Xã hội
   Hỗn loạn sữa quá date, sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc
 
Theo công bố của đoàn kiểm tra liên ngành hôm qua, nhà sản xuất Solar Milk dùng nguyên liệu đã hết hạn sử dụng, Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên và một số công ty khác đều có nhập sữa bột từ Trung Quốc.

Đoàn Thanh tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm TP HCM trưa 25/9 đã phát hiện tại khu sản xuất Công ty Á Việt, quận Tân Phú, TP HCM, một số nguyên liệu, phụ gia xuất xứ Hàn Quốc, Indonesia, đã hết hạn sử dụng.

Một số bao bì nguyên liệu ghi nhập từ Australia, nhưng thực tế, Á Việt sử dụng nguyên liệu sữa Trung Quốc do Công ty Á Châu cung cấp.

Cơ sở báo ngưng sản xuất, sữa vẫn cứ "chào đời" ngoài thị trường. Ảnh: Ngoanh Thiên.

Theo hồ sơ đăng ký, Á Việt có tất cả 7 dòng sản phẩm sữa, gồm: Solar Pro 5 dành cho trẻ biếng ăn và người lớn; Solar Mum dành cho mẹ mang thai và cho con bú; Solar IQ dành cho trẻ 1-15 tuổi; Solar Canxi dành cho người từ 40 tuổi trở lên; Solar Power dành cho người gầy và Solar Grow, được sản xuất theo quy trình: Mua sữa nguyên liệu ngoại nhập - bổ sung canxi, vitamin B1 - định lượng, đóng gói, dán nhãn thành phẩm và bảo quản.

Sản phẩm chủ yếu phân phối ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Cần Thơ, Bến Tre. Tại TP HCM, sữa được ký gửi tại 76 nhà sách, siêu thị, trường mầm non tư thục.

Ngoài ra, đoàn thanh tra phát hiện Á Việt có giấu hiệu gian dối ngày sản xuất trên nhãn mác sữa bột Solar Milk. Giám đốc công ty này khẳng định, Á Việt đã ngừng sản xuất từ hơn hai tháng, tuy nhiên trên nhãn mác các hộp sữa bày bán trên thị trường lại ghi ngày sản xuất là 12/9/2008. Phần ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên hộp sữa lại có đến 2 con dấu đóng chồng lên nhau.

Nghi ngờ sai phạm, đoàn đến nhà sách Bình Tân, nơi công ty vừa mua sữa để kiểm tra thì phát hiện một số sản phẩm của công ty Á Việt ghi ngày sản xuất là 12/9/2008 và 21/8.

Cũng trong sáng 25/9, Đội quản lý thị trường quận Bình Tân, TP HCM đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần bánh kẹo Phạm Nguyên nhằm xác minh hóa đơn chứng từ nhập sữa bột nguyên liệu Trung Quốc của công ty này.

Đội trưởng quản lý thị trường Bình Tân cho biết, Công ty Cổ phần bánh kẹo Phạm Nguyên có hóa đơn nhập 7 tấn sữa bột nguyên kem Full Cream Milk Powder của Longcom Enterprise, Trung Quốc. Số sữa này do Công ty hóa chất Á Châu, quận Tân Bình, TP HCM phân phối, hồi tháng 2 năm nay.

Tại TP HCM, Á Châu là một trong hai doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sản phẩm của công ty Longcom Enterprise tuy không thuộc nhóm sữa bị nhiễm độc được chính quyền Trung Quốc công bố, song trong thời điểm này, theo Bộ Y tế, việc truy tìm nguồn gốc và xét nghiệm chất lượng tất cả các loại sữa nhập từ Trung Quốc sữa vẫn là việc làm thật sự cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Song song với các đoàn kiểm tra địa phương, chiều nay, đoàn thanh tra liên ngành do Phó chánh thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn ra quân kiểm tra các loại hóa đơn, chứng từ nhập quá cảnh các loại sữa tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Quảng cáo Đại Kim Minh, quận Tân Phú và Văn phòng Đại diện Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu - Du lịch Vietrans, quận Tân Bình. Tuy nhiên hai công ty này chưa có dấu hiệu vi phạm gì.

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành tại Hà Nội cũng đã phát hiện công ty Thực phẩm Á Châu (đường Tô Hiệu, Hà Hội), đã mua 25 tấn sữa bột nguyên kem từ Hanoi Milk và 2 tấn từ Công ty Á Châu TP HCM, đều có xuất xứ Trung Quốc, đã bán hết ra thị trường. Ngoài ra cũng phát hiện Công ty cổ phần thương mại và công nghệ thực phẩm Hoàng Lâm đã nhập 42 tấn sữa từ Công ty Weihai Jinbao Dairying, Trung Quốc và bán hết mà chưa làm thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng như yêu cầu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế.

Đại diện công ty Hoàng Lâm thừa nhận đã bán 18 tấn trong số sữa trên cho Công ty An Co (Ba Vì, Hà Nội) và bán một số khác cho Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoi Milk).

Tại Cà Mau, trong các ngày 24-25, Đội quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý Thị trường Cà Mau đã phát hiện và tạm giữ 41 bịch sữa loại 0,5 kg tại 3 cơ sở kinh doanh phường 2, phường 6 và xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau. Loại sữa được dán nhãn bằng cách đánh máy vi tính dán lên bao sữa Con Bướm, sản xuất ở Trung Quốc.

Những người tàn trữ, bán loại sữa này cho biết mua trôi nổi trên thị trường, không nhớ rõ địa chỉ người bán. Ông Phương Cổn, Chi cục trưởng Quản lý Thị trường Cà Mau cho biết, đơn vị này phối hợp với lực lượng liên quan, kiểm tra trên diện rộng để phòng chống sữa độc trên thị trường.

Không chỉ chú trọng sản phẩm sữa có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, ngày 26/9 các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành lấy mẫu mang xét nghiệm các loại sữa có xuất xứ từ các nước lân cận Trung Quốc như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore...

Theo VnExpress
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phí đầu năm học: Hồ nghi nhưng không dám kêu (26/9)
 Cung cấp Internet miễn phí cho tất cả trường học (26/9)
 Phụ huynh chưa an tâm về sữa học đường (25/9)
 Việt Nam: Thị trường tiềm năng cho ngành đồ chơi trẻ em (25/9)
 Hơn 1.200 học sinh mít tinh hưởng ứng "Ngày sữa học đường thế giới" (25/9)
 Giáo viên chưa thạo vi tính (25/9)
 Một số trường mầm non thay bữa sữa của trẻ (24/9)
 Vô tư dùng sữa không nhãn chế biến sữa chua, caramen (24/9)
 Nan giải bài toán đưa đón con (24/9)
 Sữa AC FOOD "phóng đại" dinh dưỡng (24/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i