Theo lời các chuyên gia, nếu kết quả này được duy trì chúng có thể đưa đến việc các bác sĩ sản khoa, bà đỡ và các chuyên viên y tế khác khi chăm sóc các phụ nữ có thai sẽ yêu cầu bổ sung thêm việc kiểm tra tinh thần định kỳ như một công việc cần thiết. Quá trình theo dõi này sẽ cho phép các bác sĩ đưa ra biện pháp điều trị cần thiết dành cho những người phụ nữ mang thai bị trầm cảm hoặc những chứng bệnh rối loạn khác. Phụ tá giáo sư tại khoa tâm lý học trường cao đẳng tâm lý và giải phẫu học Columbia, bác sĩ Catherine Monk nói: "Lẽ ra chúng ta phải can thiệp sớm hơn, quá trình chăm sóc thai phụ trước khi sinh là quãng thời gian lý tưởng để thực hiện theo dõi tâm lý, nhưng hiện nay chúng ta chưa thực hiện được điều này". Hậu quả của sự căng thẳng đối với thai phụ đã được chứng minh trên các thí nghiệm với động vật. Đối với loài chuột, các nhà nghiên cứu nhận thấy chuột con do những con chuột mẹ bị căng thẳng sinh ra sẽ chịu nhiều biến đổi trong thành phần hoá học của não cũng như hành vi của chúng. Ví dụ như khi tiêm vào cơ thể chuột mẹ kích thích tố corticosterone nhằm thúc đẩy cảm giác căng thẳng, chuột con sau khi sinh ra sẽ bị giảm tỉ lệ tiếp nhận corticosterone trong não, đồng thời chúng cũng rất dễ bị căng thẳng. Đối với con người, có nhiều bằng chứng cho thấy khi người mẹ bị căng thẳng thường sinh ra những đứa con có trọng lượng nhẹ hơn bình thường. Vài năm gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu chú ý đến những hiệu ứng tinh tế hơn, họ tìm hiểu xem làm thế nào bào thai có thể phản ứng lại đối với những nỗi lo âu hoặc trầm cảm của người mẹ, sức khoẻ tâm lý và sự phát triển trong tương lai của đứa trẻ sau khi chào đời. Một số công trình nghiên cứu đã rút ra kết luận sơ bộ khác thường về mối quan hệ mang tính cách biểu tượng giữa người mẹ và bào thai. Bác sĩ Monk đã theo dõi tình trạng tăng giảm nhịp tim của bào thai khi người mẹ đang bị căng thẳng. Trong một cuộc nghiên cứu, những người phụ nữ mang thai lần thứ ba sẽ được kiểm tra tâm lý về những mối lo âu và chán nản của họ. Sau đó họ được yêu cầu thực hiện một bài kiểm tra gây căng thẳng qua máy tính. Trong lúc chờ đợi, tất cả những người này đều bị tăng nhịp tim, hơi thở và huyết áp. Sự đáp lại của bào thai lại khác nhau. Bào thai của những người mẹ có cuộc sống đầy lo âu cũng sẽ bị tăng nhịp tim. Ngược lại, nhịp tim bào thai của những người mẹ có cuộc sống tâm lý nhẹ nhàng không hề dao động. Bác sĩ Monk nói rằng bào thai không chỉ đơn giản bắt chước sự phản hồi của người mẹ. Bà nói: "Điều này đem lại cho chúng tôi một lời giải thích khác hẳn, bào thai của những người mẹ quá lo âu hoặc căng thẳng sẽ có khả năng phản ứng nhanh nhạy hơn những bào thai khác". Bà so sánh sự phản hồi của bào thai đối với cảm giác của những người đang ngồi trong phòng chờ khi thấy cánh cửa đóng sầm lại. Trong trường hợp này, một bào thai có thể phản ứng lại với sự tăng nhịp tim hoặc hơi thở của người mẹ, hoặc một tác động nào đó của kích thích tố gây căng thẳng. Bác sĩ Monk nói rằng, những người mẹ căng thẳng có xu hướng gặp nhiều khó khăn để giải toả sự căng