Xã hội
   Phòng chống tiêu cực trong ngành giáo dục
 
Trích lược
Sự tham gia của xã hội dân sự trong việc phòng chống tiêu cực đã trở nên hết sức quan trọng, và có ít lĩnh vực nào quan trọng hơn giáo dục xét về lợi ích phát triển lâu dài và đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực và có hệ thống của xã hội. Giống như bất cứ ngành dịch vụ công nào khác, ngành giáo dục dễ bị ảnh hưởng của các hành vi tiêu cực. Tài liệu tư vấn chính sách này trình bày lý do cần chú trọng vào giáo dục, một số hậu quả của hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục đối với phát triển cũng như những việc cần làm để giảm thiểu ảnh hưởng của tiêu cực và phát huy tối đa lợi ích của giáo dục về phát triển con người. Với nội dung như vậy, tài liệu nhằm giới thiệu một số kinh nghiệm thành công về sự tham gia của xã hội trong giáo dục, tóm tắt những bài học kinh nghiệm quốc tế và trình bày dự kiến chiến lược mà trong đó sự tham gia của xã hội được đặt ở vị trí trung tâm. Các kinh nghiệm kinh tế cho thấy ba bài học cơ bản từ việc đề ra và thực hiện các biện pháp ngăn chặn tiêu cực: tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, sự tham gia của các bậc cha mẹ/ xã hội và sử dụng giáo dục như một công cụ.

1. Giới thiệu
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là cụm từ rất phổ biến ở Việt Nam. Nó phản ánh tầm quan trọng của sự tham gia của xã hội trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Có ít lĩnh vực nào quan trọng hơn giáo dục xét về lợi ích phát triển lâu dài và dòi hỏi phải có sự tham gia tích cực và có hệ thống của xã hội.

Tuy nhiên, ở bất kỳ đâu trên thế giới, ngành giáo dục phải đối mặt với tình trạng eo hẹp về ngân sách, công tác quản lý yếu kém, hiệu quả thấp, lãng phí nguồn lực, chất lượng dạy kém, lương thấp và thiếu tính phù hợp về mặt chính trị.

Tài liệu tư vấn chính sách này nhằm trình bày lý do cần chú trọng vào giáo dục, một số hậu quả của hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục đối với phát triển cũng như những việc cần làm để giảm thiểu ảnh hưởng của tiêu cực và phát huy tối đa lợi ích của giáo dục về phát triển con người. Với nội dung như vậy, tài liệu nhằm giới thiệu một số kinh nghiệm thành công về sự tham gia của xã hội trong giáo dục, tóm tắt những bài học kinh nghiệm quốc tế và trình bày dự kiến chiến lược mà trong đó sự tham gia của xã hội được đặt ở vị trí trung tâm.

2. Tham nhũng, giáo dục và phát triển con người
Dư luận rộng rãi cho rằng tham nhũng là một trong những yếu tố cản trở nghiêm trọng đối với phát triển vì nó cướp đi những nguồn lực khan hiếm mà lẽ ra thuộc về những người cần tới chúng nhất, giảm chất lượng dịch vụ, trở thành gánh nặng cho người nghèo (như một thứ thuế mang tính lũy thoái), làm nản lòng các nhà đầu tư, thậm chí có thể làm cho hệ thống chính trị bị mất đi uy quyền cũng như làm giảm niềm tin và sự gắn kết trong xã hội. Mặc dù Việt Nam đã thực sự nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng thông qua một loạt chỉ thị, nghị định, quyết định và bộ luật do Đảng, Chính phủ và Quốc hội ban hành, song vẫn ít chú ý tới mức độ ảnh hưởng của tham nhũng tới chất lượng của các dịch vụ công cũng như hiểu biết rất ít về mức độ tiêu cực trong ngành giáo dục.1

Trong những năm qua, các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, đã có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người dân và giới báo chí và dấy lên phong trào tố cáo nặc danh thông qua các cơ quan của Chính phủ, báo chí và các blog trên trang web. Một ví dụ về sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người dân và giới báo chí, đó là việc phanh phui vụ “chạy trường” ở Trường PTTH Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh. Quá trình đưa vụ này ra ánh sáng có thể chia thành ba giai đoạn chính: (i) 1998 - 2006, không có sự tham gia của báo chí; (ii) năm 2006, nhân dân tố giác. Sau đó, Báo Thanh niên thực hiện cuộc điều tra có đăng tin về vụ này, khiến cho Thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc; và (iii) các tổ chức quần chúng và báo chí theo dõi, đánh giá việc xử lý. Qua đó phát hiện ra rằng một phụ huynh đã chạy 2000 USD để cho con vào Trường, và kết quả là Hiệu trưởng của trường này đã bị cách chức (Đình Cự, 2007). Tuy nhiên, những kết quả đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục “chưa cao và còn mang tính hình thức” (Đình Cự, 2007:9).

