Sau khi đọc tờ kê các khoản thu đầu năm học mới, anh Minh, một phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học công lập Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội buồn rầu thốt lên: "Mới vào học, trường đã kêu gọi đóng góp gần hai triệu đồng".
Các khoản 'tự nguyện' tiền triệu
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bậc tiểu học (TH) trong các trường công lập không phải đóng học phí và không được thu thêm các khoản khác.
Tuy nhiên, từ tháng 8, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương đã tiến hành thu các khoản… “tự nguyện”. Trước đó, ngày 12/7, khi có thông báo nhập học, phụ huynh có con xin học lớp một ở trường này đều được nhà trường gọi lên để… đóng hai triệu đồng. Tiền này được Ban giám hiệu thu trực tiếp và phụ huynh ký vào như một khoản tự nguyện đóng góp xây dựng trường.
Chưa dừng lại ở đó, thông qua Ban đại diện phụ huynh học sinh, trường này tiếp tục yêu cầu mỗi học sinh lớp một phải đóng thêm 1,6 triệu đồng để mua… máy lạnh. Như vậy, mới đầu năm học, phụ huynh lớp một trường này đã phải đóng đến 3,6 triệu đồng.
Các khối lớp khác đều phải đóng góp các khoản ngoài học phí như: tiền quỹ phụ huynh, tiền điện, nước… Và nhà trường hợp thức hóa các khoản thu này bằng chữ “tự nguyện” đóng góp, dù theo phản ánh của nhiều phụ huynh, họ bị “ép” phải làm như vậy.
Tăng học phí, 'đẻ' phụ thu
So với năm ngoái, học phí và các khoản đóng góp của nhiều trường mầm non, tiểu học dân lập trên địa bàn Hà Nội đều tăng cao. Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nâng mức học phí của khối lớp bốn từ 500.000 đồng lên 900.000 đồng một tháng, tăng gần 50%. Các khối lớp còn lại, mức học phí tăng giao động 300.000 - 400.000 đồng một tháng. Riêng khối lớp một, mỗi học sinh phải đóng đến 1,6 triệu đồng một tháng.
Ngoài học phí, trường còn thu hàng loạt các khoản khác cho cả năm học như: tiền bán trú (400.000 đồng), tiền ăn sáng (200.000 đồng); tiền hỗ trợ tham quan, xem biểu diễn (200.000 đồng), tiền hỗ trợ hoạt động Đội, Sao Nhi đồng (50.000 đồng), tiền xây dựng cơ sở vật chất (500.000 đồng) và một số khoản thu theo nhu cầu (tiền ôtô đưa đón, đồng phục…).
Mức tăng học phí năm học này tại Trường mầm non dân lập Lê Quý Đôn (huyện Từ Liêm) khá cao. Tiền học phí năm học trước là 850.000 đồng, nay tăng lên 1 triệu đồng một tháng; tiền ăn từ 500.000 đồng nhảy vọt lên 650.000 đồng một tháng. Bên cạnh đó, trường còn “đẻ” thêm nhiều khoản phụ thu khác như: dã ngoại (300.000 đồng một năm), học năng khiếu (80.000 đồng mỗi môn một học sinh), học tiếng Anh (240.000 đồng mỗi học sinh hàng tháng).
Đóng tiền không được hưởng quyền lợi
Có con theo học Trường mầm non dân lập Lê Quý Đôn từ lúc lên 4 tuổi, anh Đạo, huyện Từ Liêm, Hà Nội nói: “Năm ngoái tôi nộp 300.000 đồng tiền dã ngoại cho con, nhưng đã sang năm học mới vẫn chưa thấy con được đi đâu!”. Vì thế, anh Đạo khẳng định sẽ đưa các khoản phụ thu như: tiền dã ngoại, tham quan du lịch; tiền quỹ Hội phụ huynh, tiền học tiếng Anh… ra chất vấn trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học.
Một số phụ huynh Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm bức xúc cho rằng tăng học phí cao như vậy là không hợp lý vì “nếu nói để đầu tư phòng ốc thì tiền xây dựng cơ sở vật chất mỗi học sinh phải đóng 500.000 đồng một năm đổ vào đâu?”
Kiên quyết xử lý các trường thu sai quy định
Trao đổi với PV chiều 21/8, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: "Học phí bậc phổ thông năm học 2008 - 2009 vẫn giữ mức thu của năm 2007 theo từng địa phương khi chưa sáp nhập. Đối với hệ dân lập, trường “tự thu, tự chi” theo thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường. Riêng hệ công lập, trường không được thu những khoản ngoài học phí, cơ sở vật chất…
Bậc tiểu học công lập không được thu học phí và bất cứ khoản thu nào khác. Sở kiên quyết xử lý những trường thu sai quy định, tự ý đưa thêm các khoản đóng góp".
Theo Báo Đất Việt