Kế hoạch năm học được điều chỉnh về thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, tăng thêm 2 tuần học ở bậc phổ thông nên ngày 25/8, hầu khắp các địa phương trên cả nước sẽ bước vào năm học mới. Ngày khai giảng vẫn là 5/9. Nhiều công tác chuẩn bị cho năm học đang được hoàn tất.
Hà Nội: Chú trọng chương trình chiếu sáng học đường
Theo kế hoạch thời gian năm học 2008-2009 của Sở GD-ĐT Hà Nội, ngày 25/8 tất cả các bậc học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và GDTX bắt đầu tựu trường. Ngày khai giảng được quy định từ 3-5/9 tùy theo mỗi trường.
Do địa giới hành chính thủ đô được mở rộng nên quy mô trường lớp bước vào năm học mới cũng nhiều hơn so với trước đây. Cụ thể, tổng số trường trên toàn thành phố là 2.302 (trong đó, công lập có 1.705 trường, ngoài công lập có 597 trường) với hơn 1,3 triệu HS và 72 nghìn giáo viên các cấp học. Tính riêng khu vực Hà Nội cũ, có thêm 4 trường THPT công lập được thành lập và tuyển sinh.
Hà Nội đã dành gần 40 tỷ đồng để mua sắm SGK, thiết bị học tập cho lớp 12, lớp cuối cùng thực hiện thay SGK mới. Đồng thời, 100% giáo viên dạy lớp 12 đã được tập huấn về đổi mới chương trình, SGK.
Chương trình chiếu sáng học đường, ngoài mục tiêu phủ kín 30% số trường học ở Hà Nội cũ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, tới đây sẽ được mở rộng tới địa bàn mới. Trong hè, hàng nghìn phòng học ở nội thành đã được cải tạo, sơn sửa với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng.
TP.HCM: Giữ nguyên học phí cũ
Ngày 25/8 cũng là ngày HS TP.HCM bắt đầu một năm học mới, trước đó 21/8 HS đã đến tựu trường để nhận lớp, nhận cô giáo chủ nhiệm.
Chủ trương của ngành GD-ĐT TP.HCM năm học này là giữ nguyên mức học phí cũ dù vật giá có thay đổi nhằm tạo tâm thế ổn định cho mọi gia đình đưa con đến trường, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT quan điểm. Một điểm nữa sẽ được quan tâm và kiểm tra thường xuyên là các khoản đóng góp thuộc về phía phụ huynh.
Ông Minh cho rằng, phụ huynh không phải tổ chức hội mà có quỹ, tuy nhiên, mỗi trường sẽ có Ban đại diện phụ huynh và được bầu lên qua Đại hội cha mẹ HS có phối hợp với nhà trường. Trách nhiệm của Ban đại diện này không phải như "tay chân" của Ban Giám hiệu trước đây.
Cụ thể, đóng góp của phụ huynh cho công trình nào đó trong trường cho con em họ phải được sự thống nhất thông qua Đại hội cha mẹ HS mới được tiến hành làm, không thu tiền thành quỹ để làm việc này, việc kia, ông Minh nhấn mạnh.
Bước vào năm học 2008-2009, phương châm thực hiện của giáo dục thành phố là An toàn, bền vững, như CSVC đầy đủ, an toàn; trình độ giáo viên không để thiếu năng lực, nghiệp vụ, đặc biệt ở bậc mầm non; xây dựng nhà trường tiểu học hiện đại, dạy học cá thể để mỗi giáo viên có thể chăm đến từng HS;..
Theo ông Minh, việc xây thêm trường lớp, bồi dưỡng giáo viên, trang bị SGK, đồ dùng là những việc làm thường niên. Năm nay, theo tiến trình thay sách là lớp 12 năm cuối, ngành có kế hoạch đầu tư vào khối lớp này. Cụ thể, trang bị cho mỗi lớp thuộc khối THPT một bộ SGK và một bộ sách hướng dẫn giảng dạy.
Trang bị tủ SGK dùng chung cho số HS thuộc diện xóa đói giảm nghèo và gia đình chính sách có khó khăn ở ngoại thành theo tỉ lệ 20% trên tổng số HS lớp 12 đối với 6 Quận (2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân) và 30% trên tổng số HS lớp 12 đối với 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ). Mỗi 6 lớp 12 được trang bị 1 bộ thiết bị dùng chung lớp. Ngoài ra, hỗ trợ 100 bộ SGK cho HS các lớp phổ cập của mỗi quận, huyện...
Vùng lũ "căng mình" trước năm học mới
Huyện Bát Xát và huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là vùng tâm lũ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơ bão số 4 vừa qua. Tại hai địa phương này có 20 phòng học bị sập hoàn toàn, hơn 50 phòng học bị hư hỏng nặng, hàng trăm bộ bàn ghế của HS bị hỏng không sửa chữa được.
