Xã hội
   Phí đầu năm học: Hồ nghi nhưng không dám kêu
 
Có nhiều khoản cũng còn thấy băn khoăn, nhưng “người ta sao mình vậy, chả dám thắc mắc hỏi han” vì ngại... Đó là tâm lý chung của các bậc cha mẹ trong những buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm ở Hà Nội mà PV Tiền phong ghi nhận được.

Nhập cuộc cùng phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi đã ghi nhận được thực tế phụ huynh đang phải gánh trên vai rất nhiều khoản phí, trung bình một phụ huynh của học sinh trong 1 lớp học phải đóng hơn 10 khoản.

Phía sau niềm vui đến trường của các em là nỗi lo đóng tiền của cha mẹ (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Đi họp phụ huynh nhớ mang tiền triệu
Tại cuộc họp phụ huynh ở trường THCS Nghĩa Tân (sáng 20/9), vào một lớp 7, chúng tôi thấy hoa mắt khi đọc các khoản cần thu đầu năm được ghi rành mạch trên bảng. Có thể kể tên các khoản ứng với số tiền mà mỗi phụ huynh phải nộp như sau:

Học phí chính 40.000 đồng/2 tháng, học phí học buổi chiều 140.000đồng/2 tháng, xây dựng trường 40.000 đồng/cả năm, bảo hiểm y tế 120.000 đồng, bảo hiểm thân thể 50.000 đồng, sổ theo dõi kết quả học sinh 12.000 đồng, nước uống 35.000 đồng/5 tháng, quỹ phụ huynh (đóng cho quỹ phụ huynh nhà trường): 50.000 đồng/học kỳ, quỹ lớp 153.000 đồng/học kỳ, hỗ trợ giáo dục 10.000 đồng/học kỳ.

Tính sơ sơ các khoản trên mỗi phụ huynh sẽ đóng 650.000 đồng, trong đó còn nhiều khoản mới đóng 2 tháng học đầu, nếu tính cả năm học mỗi phụ huynh phải đóng tới 1.328.000 đồng. Chưa kể nếu phụ huynh nào cho con ăn bán trú tại trường phải đóng thêm hai khoản 14.000 đồng/bữa ăn và 40.000 đồng/tháng tiền chăm sóc các em trong buổi trưa. Ngoài ra phụ huynh còn lo khoản tiền photocopy bài kiểm tra cho các con, tiền vệ sinh lớp học, thuê lao công về dọn (1 triệu đồng/ 9 tháng/ một lớp).

Khoản tiền phải nộp, nhất là đối với những gia đình làm công ăn lương hẳn không hề nhỏ. Nhưng không một ai thắc mắc, không một ai hỏi xem khoản này, quỹ kia cụ thể sẽ chi như thế nào, tất cả họ tham gia cuộc họp chỉ biết lắng nghe, ghi chép, tính tổng số tiền cần nộp cho xong.

“Đằng nào thì cũng thế, con mình cũng phải như con nhà người khác, phải nộp theo số đông”, chị Hương thở dài khi thấy trong ví còn 800.000 đồng mà phải nộp hết 650.000 đồng, còn lại ít tiền đi chợ là hết. Ra về, có đôi ba nhóm còn đứng lại nói chuyện, thở than về các khoản tiền, nhưng rốt cục không ai bảo ai tất cả đều... nộp.

Chị T.D (ở phường Khương Thượng) phân trần với PV Tiền phong sau khi vừa đi họp phụ huynh đầu năm tại một trường tiểu học: “Mới năm ngoái vừa đóng tiền mua rèm che cửa sổ, thay đèn, thay bàn ghế hỏng… thế mà năm nay lại phải tiếp tục đóng các khoản này. Thật chả hiểu ra làm sao?”.

Chị T.M (Tô Hiệu, Cầu Giấy) cho biết: “Các khoản thu phí đầu năm là một phần gánh nặng đối với các gia đình, bên cạnh đó còn tiền quần áo, giày dép, sách vở cho con vào lớp mới, mỗi đứa con đi học, lại thêm một nỗi lo. Như đi họp phụ huynh hôm nay, ngoài việc nghe nhận xét về con mình thì vấn đề chính tôi lo là đóng học phí. Sáng nay, tôi vừa phải vay nóng 1 triệu đồng cầm đi họp cho con”.

