Ai có trải qua thời kỳ cho con ăn dặm mới thấm thía nỗi khó khăn của các bậc cha mẹ. Sau đây là một số trục trặc thường gặp trong ăn dặm và cách khắc phục:
- Bé chống cự lại, không chịu ăn, bạn hãy đổi qua một loại thức ăn khác. Biết đâu bé không thích bột ngọt (bột sữa) mà lại thích ăn bột mặn (bột thịt, tôm...) thì sao? Thay vì dùng muỗng đút ăn, bạn hãy lấy ngón tay sạch quẹt thức ăn cho bé nuốt. Nếu không thành công, bạn tạm lùi lại 1-2 tuần sau và bắt đầu thử lại. Không nên cưỡng ép bé.
- Nếu bé đi tiêu có hơi lỏng một chút, màu sắc có thay đổi nhưng bé vẫn ăn, bú tốt, chơi khỏe thì bạn vẫn cứ an tâm cho bé tiếp tục ăn.
- Nếu bé đi tiêu chảy nhiều nước và đi tiêu hơn 3 lần mỗi ngày, kèm theo ói ọc, sình chướng bụng, bỏ bú - thì nên ngưng cho ăn ngay, lùi lại nửa tháng sau hãy tập ăn trở lại và cũng từng chút một như hướng dẫn trong những ngày đầu ăn dặm.
- Tập cho bé ăn đủ chất trong mỗi bữa khi bé đã ăn giỏi. Tuy nhiên phải tuân thủ nguyên tắc kéo dài 3-5 ngày với mỗi loại thức ăn mới để bé quen dần và phát hiện ra loại thức ăn có thể gây dị ứng nơi bé để loại trừ.
- Bé ăn trứng bị nổi mề đay, lác sữa... thì có thể bé đã bị dị ứng trứng, nên tạm ngưng ăn trứng một thời gian. Bạn nên nấu trứng chín kỹ, không cho bé ăn "lòng đào". Trứng có thể được thay bằng sữa bột, tàu hũ - ở tháng đầu rồi sau đó là cá, thịt, tép - ở những tháng kế tiếp.
- Nếu bé bị nghẹn, khó nuốt thì xem lại bột có quá đặc, quá lợn cợn không, hãy làm loãng bột hơn với một ít nước chín, nước canh hoặc sữa hoặc tán nhỏ hơn nữa bằng muỗng hay tán qua rây.
- Nếu bé không muốn ăn, có phải do bé chưa đói, bạn hãy chờ đến bữa ăn sau. Lúc đói hãy cho ăn trước, sau đó cho bú ngay thêm để bé đủ no. Không nên gò ép, căng thẳng sẽ làm bé sợ ăn vì quan trọng là thói quen ăn uống hơn là phải ăn cho hết suất.
Ngoài thức ăn dặm, bạn nên cho bé uống thêm 50-100ml nước trái cây hoặc trái cây tán nhuyễn giữa các bữa ăn để cung cấp thêm các loại sinh tố cần thiết cho sự phát triển của bé.
( Theo suckhoe360 )