Một số bàn ghế của Trường Tiểu học Khu Chu Phìn (xã Sàng Ma Sáo,
huyện Bát Xát, Lào Cai) được người dân tìm được sau trận lũ.
|
|
Ảnh trái: Gia đình anh Đặng Văn Lợi (Bản 5, xã Long Phúc, huyện Bảo Yên) cho Trường tiểu học Long Phúc mượn tạm ngôi nhà làm nơi học chờ xây trường mới. Chị Nguyễn Thị Thúy (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết chắc những lớp học nhờ nhà dân thế này phải kéo dài chừng 2 tháng nữa. |
Ảnh phải: HS Bùi Thị Mai Thu, Trường THPT số 1 Bảo Yên đang phơi những quyển sách tìm được sau trận lũ) |
Ngôi trường mới nhanh chóng được khởi công kịp kỳ khai giảng năm học mới.
Người dân Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo đã tự nguyện di dời mấy chục ngôi mộ để có đất xây ngôi trường mới.
Tuy nhiên, Huyện Bát Xát cũng đã kịp thời khắc phục để ngày 18/8 vừa qua, nhiều HS đã bắt đầu năm học đúng theo kế hoạch của địa phương. Theo nhìn nhận của bà Bùi Thị Hậu, Phòng GD-ĐT Bát Xát, tỷ lệ HS đến trường ở hơn 10 xã vùng cao chỉ đạt khoảng 70-74%. Cả huyện còn 2 xã là Ba Cheo và Y Tý với 7 trường mầm non, tiểu học và THCS (khoảng 1.000 HS), do thiệt hại nặng nên 25/8 mới bắt đầu tựu trường.
Thiệt hại của Lào Cai trong cơn bão số 4: có 86 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà, trường học bị hư hại, nhiều diện tích lúa mùa bị vùi lấp... tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Riêng ngành giáo dục có 28 HS bị chết và mất tích, 2 HS bị thương, hơn 60 trường học bị thiệt hại, có hai điểm trường phải di dời, hơn 200 phòng học bị ảnh hưởng. Trong đó có 24 phòng học bị hỏng hoàn toàn, 77 phòng bị hỏng nặng. Mưa, lũ cũng làm hư hỏng 495 bộ bàn ghế, hơn 100 chiếc bảng, 1.057 bộ thiết bị dạy và học, 1.838 bộ SGK; hơn 4.000 m3 đất đá sạt lở làm ảnh hưởng đến lớp học; 82 nhà ở của gia đình giáo viên bị hư hỏng nặng (có 6 nhà bị sập hoàn toàn).
Phạm Ngọc Bộ |
Toàn huyện có tổng số 76 trường ở cả 3 cấp học, khó khăn nhất hiện nay, theo bà Hậu là việc vận động HS ra lớp. Trong cơn bão vừa qua, xã Y Tý bị cô lập trong biển nước, nhiều thôn, bản bị sạt lở, gia đình mất nhà cửa, có những nơi phải di chuyển cả trường học. Đối tượng HS THCS do đã có thể giúp gia đình nhiều việc nên việc vận động ra môi trường bán trú dân nuôi (1 tuần về nhà 1 lần - PV) là rất khó khăn trong thời điểm này.
Tuy nhiên, để đảm bảo năm học mới được bắt đầu, vừa qua, huyện đã cấp cho các xã biên giới cũng như các xã trong diện 135 khoảng hơn 630 triệu để mua vở viết và 245 triệu đồng mua SGK. Bà Hậu cho biết, cộng thêm sách cũ thì mỗi HS có được 1 bộ sách để đi học.
Hiện nay, Lào Cai đang tiếp tục nỗ lực khắc phục để phục vụ năm học mới như: huy động nhân dân, cán bộ giáo viên, học sinh các nhà trường để tổ chức san gạt đất đá, thu dọn vệ sinh các lớp học; tổ chức cho HS học 2 ca, sử dụng các phòng chức năng, phòng hội đồng của nhà trường, phòng làm việc của UBND xã , nhà dân để làm phòng học; huy động nhân dân làm các phòng học tạm; ưu tiên nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia để mua bổ sung thiết bị, SGK bị thiệt hại...
Số HS đi học ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT của Lào Cai năm học này khoảng 180 nghìn HS.
Tổng thiệt hại đối với ngành Giáo dục Yên Bái sau cơn bão vừa qua là hơn 7 tỷ đồng. Bà Đoàn Thị Hà, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Yên Bái cho biết, nhiều trường, lớp học ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên bị phá hủy tan hoang, trôi mất cách cửa, đồ dùng học tập, chỉ còn lại xác nhà. Công tác khắc phục đang được tiến hành, huy động giáo viên, HS đến dọn dẹp cả ngày nghỉ để đảm bảo đúng kế hoạch năm học là 25/8.
"Tuy nhiên, sẽ có nhiều nơi phải vừa học vừa dọn", bà Hà trăn trở. Đặc biệt, Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái phải lùi thời gian học đến 28/8 do công tác khắc phục rất khó khăn. Bà Hà giải thích, trường đó có khoảng 3.000 m3 bùn, dày khoảng 50-60 cm, trông như một thửa ruộng, hơn nữa, bùn chưa khô nên cứ xúc lên xe cải tiến là bùn lại chảy xuống. Do đó, có thể HS sẽ phải dồn phòng để học hoặc nếu không dọn kịp sân thì khả năng phải khai giảng nhờ chỗ khác.