thẳng, điều này khiến cho tỉ lệ kích thích tố gây căng thẳng như cortisol càng tăng cao. Bà cho rằng sự tăng cao này đến phiên nó lại làm cho đứa trẻ bị giật mình. Bà nói: "Giả thuyết của tôi là qua quá trình thai nghén, họ đã tạo ra sự biến đổi trong môi trường tử cung, trong đó bao gồm cả việc tăng tỉ lệ kích thích tố gây căng thẳng. Điều này có thể làm cho bào thai dễ bị ảnh hưởng căng thẳng trong tương lai, vì sự căng thẳng đóng một vai trò quan trọng gây ra chứng trầm cảm, cho nên bọn trẻ cũng rất dễ mắc chứng trầm cảm khi chúng lớn lên". Dù sự căng thẳng và trầm cảm có quan hệ gần gũi với nhau, các nhà nghiên cứu tin rằng sự căng thẳng có ảnh hưởng mạnh hơn đối với thai nhi trong giai đoạn thai kỳ. Trong một cuộc nghiên cứu được bác sĩ DiPietro thực hiện, những người phụ nữ có thai cho rằng họ luôn gặp căng thẳng trong cuộc sống, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai, bào thai của họ có phản ứng rất rõ ràng đối với các cuộc siêu âm. Một số nghiên cứu khác đã cho thấy mối liên hệ giữa tỉ lệ kích thích tố gây căng thẳng cao của người mẹ đối với sự chủ động của bào thai. Bác sĩ DiPietro nhận thấy những bào thai phản ứng tích cực thì khi lên 1 tuổi, chúng trở thành những đứa trẻ rất năng động, điều này chứng minh rằng hiệu ứng tác động không chỉ mang tính cách nhất thời. Đối với những đứa trẻ mới sinh, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối liên hệ đối với những người mẹ bị trầm cảm. Một công trình nghiên cứu được công bố trong năm nay trên tạp chí Sự phát triển và hành vi của trẻ em (Infant Behavior & Development) so sánh 70 phụ nữ có thai bị trầm cảm với 70 phụ nữ không mắc chứng này. Công trình nghiên cứu nhận thấy khi so sánh con của những bà mẹ khoẻ mạnh, những đứa con của các bà mẹ bị trầm cảm có tỉ lệ cortisol cao hơn, tỉ lệ dopamine và serotonin thấp hơn, đây là hai xung não có liên quan đến bệnh trầm cảm. Bọn trẻ cũng không phát huy được khả năng học tập, chúng ít đáp lại sự kích thích từ xã hội bên ngoài và ít có khả năng tự chế khi bị kích động, theo lời của bác sĩ Tiffany Field, tác giả công trình nghiên cứu và là giám đốc Viện Nghiên cứu xúc giác thuộc trường đại học y khoa Miami. Trong một nghiên cứu khác, bác sĩ Monk đặt những đứa trẻ vừa mới chào đời vào chiếc xe nôi được thiết kế đặc biệt theo hướng nghiêng 30 độ lên hoặc xuống, một biện pháp mẫu mực để kiểm tra sự phản hồi của một em bé mới sinh. Khi đứa trẻ bị chúc đầu xuống, nhịp tim bị giảm theo như một tín hiệu phản ứng lại sự căng thẳng. Nhưng con của các bà mẹ bị căng thẳng lại ít giảm nhịp tim hơn, cho thấy chúng ít có khả năng thích nghi với sự căng thẳng. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem điều gì được hình thành từ khi bào thai còn trong bụng mẹ được duy trì cho đến khi chúng lớn lên. Trong một công trình nghiên cứu được công bố năm 2002 trên tờ tạp chí Tâm bệnh học Anh (British Journal of Psychiatry), các nhà nghiên cứu hỏi 7,448 phụ nữ trên khắp nước Anh để đánh giá mức độ căng thẳng của họ trong giai đoạn mang thai, đồng thời trả lời một bản câu hỏi về hành vi của con mình khi chúng được 