Chậm nhất là ngày 31-8-2008, huyện Quốc Oai và Thạch Thất (Hà Nội) sẽ hoàn tất việc tiếp nhận bàn giao chi tiết địa giới hành chính 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận bàn giao chi tiết, còn rất nhiều việc phải làm nhằm tháo gỡ khó khăn, thiếu thốn, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là cơ sở hạ tầng...
Thiếu lớp cho ngành học mầm non
Cả 4 xã mới (thuộc huyện Quốc Oai và Thạch Thất) đều có diện tích tự nhiên lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi. Nhân dân không sống quây quần, tập trung, mà sống rải rác trên khắp diện tích tự nhiên của các xã. Trong khi trục đường giao thông chính của các xã Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình (huyện Thạch Thất) là sử dụng tuyến đường 446 (Bãi Nai-Vai Réo), còn lại là đường cấp phối và đường mòn nhỏ qua các đồi núi để đến các thôn, bản nên việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Cô giáo Nguyễn Thị Bắc: “Lớp học kiên cố cho các cháu còn chưa có,
thì không tránh khỏi đồ chơi của các cháu còn nghèo nàn”. (
Ảnh chụp tại lớp mẫu giáo xóm Lặt, xã Yên Trung trong ngày nghỉ hè).
Bởi vậy, để các cháu trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp đạt tỷ lệ cao, thì không chỉ cần có trường mầm non tại trung tâm các xã, mà ở mỗi thôn, bản cũng rất cần có lớp học. Trên thực tế, cả 4 xã đều chưa đáp ứng được đòi hỏi này. Theo khảo sát ban đầu của Phòng Giáo dục huyện Thạch Thất, trên địa bàn 3 xã mới của huyện có tổng số 890 học sinh mầm non, trong khi đó chỉ có 25 lớp học dành cho các cháu. Do thiếu lớp học nên hầu hết các cháu 3-5 tuổi phải học ghép với nhau, không đảm bảo chất lượng dạy và học. Đáng lo ngại hơn, các lớp học hiện có đều là nhà cấp 4, hoặc nhà tạm đã xuống cấp.
Điển hình nhất về tình trạng thiếu lớp học mầm non là ở xã Yên Trung. So với 3 xã mới của huyện Thạch Thất và Quốc Oai, đời sống của nhân dân xã Yên Trung gặp nhiều khó khăn hơn cả. Cả xã có 3.200 nhân khẩu, sinh sống tại 7 cụm dân cư, đến nay vẫn còn 1 xóm là xóm Hương nằm trong chương trình 135 của Chính phủ. Cô Nguyễn Thị Bắc, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Trung cho biết: Hiện trên địa bàn xã có gần 200 cháu trong độ tuổi mẫu giáo.
Trong khi trên địa bàn xã mới chỉ có 9 phòng học, không thể đáp ứng được nhu cầu dạy và học của cô và trò. Hơn thế, trong 9 phòng học, mới chỉ có 2 phòng là nhà cấp 4 vừa được xây dựng từ nguồn ngân sách eo hẹp của xã; 7 phòng học còn lại đều mượn nhà văn hóa của các xóm, tuy nhiên hầu hết đều là nhà cấp 4 đã xuống cấp rất nguy hiểm cho tính mạng của giáo viên và các cháu. Mong mỏi lớn nhất của cô giáo Bắc là sớm có đủ lớp học kiên cố cho các cháu trong độ tuổi mẫu giáo.
Điện sinh hoạt giá 2.000 đồng/KWh
Theo khảo sát của Chi nhánh điện huyện Thạch Thất, hiện trên địa bàn 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung có tất cả 14 trạm biến áp, với tổng công suất 1.790 KVA, phục vụ cho 3.570 hộ dân của 36 thôn, bản. Đến nay, tỷ lệ hộ dân có điện sinh hoạt chiếm khoảng 90%. Hầu hết các hộ đều tự đóng góp tiền mua dây và cột gỗ, cột tre để kéo điện về sinh hoạt nên không đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão. Trong 10% hộ dân chưa có điện sinh hoạt trên địa bàn 3 xã, có đến 137 hộ thuộc xóm Hội và xóm Hương (xã Yên Trung). Do thiếu trạm biến áp, bán kích cấp điện nơi xa nhất hơn 3 km, dẫn đến chất lượng điện áp kém; tổn thất điện năng có nơi lên đến 30-40%. Do đó, ở nhiều thôn, bản giá điện sinh hoạt lên đến 2.000 đồng/KWh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sinh hoạt và đời sống của nhân dân.
Tập trung nâng cao chất lượng điện áp
Ông Nguyễn Đình Báu, Trưởng Chi nhánh điện Thạch Thất cho biết, trước mắt ngành sẽ tập trung đầu tư xây dựng đường dây hạ áp tại xã Yên Trung, nhằm sớm cung cấp điện cho 137 hộ dân chưa có điện sinh hoạt. Dự kiến từ nay đến cuối năm, để nâng cao chất lượng điện áp, tránh tổn thất điện năng, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, ngành điện sẽ đầu tư xây dựng thêm 7 trạm biến áp (tổng công suất 780 KVA), đồng thời kéo mới và thay thế khoảng 18 km đường dây hạ áp và gần 8 km đường dây cao áp trên địa bàn 3 xã mới của huyện Thạch Thất.
Theo Hà Nội Mới