BÀI 1: Bé đến trường: học mà chơi, chơi mà học.
Các nhà tâm lý học cho rằng ngày từ khi còn ở lứa tuổi nhũ nhi, trẻ đã có nhu cầu được chơi. Ban đầu trẻ chơi với những ngón tay của mình, chơi với những ngón chân, rồi chơi với các đồ chơi được treo trong nôi… Theo năm tháng trẻ lớn lên, nhu cầu chơi của trẻ cũng ngày càng cần thiết và phong phú hơn. Trẻ bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh mình, khám phá các đồ vật và học cách sử dụng chúng.
Trò chơi của trẻ ngày càng đa dạng và sinh động theo lứa tuổi của trẻ. Những yếu tố trò chơi phân vai xuất hiện và bắt đầu phát triển trong lứa tuổi vườn trẻ.
Trẻ em thể hiện những ước mơ của mình, trình bày những suy nghĩ, tưởng tượng về thế giới xung quanh và tái tạo những quan hệ qua lại và hoạt động lao động của người lớn dưới hình thức đặc biệt: Hình thức trò chơi.
Trong các hình thức trò chơi, đặc biệt trò chơi đóng vai là trò chơi tạo hứng thú cho trẻ và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về xã hội thu nhỏ xung quanh bé: gia đình, hàng xóm. Bên cạnh đó, trò chơi đóng vai còn là phương tiện để bé thỏa mãn nhu cầu muốn làm người lớn, nhu cầu tham gia vào xã hội của người lớn trong khi khả năng của trẻ lại không đáp ứng được nhu cầu đó.
Trò chơi đóng vai, đóng kịch xuất hiện ở lứa tuổi mẫu giáo giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng của trẻ, giúp trẻ tái tạo lại xã hội của người lớn thông qua các trò chơi và vai chơi của mình.
Trong lứa tuổi mẫu giáo trò chơi trở thành hình thức hoạt động chủ đạo. Không phải vì ở trường mầm non, trẻ dành phần lớn thời gian để tham gia hoạt động vui chơi mà vì trong quá trình vui chơi, trò chơi gây ra những biến đổi trong tâm lý trẻ. Những biến đổi này giúp trẻ hình thành những tính cách, tình cảm, đạo đức và ý thức về bản thân trong thế giới đang sống và các quan hệ xung quanh trẻ.
Nói cách khác, trò chơi nói chung và trò chơi đóng vai nói riêng là một trong những phương tiện giúp trẻ phát triển toàn diện.
Trúc Giang mamnon.com