Ăn siêu nhân, ngủ siêu nhân
“Ăn siêu nhân, ngủ siêu nhân” không phải là khẩu ngữ suông nữa mà đã trở thành hiện thực trong đời sống của rất nhiều trẻ em nhất là các bé trai hiện nay. Hội chứng nghiện phim siêu nhân của các bé đã gây cho nhiều bậc làm cha làm mẹ sự lo lắng về những hậu quả mà nó để lại.
Chị Hoài, nhân viên ngân hàng Ngoại Thương (Hà Nội), có con trai 5 tuổi nói: “Chả hiểu nó thích gì ở những nhân vật gớm ghiếc, người chả ra người, ngợm chả ra ngợm ấy mà cứ dán mắt vào cái màn hình xem đi xem lại hết đĩa 5 anh em siêu nhân rồi lại Siêu nhân hủy diệt, Siêu nhân cái bang... suốt ngày không biết chán”.
Bé Bi, con chị Hoài, có bệnh nghiện phim siêu nhân đến mức không thể dứt ra được. Trung thu, sinh nhật, những đứa trẻ khác đòi quà quần áo, đồ chơi thì con chị chỉ yêu cầu bố mẹ mua cho mình đĩa phim siêu nhân. Bây giờ, chỉ riêng đĩa phim của cu cậu đã chiếm đầy một ngăn tủ của gia đình. Quần áo, giày dép, cặp đi học của cu Bi cũng phải có hình siêu nhân cháu mới chịu dùng.
Ngày nào cũng vậy, mỗi khi bố bật hoạt hình siêu nhân là cu Bi lại múa may loạn xạ, mồm kêu “hự, chát” liên tục. Đánh một mình không đã, cu cậu bắt bố phải đóng giả làm “quái vật” để siêu nhân Bi ra tay “trừ gian diệt bạo”. Bi “nhập vai” tốt đến mức những cú “thụi”, cú đá mạnh nhiều khi bố cũng phải kêu la oai oái vì đau.
Chung chứng “nghiện” như cu Bi là bé Minh, 7 tuổi (tập thể Thông Tấn Xã – Lò Đúc – Hà Nội). Đi học không sao, về đến nhà là Minh tự động bật ngay đĩa siêu nhân, xem mê mệt đến mức bà nội gọi đi tắm cả chục lần mà cứ “vâng! Con ra ngay” rồi vẫn ngồi lì đấy. Có đêm đang ngủ, bé quát: “5 anh em siêu nhân đã đến đây!” rồi cười như nắc nẻ trong khi hai mắt vẫn nhắm tịt.
Những hình ảnh về 5 anh em siêu nhân luôn khiến các bé trai mê mẩn
Không chỉ những đứa trẻ thành phố như bé Bi, bé Minh mới mắc chứng nghiện phim siêu nhân. Kinh tế phát triển khiến việc sở hữu những vật dụng đắt tiền như đầu đĩa, đầu thu truyền hình cáp đối với nhiều gia đình nông thôn cũng không quá khó khăn. Và đó chính là điều kiện để trẻ em nông thôn tiếp xúc và dẫn tới nghiện phim hoạt hình nói chung và phim siêu nhân nói riêng.
Cháu Banh, con anh chị Thành – Hoa (Yên Dũng – Bắc Giang) cũng là một fan hâm mộ nhiệt tình của bộ phim 5 anh em siêu nhân. Quần áo của Banh chỉ toàn màu xanh, đỏ, tím, vàng, hồng. Một ngày có khi Banh thay trang phục đến mấy lần. Không phải bé nghịch bẩn phải thay mà màu sắc quần áo đang mặc phụ thuộc vào việc lúc đó, bé thích là siêu nhân đỏ, vàng, hay tím… Chỉ khổ cho chị Hoa, lúc nào cũng phải giặt một chậu tướng toàn quần áo “siêu nhân” của cậu quý tử.
Gãy tay, vỡ đầu vì siêu nhân
Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở sở thích của bé thì có lẽ các bậc phụ huynh đã không lo lắng đến vậy.
Một lần, em họ Bi là Tôm đến chơi. Một đứa đóng giả siêu nhân xanh, một đứa là siêu nhân vàng rồi vớ kiếm nhựa đánh nhau như thật. Trong lúc chơi đùa, không biết cả hai xô đẩy thế nào mà Tôm ngã sấp mặt xuống đất, môi sưng vều còn Bi đập đầu vào cạnh nhọn của bàn nước, máu chảy ròng ròng. Ôm con vào bệnh viện cấp cứu, chị Hoài không khỏi xót xa, đau đớn.
Sau nhiều ngày dán mắt vào màn hình xem siêu nhân, mắt Minh cứ mờ dần, thỉnh thoảng nhìn lâu lại thấy nhưng nhức, khó chịu. Cho Minh đi khám, mẹ cu cậu mới tá hỏa khi thấy con mình mới học có lớp hai mà đã cận tới 2,5 điop. Kỉ luật thép được ban hành ngay lập tức nhằm cai “nghiện” cho quý tử. Những nhân vật siêu nhân kiệt chúng của Minh đành tạm biệt “khổ chủ” mà yên vị trong thùng rác.
Chuyện của bé Banh thì còn dở khóc dở cười hơn. Mùa hè rỗi rãi, bố mẹ lại đi làm suốt nên Banh xem siêu nhân tối ngày. Xem nhiều đến mức Banh tưởng mình là siêu nhân thật, có khả năng “bay lượn” như chim. Cậu chàng leo lên đống rơm to đầu nhà, vừa nhảy xuống vừa hét “Siêu nhân đây. Bọn độc ác hãy cút khỏi thế giới này!”. Chả thấy “bọn độc ác” đâu, chỉ thấy lũ gà, lũ vện chạy thục mạng vì quá khiếp đảm còn “siêu nhân” Banh thì “hạ cánh an toàn” trong… bệnh viện vì gãy tay phải.
Cần một sự quan tâm, định hướng của cha mẹ
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều trẻ em nhất là các bé trai lại nghiện xem phim siêu nhân. Nguyên nhân một phần chính là do cách giáo dục chưa đúng đắn của cha mẹ. Khi trẻ biếng ăn, lười học, nhiều bậc phụ huynh luôn lấy phim siêu nhân như một phần thưởng để “dụ” trẻ nghe lời. Lâu dần thành quen, bé luôn đòi hỏi và mỗi khi không được đáp ứng thì phản ứng bằng cách khóc nhè hay “đình công” không chịu ăn uống, học hành. Thương con, cha mẹ lại tặc lưỡi “chiều thêm lần nữa”. Cứ như vậy, phim siêu nhân như một thứ đại dịch cuốn trẻ em vào vòng xoáy của nó, khiến nhiều cháu lệch lạc nhân cách hoặc có những ảo tưởng về bản thân.
Bản thân các phim siêu nhân không hề xấu. Chỉ có lạm dụng nó mới khiến trẻ bị ảnh hưởng không tốt. Cha mẹ cần định hướng, hướng dẫn cho con phân bổ thời gian giữa việc ăn, chơi, xem và học sao cho thích hợp. Đừng để những tình huống xấu xảy ra với con mình mới cuống quýt tìm cách chữa cháy, cai “nghiện” phim siêu nhân cho con.
Theo Phunu.net