Việt Nam đang có trên 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, thiếu chiều cao, hơn 2 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thiếu cân nặng, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi là 34%. Đó là số liệu năm 2007 của viện Dinh dưỡng quốc gia
Tác hại của tình trạng suy dinh dưỡng được bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, chủ nhiệm khoa dinh dưỡng, bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ rõ: “Trẻ suy dinh dưỡng sẽ có các bệnh thiểu năng về giác quan như cận thị, thiếu vi chất dinh dưỡng... và các tác hại thì rất lâu dài. Suy dinh dưỡng thể thấp còi có thể gây giảm năng suất lao động của trẻ em khi đến tuổi trưởng thành. Mỗi 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn tồn tại có thể gây thiệt hại khoảng hơn 20 triệu USD/năm cho quốc gia. Và chính các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam kết luận: “31% nguyên do này là vì thiếu chất dinh dưỡng, trong đó có liên quan đến thiếu sữa”.
Theo viện Dinh dưỡng, tỷ lệ sữa sử dụng trên đầu người Việt Nam hiện nay thuộc loại thấp nhất khu vực và trong top 10 nước dùng sữa ít nhất thế giới, chỉ đạt 6 lít/đầu người/năm, trong khi tại Thái Lan là 22 lít/đầu người/năm và Trung Quốc là 26 lít/đầu người/năm. Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, viện phó viện Dinh dưỡng quốc gia khuyên: “Trẻ em Việt Nam cần tăng cường uống sữa, hiện mức tiêu thụ sữa ở trẻ em Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với trẻ em các nước vùng Đông Nam Á”.
Nguồn sữa mẹ đang bị phung phí đến mức có tội với trẻ nhỏ, khi mẹ phải đi làm sớm
Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh |
Đó là những thông tin, ý kiến, phát biểu được đưa ra ngày 30.7.2008, tại TPHCM, trong diễn đàn quyền uống sữa cho trẻ em Việt Nam do quỹ Một triệu ly sữa cho trẻ em nghèo Việt Nam tổ chức. Các bài phát biểu ở diễn đàn đã chứng minh rất hùng hồn việc “cần” phải cho trẻ em uống sữa và sữa cần thiết cho sự phát triển của trẻ em đến độ nào. Nhưng với chủ đề chính “quyền được uống sữa”, không ai chỉ ra được trẻ em hoặc người lớn phải làm gì để bảo vệ cho được quyền này. Ngay cả các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em sẽ thực hiện quyền uống sữa như thế nào cũng không ai nói đến.
Cụ thể, quyền đơn giản nhất của một đứa trẻ, mà các tổ chức y tế thế giới và bác sĩ ở Việt Nam luôn kêu gọi trên báo chí, trên các cẩm nang dạy nuôi con, trên diễn đàn sức khoẻ là phải cho trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, cũng không thể thực hiện bởi đơn giản theo quy định Nhà nước, người mẹ chỉ được nghỉ bốn tháng.
Nhiều cơ quan còn khuyến khích mẹ đi làm sớm hơn nữa. Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh nói: “Nguồn sữa mẹ đang bị phung phí đến mức có tội với trẻ nhỏ, khi mẹ phải đi làm sớm”. Và thực tế chẳng còn mấy ai cổ xuý cho sữa mẹ như bác sĩ Nguyễn Lân Đính dẫn chứng: “Cứ bật ti vi là nghe ra rả sữa mẹ là..., câu quảng cáo kiểu trả nợ quỷ thần này chỉ nhằm bán sữa bột nên nói nhanh đến độ chẳng ai nghe được gì”.
Quyền uống sữa tươi, sữa bột, các loại sữa khác xem ra lại càng khó khăn gấp bội. Theo khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị, từ đầu năm 2008 đến nay, giá sữa đã tăng khoảng 20%. Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, phó giám đốc sở Lao động thương binh và xã hội Đà Nẵng nói: “Trong thời bão giá như hiện nay, sữa là một trong những mặt hàng có giá bán tăng nhanh và tăng nhiều. Vì vậy trẻ em, nhất là trẻ em nghèo rất khó có cơ hội uống sữa. Ở những gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, cơm ăn chưa đủ no thì lấy sữa đâu mà uống”.
Quyền uống sữa ở các nước
Mỹ: Chương trình bữa trưa học đường miễn phí đã đem đến bữa ăn cho 32,7% tổng số học sinh tiểu học và trung học (ở 47,4% số trường học).
Anh: Chương trình bữa ăn trưa được quy định trong luật Giáo dục, các trường học địa phương phải cung cấp bữa trưa cho học sinh ở trường tiểu học, trung học và cao đẳng. Có 59,2% học sinh tiểu học và trung học được thụ hưởng chương trình bữa trưa học đường và 82,4% học sinh được hưởng chương trình sữa miễn phí.Indonesia: Khoảng 600.000 trẻ em tuổi đi học nhận được sữa bò vô trùng, có thể trữ trong hơn 6 tháng không cần giữ lạnh; 400.000 học sinh khác nhận được sữa đậu nành.
Thái Lan: Phát sữa cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học từ năm 1985, khoảng 70% học sinh từ 6 – 12 tuổi được tham gia chương trình. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em Thái Lan được tham gia chương trình đã tăng chiều cao trung bình 5cm mỗi năm, trọng lượng cũng tăng ổn định, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm đáng kể. |
Theo SGTT.com.vn