4 tuổi. Cuộc nghiên cứu nhận thấy con của những phụ nữ quá lo âu trong thời gian mang thai sẽ gặp vấn đề trong hành vi ứng xử - một khó khăn đáng được lưu ý - khi chúng được 4 tuổi. Bác sĩ Thomas ÓConnor, một giáo sư tâm lý học tại trường đại học Rochester, tác giả công trình nghiên cứu cho biết: "Những phụ nữ nằm trong danh sách 15 phần trăm quá lo lắng sẽ có nguy cơ con mình gặp vấn đề trong hành vi ứng xử cao gấp đôi". Ông cũng cho biết trong toàn bộ quá trình nghiên cứu, tỉ lệ trẻ em gặp khó khăn nói trên là 10 phần trăm, so với tỉ lệ 5 phần trăm trẻ nói chung. Bác sĩ Glover Vivette, một nhà tâm lý học tại trường cao đẳng Imperial London, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, lưu ý rằng ngay cả con của những người mẹ bị căng thẳng cũng gặp nhiều nguy cơ, nhưng tỉ lệ gặp vấn đề trong hành vi ứng xử cũng rất thấp. Bà cũng nói "Thậm chí với nhóm phụ nữ gặp nhiều lo lắng, 90 phần trăm bọn trẻ không gặp vấn đề về hành vi. Cho nên dù một phụ nữ có khá lo lắng đi nữa, đứa trẻ vẫn phát triển tốt đẹp". Việc theo dõi trạng thái sức khoẻ tâm lý của các phụ nữ mang thai cũng đang là một vấn đề gây nhiều bàn cãi. Bác sĩ Glover nói, "Trong vai trò sức khoẻ cộng đồng, điều này rất quan trọng nếu chúng ta có thể giảm nguy cơ phát sinh vấn đề hành vi ứng xử bằng cách điều trị tâm lý cho những người mẹ trong giai đoạn mang thai". Bà lưu ý rằng, việc chữa trị đã đem lại kết quả tốt đẹp đối với những người đã từng gặp phải tình trạng quá căng thẳng hoặc lo âu. Một số nhà nghiên cứu nói rằng bất kỳ đề nghị theo dõi và điều trị tâm lý nào trong giai đoạn mang thai đều còn quá sớm, vì mọi nghiên cứu chỉ đang dừng lại ở mức độ sơ khởi. Họ nhắc lại các cuộc nghiên cứu cho thấy tình trạng căng thẳng của người mẹ đôi khi lại có ích cho bào thai. Trong một cuộc nghiên cứu, những đứa trẻ hai tuổi có mẹ thường xuyên lo lắng trong giai đoạn mang thai lại vận động tốt hơn và đạt được khả năng nhận thước nhiều hơn so với những đứa trẻ mà người mẹ không gặp vấn đề tâm lý. Một vài chuyên gia cho rằng sự ý thức của bào thai khi người mẹ bị căng thẳng có thể được phát triển theo xu hướng tiến hoá, chuẩn bị cho đứa trẻ hành trang để sẵn sàng bước vào một thế giới đầy cam go. Bác sĩ Pathik D. Wadhwa, giám đốc chương trình nghiên cứu hành vi tại đại học Irvine California nói "Nếu một bào thai bị đe doạ thường xuyên trước khi nó chào đời, trong đó có cả những mối nguy hiểm đến sự phát triển của bản thân nó thì đó sẽ là môi trường để nó tự phát triển một hệ thống phản ứng đối với sự căng thẳng". Minh Trang (Theo New York Times)
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 5 mối lo khi sắp có con (7/9)
 Bệnh tim và thai nghén (7/9)
 Thai phụ cần cảnh giác với bệnh tuyến giáp (5/9)
 Thai phụ bị tiểu đường nên sinh khi nào? (31/8)
 Các bà bầu nên ăn gì, uống gì? (31/8)
 Để thai phụ có nhiều sữa (29/8)
 Thai nhi chưa biết đau trong 6 tháng đầu (25/8)
 Thai nhi cần được bảo vệ (20/8)
 Uống nước máy có gây sẩy thai? (19/8)
 Chẩn đoán dị tật thai nhi sớm bằng máy siêu âm 4 chiều (19/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i