Với tiêu chí: chơi mà học, một ngày hội cho thiếu nhi đã được tổ chức tại Hội đồng Anh. Các em tham gia thi vẽ tranh, chơi trò chơi bằng tiếng Anh và nhận giải thưởng do bà Debbie Clark, Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM trao tặng.
Học như... chơi
Có một số bậc phụ huynh lo ngại, trẻ chơi nhiều quá thì không ghi chép được gì, và vì thế không học được nhiều. Nhưng đối với trẻ, chúng học về thế giới nhanh nhất qua các trò chơi, và việc học tiếng Anh càng không phải là ngoại lệ. Thông qua các trò chơi bằng tiếng Anh, trẻ phát triển được kỹ năng giao tiếp, tính đồng đội, tự chủ, chia sẻ... Cô Suzanne More, giảng viên Hội đồng Anh nhận xét: "Bất cứ nội dung học nào cũng có thể thiết kế dưới dạng trò chơi và đạt hiệu quả giáo dục tối ưu".
Chơi thế nào?
Các trò chơi cần đơn giản, rõ ràng với các tình huống quen thuộc để trẻ có thể thực hiện được một cách tự nhiên và dễ dàng. Chẳng hạn các em có thể vẽ một bức tranh về sở thú trong đó có các con vật mình yêu thích và miêu tả chúng, hay luyện kỹ năng nghe thông qua các trò chơi ghép hình, luyện kỹ năng nói khi chọn một món quà sinh nhật bạn... Đối với các em lớn hơn, đó có thể là bài viết cho báo tường về chương trình TV mà em thích, về các quốc gia trên thế giới hay về vấn đề nước sạch và môi trường...
Cô Ruth nói: "Trẻ muốn tự làm mọi thứ và rất tự hào khoe các sản phẩm của mình. Chúng tôi luôn trưng bày sản phẩm của các em sau mỗi giờ học nên các em rất thích. Mỗi em còn có hẳn một bộ sưu tập các sản phẩm của mình sau mỗi khóa học". Ở nhà, bố mẹ cũng nên khuyến khích các em làm đồng hồ, con chim, con rối... hoặc vẽ một bức tranh về thế giới xung quanh và diễn tả chúng bằng tiếng Anh. Bố mẹ cũng có thể dạy tiếng Anh cho con dù không biết tiếng Anh bằng cách lắng nghe chúng nói và tán thưởng. Ngoài ra, có thể sưu tập những bức tranh từ báo và tạp chí, dán vào những tấm bìa nhỏ và đố con mình về con vật, đồ vật hay màu sắc.
Học tiếng Anh từ lúc nào?
Chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về độ tuổi vừa đủ để bắt đầu học một ngoại ngữ, nhưng những khuynh hướng phổ biến gần đây về việc học tiếng Anh trên toàn thế giới cho thấy các em có thể học tiếng Anh ngay từ lúc 6 - 7 tuổi. Cô Suzanne More nói: "Trẻ học tiếng Anh nhanh hơn người lớn, vì thế nếu các em bắt đầu từ sớm, chúng sẽ đi nhanh hơn và xa hơn những người xuất phát muộn, đặc biệt khi việc học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài".
"Cây gậy" hay "củ cà rốt"?
Cuối cùng, trẻ phải luôn được khích lệ để học, chơi, sống thực sự với tiếng Anh. Các em có thể có những tiến bộ khác nhau qua từng giai đoạn, nên những lo lắng thái quá hoặc áp lực của cha mẹ có thể làm trẻ mất tự tin và không đam mê học ngoại ngữ nữa. Những phần thưởng và lời khen kịp thời sẽ làm nức lòng trẻ và định hướng đam mê vươn tới thành công trong tương lai. Chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội để khen trẻ vì những điều chúng đã học được thay vì phê bình hay "trừ điểm" những gì chúng chưa làm được. Cô Suzanne nói: "Hãy để ý cách mà các trò chơi vi tính thu hút các em, chúng luôn khích lệ: Tốt lắm, giỏi lắm, em hãy làm tiếp đi. Chúng tôi cũng có cách "chiêu dụ" tương tự: dành nhiều phần thưởng để động viên các em".
Thanh Niên
|