Bảo hiểm y tế: “Đề nghị 100% học sinh tham gia”
Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thân thể là 2 khoản thu không bắt buộc học sinh phải tham gia, nhưng có một số trường, phụ huynh học sinh phải ký vào danh sách mua bảo hiểm 100% trên cơ sở khẳng định sự đồng thuận.
Nộp tiền nước nhưng không uống

“Nước có nhiều cặn bẩn và tanh lắm, chúng em không uống được”- một học sinh lớp 6 trường THCS Thịnh Liệt than thở về chuyện nước uống, mặc dù đầu năm đi họp phụ huynh mẹ em đã đóng khoản tiền nước là 5.000 đồng/tháng.

Đề cập tới khoản tiền vệ sinh 3.000 đồng/tháng, em học sinh này giải thích đó là tiền dọn dẹp vệ sinh lớp học và khu đi vệ sinh kèm theo sự ca thán: “Nhà vệ sinh rất bẩn, chỉ có các anh chị lớp 9 dũng cảm đi thôi, còn bọn em, chẳng dám bước chân đến vì nó không những bẩn mà còn bốc mùi, chúng em phải nhịn về nhà”.

Chị H. (Giáp Tứ, Thịnh Liệt) có hai con học ở trường THCS Thịnh Liệt cho biết: trong danh sách các khoản thu đầu năm ở 2 khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể có ghi rõ số tiền kèm theo đề nghị 100% học sinh tham gia. Vì thế nên tất cả các phụ huynh đều nộp cho con. “Có gia đình đã mua bảo hiểm cho con rồi thì sao?”- Tôi hỏi. “Ở hai lớp tôi tham gia họp không thấy phụ huynh nào lên tiếng với trường hợp như thế, tất cả đều ký vào danh sách tự nguyện mua”, chị Hà cho biết.

Ở trường THCS Nghĩa Tân, một cô giáo nhấn mạnh: Nhà trường khuyến khích các phụ huynh mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể cho các em (170.000 đồng/năm) vì bên Cty Bảo hiểm sẽ trích phần trăm cho nhà trường, trên cơ sở đó nhà trường có thêm khoản mua bông băng, thuốc thang cho bộ phận y tế của nhà trường phục vụ các em nếu có sơ sẩy trầy xước hay cảm cúm đau bụng trong giờ học...

Qua một số trường, chúng tôi nhận thấy đa số các trường đều thu khoản hỗ trợ các hoạt động giáo dục nhưng mỗi trường thu một kiểu.

Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) thu 10.000đồng/ học kỳ, trường THCS Thịnh Liệt (Hoàng Mai) 15.000 đồng/tháng (gấp hơn 6 lần trường THCS Nghĩa Tân), trường Tiểu học Thịnh Quang (Đống Đa) thu 10.000 đồng/4 tháng. Ở một số trường, khoản tiền này nằm trong phần “hội phụ huynh đề xuất”.

Khi hỏi phụ huynh tiền này cụ thể là như thế nào, nhiều phụ huynh lắc đầu không hiểu, chỉ biết nôm na là hỗ trợ giáo dục cho con em mình thì nộp. Và mức tiền của các trường khác nhau rất nhiều.

Ngoài ra có rất nhiều khoản khác như: quỹ chi cho bảo vệ và các cô giáo không đứng lớp có quà trong các dịp lễ mỗi em 5.000 đồng (ở trường Tiểu học Thịnh Quang), tiền trang trí lớp học 30.000 đồng/em, tiền bảo trì máy tính, cơ sở vật chất 50.000 đồng/năm (bên cạnh đó là tiền xây dựng trường 40.000 đồng/năm).

Mỗi khoản chi là một nỗi lo cho mỗi người làm cha làm mẹ, con học lớp nhỏ nhưng số tiền không nhỏ. Anh N.T (Nghĩa Hưng, Nam Định), người bán tào phớ rong trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) than thở: “Bố mẹ gò lưng đạp xe đi bán hàng, tiết kiệm từng đồng nhưng 3 thằng con trai đang ăn học ở nhà nó “bóc lột” hết.

