Các bậc cha mẹ thường tự hỏi nếu cho các cháu bé từ ba đến tám tuổi tiếp cận máy tính thì cần học những gì phù hợp với trí tuệ và độ tuổi của các em. Những câu hỏi mà các chuyên gia thường gặp nhất về vấn đề này là: “Con tôi mới có ba tuổi mà biết điều khiển con chuột thành thạo rồi, cháu có phải là... thần đồng tin học không?”; hay “Con tôi đã năm tuổi rồi mà chẳng thấy nó thích thú gì với chiếc máy tính. Nó có bị chậm phát triển không?”;...
Tất nhiên, trẻ em luôn phát triển trí tuệ theo nhiều tốc độ khác nhau và theo nhiều phương cách khác nhau. Vì vậy, nếu con em của bạn không quan tâm gì đến chiếc máy tính trong gia đình thì bạn cũng đừng nên lo ngại. Còn nếu bạn tò mò muốn biết những tiêu chuẩn để xác định trình độ “thần đồng tin học” của con em mình và cũng là những kỹ năng máy tính mà các em có thể dễ dàng tiếp thu trong độ tuổi từ ba đến tám thì xem tiếp phần dưới đây:
Những tiêu chuẩn "thần đồng"
Một dự án mang tên US Kids Compute nhằm nghiên cứu việc phổ cập kỹ năng máy tính cho trẻ em ở Mỹ đã đúc kết được những mục tiêu chính định hướng cho việc dạy trẻ em làm quen với máy tính như sau:
Trẻ ba tuổi:
- Biết nói chuyện và hát theo những nhân vật hoạt hình trong các chương trình máy tính.
- Biết dùng con chuột để trỏ và nhấp.
- Biết khám phá ra những chỗ có thể nhấp chuột trên màn hình.
- Biết dùng chuột để vẽ các đường nét trong các chương trình đồ họa dành cho trẻ con.
- Nhớ được những vị trí mà chúng ưa thích trong các chương trình và luôn đòi quay lại những vị trí đó.
Trẻ bốn tuổi:
- Biết khởi động chương trình từ màn hình desktop của máy tính.
- Biết tự tìm đường khám phá trong những chương trình đơn giản.
- Biết bấm chọn một đối tượng và kéo thả sang các vị trí khác trên màn hình.
- Biết chơi nhiều trò chơi đòi hỏi sự nhanh nhạy và xây dựng khái niệm như các trò chơi dạy các chữ cái ABC, các chữ số, và phân biệt các hình dạng.
- Biết tô màu trong các chương trình vẽ.
- Biết đặt đĩa CD vào ổ đĩa CD-ROM.
Trẻ năm tuổi:
- Biết khởi động máy tính.
- Biết sử dụng các cách đăng nhập để chạy chương trình, chẳng hạn biết gõ tên mình trên bàn phím.
- Biết chơi các trò chơi đòi hỏi trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Biết sử dụng các phần mềm đồ họa đơn giản để làm thiệp mời, thiệp sinh nhật.
- Biết chức năng in của chương trình.
- Biết cách thoát khỏi chương trình khi đã hoàn tất.
Trẻ sáu tuổi:
- Biết sử dụng các phím chức năng trên bàn phím như các phím mũi tên, phím Escape, phím cách,..
- Biết chơi các trò chơi phát triển kỹ năng làm toán, tập đọc, kiến thức khoa học, địa lý,...
- Biết dùng phần mềm văn bản hay các chương trình đồ họa đơn giản để viết một câu chuyện có hình vẽ minh họa.
- Biết tự trang trí màn hình nền (desktop) với những hình vẽ riêng của mình.
- Biết chơi những trò chơi đòi hỏi phải thay phiên với người khác.
- Biết lưu dữ liệu vào đĩa cứng.
- Biết tự tìm hiểu và khám phá qua các CD-ROM bách khoa dành cho trẻ em.
Trẻ bảy tuổi:
- Biết viết và gửi e-mail thăm hỏi người thân (dưới sự giám sát của phụ huynh).
- Biết sử dụng internet để tìm kiếm thông tin liên quan đến việc học ở trường (dưới sự giám sát của phụ huynh).
- Biết chơi những trò chơi đòi hỏi phải giải toán hay những câu đố lô-gic.
- Biết quét (scan) hình ảnh với máy scanner.
- Biết làm và duy trì một nhật ký trong máy tính với hình ảnh minh họa kèm theo.
Trẻ tám tuổi:
- Bắt đầu tập gõ bàn phím bằng cả hai tay.
- Biết sử dụng các thực đơn trong chương trình để thay đổi font chữ.
- Biết dùng máy tính và internet để viết những báo cáo mà nhà trường yêu cầu.
- Biết sử dụng máy ảnh số.
- Biết chơi những trò chơi sử dụng các trình giả lập để xây dựng thành phố, nông trại, v.v...
- Biết tự cắm điện, cắm máy in, nối điện thoại vào modem và khởi động máy tính.
Ở Việt Nam, nếu con em bạn trong độ tuổi từ ba đến tám mà thành thạo được những kỹ năng tương đương với độ tuổi của chúng thì có thể xem các em là... “thần đồng” hết!
Nhưng đừng vội mừng!
Cho trẻ em học sử dụng máy tính cũng là điều tốt để giúp chúng tiếp cận với những kỹ năng sẽ theo các em suốt đời từ khi đi học đến khi đi làm. Tuy vậy, nếu cho các em tiếp cận với máy tính quá sớm mà không có sự điều tiết cũng như sự giám sát của phụ huynh thì lại là điều không nên.
Tại hội nghị quốc tế thường niên về “An toàn Nghề nghiệp” năm 2002 tổ chức tại Thụy Sĩ, bác sĩ Patricia Gierlach - chuyên gia tư vấn về sức khỏe nhi khoa - đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ sức khỏe mà trẻ em dưới 12 tuổi thường mắc phải nếu sử dụng máy tính quá độ. Sau 11 đợt nghiên cứu cặn kẽ ở Geneva với nhiều đối tượng trẻ em trong độ tuổi này, bác sĩ Gierlach kết luận: “Chính việc sử dụng chiếc máy tính quá sớm trong khi cơ thể chưa phá triển đầy đủ đã khiến rất nhiều trẻ em mắc phải những triệu chứng mãn tính không thể chữa trị về cột sống và thị lực”.
Những động tác thường xuyên lập đi lập lại như gõ phím, di chuột cùng với tư thế ngồi không thoải mái sẽ khiến các em dễ bị đau nhức ở lưng, gáy, vai, cánh tay, cổ tay và đặc biệt là mắt. Số trẻ em dưới 12 tuổi bị vẹo cột sống và cận thị nặng vì sử dụng máy tính quá mức đã lên tới mức báo động ở nhiều thành phố phương Tây. Chính sự hấp dẫn của những chương trình sinh động, những trò chơi lôi cuốn là nguyên nhân khiến các em không muốn rời xa máy tính mặc dù thời gian ngồi trước máy đã vượt quá mức an toàn so với độ tuổi của các em. Do đó, việc dạy cho các em ngồi đúng cách, biết giữ gìn sức khỏe cũng quan trọng không kém việc dạy các em sử dụng máy tính. Và vai trò cũng như ý thức của phụ huynh trong việc này là quan trọng nhất.
Bạn có quyền tự hào với “thần đồng vi tính” tám tuổi trong gia đình bạn. Nhưng nếu bạn đang thúc ép con em mình trở thành “thần đồng” thì bạn đang chơi một canh bạc cực kỳ nguy hiểm mà tiền đặt cược chính là tương lai của con em mình.
Theo EChip
|