Trẻ em là niềm tin yêu, hạnh phúc của mỗi gia đình và là tương lai của nước nhà. Quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em thực chất là thực hiện chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta.
|
Ảnh minh họa |
Nhiều năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhận thức của con người được nâng lên, theo đó các gia đình có điều kiện hơn trong vấn đề chăm sóc, giáo dục con em mình, thậm chí ngay từ khi còn trong bào thai. Liên hợp quốc đánh giá: chất lượng dân số nước ta thông qua chỉ số phát triển con người (HDI) được nâng cao (xếp thứ 102/177 quốc gia tham gia xếp hạng), chỉ số thông minh (IQ) có những bước phát triển mới, tình trạng trẻ em bị chết yểu, suy dinh dưỡng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, trên thực tế những kết quả đạt được nêu trên thực sự còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xét ở góc độ nhất định, chiến lược phát triển con người còn đạt kết quả mức độ.
Theo số liệu thống kê đầu năm 2008, cả nước hiện nay có khoảng 3,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng có tới gần 25% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Tức là cứ 4 em có một em bị suy dinh dưỡng (Tây Nguyên là 3/1). Chính điều đó dẫn tới 1,5% dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ, tỷ lệ trẻ em chết dưới 1 tuổi còn hơn 1,7 kéo theo chất lượng dân số chỉ đứng thứ 108/177 quốc gia được xếp hạng. Hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ em là rất lớn, các em bị thiệt thòi về khả năng phát triển trí não, thể lực, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và cả kinh tế của gia đình, làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội…
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự suy dinh dưỡng của các em như kinh tế của các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn còn thấp, số gia đình sinh nhiều con vẫn cao, nên không có điều kiện tốt dành cho chăm sóc con em. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng phương pháp nuôi dạy trẻ thiếu khoa học (biểu hiện ở sự ăn uống, kiêng khem). Bên cạnh đó còn kể đến chất lượng các dịch vụ chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế, công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức với những kiến thức chăm sóc trẻ cơ bản đến các bà mẹ chưa đầy đủ, thiếu sự quan tâm của các cấp, các ngành ở cơ sở…
Thiết nghĩ, khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dần dần theo kịp các nước phát triển không phải là vấn đề khó nếu như các gia đình và toàn thể xã hội biết chung sức, đồng lòng, thực hiện tốt những giải pháp đồng bộ, giải quyết dứt điểm những nguyên nhân cơ bản nêu trên. Chắc chắn xã hội của chúng ta sẽ phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, chất lượng dân số sẽ không còn ở vị trí quá khiêm tốn như hiện nay.
Bùi Văn Mạnh