Báo cáo của UNICEF về Tình hình Trẻ em Thế giới 2008 kêu gọi hành động để tiếp cận với hàng triệu trẻ em hiện chưa được hưởng các dịch vụ và các hoạt động chăm sóc cơ bản
Hà Nội, ngày 25 tháng 1 năm 2008 - Theo con số thống kê do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố, mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức to lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, song trung bình mỗi giờ trôi qua lại có 3 trẻ em Việt Nam bị tử vong, nhất là ở các vùng dân tộc ít người và miền núi. Tổng cộng, mỗi năm tại Việt Nam, ước tính có khoảng 28.000 trẻ em bị tử vong trước khi tròn 5 tuổi, hầu hết do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được.
Hôm nay, UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Mỹ phối hợp công bố Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới 2008. Báo cáo đánh giá những kết quả to lớn mà nhiều nước trên thế giới đã đạt được trong việc bảo vệ sự sống còn của trẻ em và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, đồng thời kêu gọi sự phối hợp hành động để tiếp cận với hàng triệu trẻ em hiện vẫn chưa được cung cấp các biện pháp can thiệp đơn giản và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí phù hợp để tránh khỏi bị tử vong.
Tại lễ công bố, các đại biểu đã chúc mừng Việt Nam vì đã giảm hơn một nửa tỉ lệ tử vong ở trẻ em kể từ năm 1990 đến nay. Đây là con số hết sức có ý nghĩa vì tử vong trẻ em là một chỉ số mang tính nhạy cảm đối với sự phát triển của một quốc gia và cũng là minh chứng có sức thuyết phục về những ưu tiên và những giá trị mà quốc gia đó theo đuổi.
Ông John Hendra, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam, nói: “Việt Nam đã đạt được những kết quả đầy ấn tượng trong việc nâng cao tỷ lệ sống và cải thiện sức khỏe cho trẻ em trong hai thập kỷ qua, và vì vậy có đang trên đà đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những sự chênh lệch khá lớn trong nội bộ quốc gia, và để tiếp tục đạt được những kết quả tiếp theo Việt Nam cần cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả phụ nữ mang thai và các bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là người nghèo và người dân ở vùng sâu vùng xa”.
TS. Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Chính phủ đang giải quyết những thách thức này thông qua việc tiếp tục và mở rộng các biện pháp can thiệp đã thực hiện thành công trong những năm qua. Các biện pháp này bao gồm tiêm chủng và bổ sung Vitamin A cho bà mẹ và trẻ em cũng như sử dụng liệu pháp bù nước qua đường miệng và các biện pháp khác.
TS. Trần Chí Liêm nói: “Những biện pháp can thiệp này đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 53 xuống còn 17 trẻ trong 1000 trẻ đẻ sống năm trong khoảng thời gian 1990-2006, theo báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm nay. Việt Nam đã duy trì tỷ lệ tiêm chủng trẻ em ở mức cao và thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng trên phạm vi toàn quốc”.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ sự sống còn của trẻ em. Việt Nam sẽ không thể tiếp tục đạt được những kết quả như hiện nay nếu không giải quyết những thách thức này. “Các cơ quan chức năng cần quan tâm đến chính sách cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai và chăm sóc trẻ sau sinh cũng như các chính sách và dịch vụ đảm bảo cho mọi trẻ em được chăm sóc và phát triển thể chât, trí tuệ một cách toàn diện ngày trong thời kỳ đầu tiên của cuộc đời”, ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Tiến độ giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tức là số trẻ em bị chết trong vòng 1 tháng tuổi, hiện nay ở Việt Nam đã bị chậm lại. Số trẻ sơ sinh hiện chiếm hơn một nửa trong tổng số trường hợp tử vong ở trẻ em. Chỉ có thể giải quyết vấn đề này bằng cách cải thiện tốt hơn các dịch vụ chăm sóc thai sản cũng như các dịch vụ chăm sóc cơ bản cho trẻ sơ sinh. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, song đã nảy sinh một vấn đề nghiêm trọng, đó là sự chênh lệch, cụ thể là tỷ lệ tử vong trẻ em ở miền núi, nông thôn và trong các gia đình nghèo vẫn cao hơn 3 đến 4 lần so với miền xuôi và các gia đình khá giả hơn (Nguồn: Bộ Y tế).
Liên Hợp Quốc cho biết phương pháp tiếp cận lồng ghép cung cấp cho trẻ em một chuỗi các biện pháp can thiệp được thực hiện ở nhiều nước đã chứng tỏ có tác dụng ngăn chặn phần lớn các trường hợp tử vong ở trẻ em.
Kết quả phân tích tổng thể nêu trong Báo cáo cho thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để tăng cường khả năng tiếp cận với các biện pháp điều trị và các phương tiện phòng ngừa, đặc biệt nhằm đảm bảo cung cấp “chuỗi dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên hoàn” cho tất cả bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong cả một hệ thống từ gia đình, trạm xá ở cơ sở tới bệnh viện huyện và các cơ sở y tế tuyến trên.
Tại Việt Nam, việc chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, tăng cường dinh dưỡng cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân được coi là những vấn đề ưu tiên. Tỷ lệ trẻ em được bú sữa mẹ hiện nay ở Việt Nam còn thấp: chỉ có 58% trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau khi sinh và 17% được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em vẫn còn ở mức rất cao . Khoảng 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc và 37% phụ nữ mang thai bị thiếu máu (Nguồn: MICS). Đại bộ phận các hộ gia đình ở nông thôn không có đủ điều kiện vệ sinh môi trường và không có những hành vi vệ sinh cá nhân phù hợp dẫn đến tình trạng trẻ em bị tiêu chảy và bị nhiễm giun, góp phần gây tử vong ở trẻ em.
Việt Nam cũng cần giải quyết vấn đề tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh tồn tại từ bao lâu nay thông qua việc đảm bảo phổ cập các dịch vụ chăm sóc thai sản và hộ sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng như các dịch vụ chăm sóc cơ bản cho trẻ sơ sinh. Điều này cũng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của các dịch vụ hiện nay.
Điều đáng mừng là những biện pháp can thiệp tương đối đơn giản với chi phí phù hợp nhằm bảo toàn tính mạng cho hàng nghìn bà mẹ và trẻ em Việt Nam đã được nhiều người biết đến. Vấn đề là làm sao tiếp cận được với những đối tượng mà hiện nay chưa được cung cấp đầy đủ chuỗi dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên hoàn. Để thực hiện điều này cần có sự tham gia của mọi đối tượng từ các ông bố, bà mẹ tới cộng đồng dân cư địa phương và nhiều thành phần khác trong xã hội. Sự tham gia của những đối tượng này là hết sức quan trọng để tiếp cận với các nhóm dân cư bị thiệt thòi và ở vùng sâu vùng xa.
Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới 2008 sử dụng số liệu từ các nguồn thống kê quốc gia, và các số liệu này khác nhau giữa các quốc gia. Sau đó, số liệu của các quốc gia được tính toán theo một phương pháp thống nhất áp dụng chung cho tất cả các nước. Chính vì vậy các số liệu của Báo cáo thường khác một chút so với số liệu thống kê chính thức của Chính phủ.
Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:
- Bà Caroline den Dulk, Phòng Truyền thông LHQ, ĐT: 84-4-942-5715, Mob: 84-91-239-1053, Email: cdendulk@unicef.org
- Ông Trịnh Anh Tuấn, Phòng Truyền thông LHQ, ĐT: 84-4-942-5706, số lẻ 234, Mob: 84-90-329-6393, Email: tatuan@unicef.org
Theo UNICEF Việt Nam