Hơn nữa, Hiến pháp của Việt Nam đảm bảo quyền được học hành.3 Ngoài ra, Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đòi hỏi phải công khai một số thông tin và tính minh bạch trong ngành giáo dục. Ví dụ, Điều 23 của Luật yêu cầu phải minh bạch trong khâu tuyển sinh, thi cử và cấp bằng cũng như công khai việc sử dụng kinh phí giáo dục do Ngân sách nhà nước cấp của các cơ quan quản lý và các cơ quan giáo dục.

Vì vậy, với ý nghĩa là trách nhiệm chính của Nhà nước và xã hội và là nền tảng cho mọi hoạt động học tập tiếp theo, giáo dục mang lại lợi ích có ý nghĩa sâu sắc cho mỗi cá nhân và cho toàn xã hội. Giáo dục cũng có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tiến độ thực hiện tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Như vậy, ngành giáo dục có vai trò chủ chốt vì nó giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị làm cơ sở đảm bảo công tác quản trị tốt, tăng cường văn hóa tôn trọng và tham gia mang tính tích cực, nâng cao kỹ năng thảo luận mang tính xây dựng và thúc đẩy phát triển về lâu dài.

Giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển vì nó tăng cường năng lực và cơ hội lựa chọn cho các cá nhân. Nó mở rộng cơ hội lựa chọn để người dân có được cuộc sống như mong muốn và có lý do để mong muốn. Giáo dục còn là phương tiện để tạo dựng lòng tự tôn và nâng cao vị thế, năng lực vì nó mở rộng cơ hội lựa chọn và tạo điều kiện tiếp cận với các quyền khác. Hơn nữa, giáo dục mang lại những ảnh hưởng tích cực về chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội. Về chính trị, nó tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động cộng đồng, đoàn thể và các hoạt động chính trị của địa phương. Về văn hóa, nó đề cao thái độ, các chuẩn mực và giúp các cá nhân nâng cao khả năng hòa đồng với nền văn hóa khác. Về xã hội, với tri thức được nâng cao, người dân có thêm cơ hội lưu động trong công tác xã hội, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình cũng như tăng cường việc phòng chống HIV/AIDS. Và về kinh tế, giáo dục mang lại lợi ích đầu tư rất lớn, cho phép khai thác các cơ hội kinh doanh.

3. Giáo dục: Lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực
Mặc dù giáo dục mang lại nhiều lợi ích và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển con người, song đó là một ngành dễ bị tiêu cực và đòi hỏi phải có các cơ chế mạnh mẽ đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, trong đó có việc huy động sự tham gia của xã hội ở tất cả các cấp. Ở hầu hết các nước, giáo dục là ngành đứng đầu hoặc thứ hai trong danh mục các đơn vị chi tiêu ngân sách nhà nước và vì vậy, tạo cơ hội rất thuận lợi cho tham nhũng và tiêu cực. Ở Việt Nam, như minh họa trong Biểu đồ 1, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chi tiêu ngân sách lớn nhất trong tất cả các ngành dịch vụ kinh tế-xã hội (khoảng 12% Ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2000 - 2004), cao hơn cả lương hưu và trợ cấp xã hội (xấp xỉ 9%), hành chính công nói chung (xấp xỉ 7%) và chăm sóc sức khỏe (xấp xỉ
3%).

Với những khoản tiền lớn như vậy, cũng dễ hiểu tại sao giáo dục - một ngành hoạt động mang mang tính công khai cao và có cơ sở dải khắp từ trên xuống tận cộng đồng - trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các hoạt động “bảo kê” và các hành vi “lách luật”. Hơn nữa, một lượng kinh phí khá lớn cho giáo dục được chi theo kiểu nhỏ lẻ, rải rác nhiều nơi và ở nhiều cấp mà phần lớn các đơn vị này có hệ thống kế toán và theo dõi yếu kém. Trên thực tế, trong bối cảnh phân cấp và cơ cấu chương trình giáo dục hiện nay, những quyết định được coi là có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân lại do những vị “kiểm soát viên” với thẩm quyền kiểm soát các quyết định ở từng cấp của ngành giáo dục đưa ra.