Đứa lớn lớp 12, đứa thứ hai lớp 9 và đứa út lớp 5, mỗi đứa lấy đi của bố mẹ hơn 1 triệu bạc trong đầu năm học này. Mai tôi phải gửi về nhà cho 3 đứa 5 triệu nộp học, mua sách vở, quần áo. Biết là tốn kém, nhưng cũng phải cố”.

Theo Tiền Phong

Không “tự nguyện” cũng không được

Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, số tiền cơ sở vật chất (CSVC) mà học sinh từ bậc mầm non tới THPT phải đóng là 20.000đ/năm (nội thành), 30.000đ/năm (ngoại thành) hoặc 45.000đ/năm (bán công). Các trường thu tiền này theo học kỳ. Ngoài ra, nhà trường có thể thu tiền CSVC phục vụ bán trú với mức dao động từ 80.000đ-150.000đ (nội thành) và 50.000đ-100.000đ (ngoại thành). Tất cả các khoản đóng góp theo quy định này được nhà trường giữ lại để chi cho CSVC.

Song, trên thực tế, ở hầu hết các trường phổ thông, phụ huynh phải đóng số tiền CSVC lớn hơn rất nhiều lần so với quy định. Hình thức thu các khoản tiền này là “tự nguyện” và do ban đại diện cha mẹ HS quản lý thu, chi. Ví dụ: HS của chín lớp 10 Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh) phải đóng 1.200.000đ tiền trang bị phòng học chất lượng (có máy tính, dàn đèn, máy chiếu, hệ thống âm thanh hiện đại, dùng trong ba năm). HS lớp 1 Trường Phan Đình Phùng (Q.3) được “vận động” đóng góp gần

700.000đ/HS để mua bàn ghế mới, sử dụng trong năm năm tiểu học. Tại Trường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), HS phải đóng 100.000đ để mua tivi và đầu máy hỗ trợ học tập; hay một trường tiểu học ở P.6, Q.Tân Bình khuyến khích HS đóng 300.000đ xây nhà vệ sinh... Anh Đ.M.D., phụ huynh có con đang học tại Trường mầm non Ngọc Lan (Q.Gò Vấp), bức xúc khi phải đóng 50.000đ tiền “đầu tư thiết bị máy tính”, trong khi con anh còn quá nhỏ để có thể chơi hay sử dụng máy tính.

Mặc dù hình thức đóng tiền hoàn toàn là “tự nguyện”, nhưng nhiều phụ huynh cùng chung tâm sự: “Tự nguyện thì tự nguyện nhưng không đóng cũng không được. Các khoản thu quá nhiều, quá nặng khiến chúng tôi càng lao đao hơn mỗi dịp đầu năm học”.

Hiện tại, chưa có văn bản nào đưa ra khung cụ thể cho các khoản tiền mang tên “tự nguyện”, như khoản nào được thu, khoản nào không, được thu tối đa bao nhiêu và ai ký duyệt. Và cứ đến hẹn lại lên, “tự nguyện” vẫn cứ “tự nguyện”, đóng vẫn phải đóng, thu vẫn cứ thu...

Theo Tuổi Trẻ
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cung cấp Internet miễn phí cho tất cả trường học (26/9)
 Phụ huynh chưa an tâm về sữa học đường (25/9)
 Việt Nam: Thị trường tiềm năng cho ngành đồ chơi trẻ em (25/9)
 Hơn 1.200 học sinh mít tinh hưởng ứng "Ngày sữa học đường thế giới" (25/9)
 Giáo viên chưa thạo vi tính (25/9)
 Một số trường mầm non thay bữa sữa của trẻ (24/9)
 Vô tư dùng sữa không nhãn chế biến sữa chua, caramen (24/9)
 Nan giải bài toán đưa đón con (24/9)
 Sữa AC FOOD "phóng đại" dinh dưỡng (24/9)
 "Bèo" như lương bảo mẫu (23/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i