NEW YORK, 1 tháng 8 năm 2008 – Nhân Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (1 đến 7 tháng 8), UNICEF cùng Liên minh Thế giới Hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ chuyên nghiệp và toàn diện cho các bà mẹ đang cho con bú.
“Nuôi con bằng sữa mẹ là một việc quan trọng giúp cải thiện sự sống còn của trẻ”, bà Ann M. Veneman, Giám đốc Điều hành UNICEF phát biểu. “Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời của trẻ có thể giúp cứu sống được 13% số trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong ở các nước đang phát triển”
Mặc dù đã có những tiến bộ trong 15 năm qua, nhưng chỉ có 38% trẻ dưới 6 tháng tuổi ở các nước đang phát triển được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy việc giáo dục và hỗ trợ các bà mẹ có thể giúp kéo dài thời gian cho con bú và đặc biệt là giúp tăng cường việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng các hoạt động tư vấn và hỗ trợ ở các cơ sở y tế đã giúp tăng số bà mẹ cho con bú ngay giờ đầu tiên sau khi sinh.
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu tiên giúp giảm tử vong trẻ sơ sinh gây ra bởi các bệnh phổ biến ở trẻ và suy dinh dưỡng.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm tử vong ở trẻ do viêm đường hô hấp cấp và tiêu chảy – hai căn bệnh chủ yếu gây tử vong ở trẻ - và do các bệnh lây nhiễm khác. Nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp nâng cao sức khỏe cho mẹ và giúp tăng cường tình cảm giữa mẹ và con.
Cho trẻ ăn đúng cách có thể giúp cứu sống trẻ, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển của trẻ và góp phần đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ.
UNICEF đang cùng làm việc với các đối tác và Chính phủ ở nhiều nước nhằm đảm bảo cung cấp ngày càng nhiều sự hỗ trợ cho các bà mẹ đang cho con bú, thông qua các nhân viên y tế, các nhà tư vấn, các nhóm mẹ-giúp-mẹ, người sử dụng lao động, các nhân viên cấp cứu, các nhà lập pháp, gia đình và hệ thống các nhà hoạt động xã hội ở cộng đồng.
Ghi chú:
Các số liệu được lấy từ các nguồn sau: Sự tiến bộ của trẻ em 2008; Tình hình trẻ em Thế giới 2007; Nhóm hợp tác WHO về Vai trò của nuôi con bằng sữa mẹ trong việc ngăn chặn tử vong ở trẻ em; Tạp chí Lancent 200, 55: 451-5.
Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992 và hiện nay đã được UNICEF và các đối tác của mình như Liên minh Thế giới Hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ở 120 nước trên thế giới. Mục đích là để tăng cường nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ, điều đã mang lại nhiều lợi ích to lớn về sức khỏe, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết, bảo vệ trẻ khỏi các căn bệnh chết người như bệnh viêm phổi và giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt hơn. Tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau 6 tháng đầu, cho đến khi trẻ được hai tuổi hoặc lâu hơn nữa, kết hợp với việc cho trẻ ăn bổ sung các thức ăn an toàn và phù hợp là phương thức nuôi trẻ tốt nhất
Bộ tài liệu về nuôi con bằng sữa mẹ
Liên minh Thế giới Hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ là một liên minh toàn cầu của các cá nhân và các tổ chức quan tâm đến việc bảo vệ, tăng cường và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trên toàn thế giới. Liên minh này đã xây dựng một bộ tài liệu về khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, bộ tài liệu này có thể truy cập được tại website: http://www.worldbreastfeedingweek.org/
Về UNICEF
UNICEF có mặt tại 150 nước và lãnh thổ trên thế giới để giúp trẻ em sống và phát triển, ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời cho tới tuổi vị thành niên. Là một nhà cung cấp vác-xin hàng đầu cho các nước đang phát triển, UNICEF hỗ trợ các hoạt động tăng cường sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ, nước sạch và vệ sinh môi trường, giáo dục có chất lượng cho em trai và em gái, và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lột và AIDS. UNICEF được tài trợ tự nguyện từ các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức và các chính phủ.
Cần thêm thông tin, xin liên hệ:
- Brian Hansford, UNICEF Media, New York, Tel: 212 326 7269 email: bhansford@unicef.org
- Kate Donovan, UNICEF Media, New York, Tel: 212 326 7452 e-mail: kdonovan@unicef.org
Theo UNICEF Việt Nam