Nhấn Download để lấy tập tin chi tiết
Theo Chương Trình Phát Triển Liên Hợp Quốc
File Download   1.doc
  2.doc
  3.doc
  4.doc
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Tiêu cực trong giáo dục
Ngày gửi: 8/29/2008 8:24:11 PM

Trường mầm non nơi tôi công tác, kế toán làm thất thoát 30.000.000 đồng của nhà trường mà hiệu trưởng và kế toán đều không bị một hình thức kỷ luật nào . Không những vậy mà hiệu trưởng còn được ông bí thư đảng ủy phường bênh vực đến cùng khi giáo viên gửi đơn kiện lên các cấp .


guest
tiêu cực trong giáo dục và quản lý
Ngày gửi: 8/31/2008 8:37:22 AM


Truờng tôi cũng giống như trường bạn tuy nhiên không biết trường bạn bà hiệu trưởng và cô kế toán có bị hình thức kỷ luật nào không nhưng ở trường chúng tôi thì họ không hề bị một hình thức kỷ luật nào cho dù chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn kiến nghị. Không biết như thế có phải là mắc lỗi không mà các cơ quan chức năng không đưa ra một hình thức kỷ luật nào hay là có vấn đề gì uẩn khúc mà như vậy. Người ta thường nói đấu tranh thì tránh đâu mà. Chị em giáo viên chúng tôi ký vào đơn để gửi đi các cấp nhưng lại bị làm lộ chữ ký nên những người ký đơn bị bà ta răn luôn. Chúng tôi chỉ muốn sự công bằng thôi nhưng điều tối thiểu đó chúng tôi cũng không được nhìn thấy. Hình như là dân thì mới bị kỷ luật khi mắc lỗi còn cán bộ thì không bị kỷ luật khi mắc lỗi thì phải.



guest

Vẫn là tiêu cực
Ngày gửi: 8/31/2008 6:05:41 PM

Trường tôi cũng là 1 trường mầm non ở ngoại thành, tuy nhiên, vấn đề tham nhũng cũng giống như các bạn vậy và có cả những hình thức tham nhũng khác: lễ tết phải cho hiệu trưởng phong bì hơi nặng thì mọi việc hơi nhẹ, còn cô nào không có thì nét mặt hằn học khó chịu luôn in trên khuôn mặt của bà ta mỗi khi gặp. Hàng tháng chia học phí theo hình thức A,B,C, cô nào A thì bình thường, cô nào B thì bị mất 100 ngàn, cô nào C thì bị mất 200 ngàn. Thử hỏi số tiền đó đi đâu? ai biết? mà công việc của chúng tôi thì đầu tắt mặt tối đáng lý ra thì tiền chăm sóc đó là 1 phần để chăm lo cho đời sống giáo viên chứ! Có đâu là vậy. Khi lên cuộc họp xét bình bầu A,B,C thì những người làm việc không ra gì cũng vẫn A bình thường, còn những cô rất chăm cũng bị B bình thường, mà hầu hết những người loại A chỉ là những người lo cho BGH nhiều. Chúng tôi tha thiết mong các cấp lãnh đạo có chỉ thị hoặc phương hướng như thế nào cho phù hợp với công việc và khả năng của chúng tôi để những bức xúc này được giải tỏa thì chúng tôi mới có tinh thần công tác. Vậy thử hỏi những hình thức thi đua như thế này có chỉ thị của cấp trên không hay là BGH tự đưa ra.


guest
Đủ mọi hình thức tiêu cực.
Ngày gửi: 9/4/2008 6:59:42 AM


Chuyện hỏi thăm các xếp là chuyện đương nhiên, những ngày lễ, ngày hội mà không phong bì cho xếp thì bị điểm danh là "con"ý ky bo. Trường tôi cũng giống như trường bạn vậy đi dự giờ ai hay hỏi thăm xếp thì được tốt mà ai không hỏi thăm thì chỉ bình thường nếu không muốn nói là không tốt. Ai lại một tiết hội giảng mà không có tối thiểu một lọ hoa và được dạy 2 lần một tiết mà vẫn đạt tiết tốt .
Trường tôi có lớp cả năm vẫn một chủ điểm mà vẫn là lớp tốt nếu giáo viên nào góp ý thì bị ghét ra mặt. Nói cho cùng thì chuyện tiêu cực trong ngành của mình không bao giờ hết dược vì là xếp được quyền làm và nói sai sự thật mà, là xếp thì để thất thoát một khoản tiền như bình luận trên mà vẫn được bênh vực .
Cuối cùng mong các cấp lãnh đạo từ trung ương đến dịa phương tìm ra cái gai nhọt trong xã hội để cho xã hội ngày càng trong sạch và giáo viên chúng tôi yên tâm công tác .



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Khó mua đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi (28/8)
 Những cách hù dọa trẻ biếng ăn của 'mẹ hiền' (28/8)
 Ủy ban ATGT quốc gia tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em (28/8)
 Khắc phục suy dinh dưỡng ở trẻ em (28/8)
 Nhiều trường học vẫn sử dụng nước giếng khoan (28/8)
 Giá sữa tại VN cao nhất thế giới (27/8)
 Đồ chơi trẻ em: "Kẻ thù" trước mặt (27/8)
 Trẻ em ngày càng mê Internet hơn Tivi (27/8)
 “Mẹ ơi, đừng nhốt con!” (27/8)
 Lỗi trong sách giáo khoa sẽ được in trong 3 cuốn đính chính (27/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i