Vượt qua những khó khăn do thiên tai để lại, Yên Bái đã chuẩn bị SGK, thiết bị để đảm bảo khai giảng đúng ngày. Khoảng hơn 3 tỷ đồng đã được đầu tư SGK cho các diện HS chính sách, HS gia đình nghèo trong diện 135. Ngoài ra, ngành cũng đang kêu gọi sự ủng hộ của những nhà hảo tâm, các quỹ hội... để hỗ trợ sách cho những HS có gia đình khó khăn.
Ngành cũng đầu tư gần 4 tỷ đồng cho việc chuẩn bị thiết bị lớp 12, năm cuối cùng thay SGK.
ĐBSCL học sớm để dự phòng nghỉ lũ
Từ năm học này, Bộ GD-ĐT cho các địa phương tự quyết định kế hoạch năm học theo tình hình thực tế, đặc biệt là các vùng cao tránh rét và vùng ĐBSCL tránh lũ. Do đó, thay vì năm trước tựu trường từ 25-30/8 thì năm nay, Đồng Tháp đã tựu trường từ 15/8 nhưng đến ngày 25/8, hơn 350 nghìn HS ở đây mới chính thức bắt đầu vào học kỳ 1.
Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở cho biết, HS tựu trường sớm đề sửa sang trường lớp và cũng là thời gian để huy động các gia đình đưa con đến trường. Do đó, thời gian này, HS sẽ đến trường không được đông đủ.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp cũng đang mưa, nước đang lên nhưng chưa thấy có ảnh hưởng đến việc đi lại. Hàng năm, theo mùa nước lên, các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tháp Mười, huyện Cao Lãnh là những nơi nước lũ lên cao, ảnh hưởng đến việc đi lại nên HS sẽ phải nghỉ học. Theo bà Hà, thời gian nghỉ tối đa mỗi dịp này khoảng 10 ngày tùy theo mỗi vùng.
Thời gian học sớm cũng được linh động khi nghỉ Tết ở vùng này, bà Hà dự kiến, sẽ khoảng từ 1-2 tuần. Nghĩa là, nếu không phải nghỉ lũ dài ngày thì thời gian nghỉ Tết sẽ được kéo dài hơn.
Công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng đã được hoàn tất, "rất an tâm về SGK vì đang thực hiện đổi mới nên hàng năm có 1 tỷ đồng để trang bị sách về các thư viện, phục vụ HS nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn luân phiên mượn", bà Hà phấn khởi. Thêm vào đó, để hỗ trợ HS đến trường, ngoài các đối tượng chính sách, HS gia đình nghèo được miễn học phí theo quy định của Nhà nước, năm học này, tỉnh Đồng Tháp còn miễn học phí cho đối tượng HS hộ cận nghèo.
Ở một tỉnh giáp biển khi nước nguồn đổ về, Kiên Giang cũng có những vùng gặp phải nước lũ nên ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Do đó, để linh động hơn trong việc tổ chức dạy và học, Kiên Giang đã cho HS tựu trường từ ngày 11/8. Nhưng thời gian học chính thức của tiểu học sẽ được tính từ 18/8 và THCS, THPT là ngày 25/8.
Cũng như Đồng Tháp, Kiên Giang tựu trường để vệ sinh trường lớp và ôn tập nếu cần. Theo Phó Giám đốc Ninh Thành Viên, so với năm trước, thời gian nhập học năm nay sớm hơn 1 tuần. Kế hoạch thời gian kéo dài sẽ tạo thuận lợi để các địa phương này hoàn thành năm học, cũng như kéo được thời gian nghỉ Tết đến 2 tuần cho HS.
Ông Viên cũng cho biết, SGK, CSVC đã được chuẩn bị sẵn sàng để HS bước vào năm học mới.
HS Vĩnh Long đã bắt đầu năm học từ 1/8 đối với lớp 12 và cấp THCS từ 15/8. Theo ông Lý Đại Hồng, Phó Giám đốc Sở, năm nay tựu trường sớm hơn 2 tuần, mục đích để thích ứng với phân phối chương trình từ 35 tuần lên 37 tuần, đặc biệt lớp 12 có thời gian ôn tập nhiều hơn. Học sớm nên khả năng nghỉ Tết năm nay cũng sẽ được kéo dài 10 ngày đến 2 tuần.
Năm nay là năm đầu tiên ngành Giáo dục phát động sử dụng lại SGK cũ, lập tủ sách dùng chung. Đợt phát động trong hè vừa qua, hơn 1,1 triệu bản SGK cũ đã được thu mua để dành tặng các thư viện trường học.
Đồng thời, NXB Giáo dục cũng đang cố gắng triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm đáp ứng số lượng yêu cầu về SGK của các địa phương. Tính đến nay, 83 triệu bản SGK đã được phát hành tới các địa phương. Riêng HS vùng dân tộc thiểu số được ưu tiên cung ứng SGK theo chương trình mục tiêu của Bộ GD-ĐT. 66 nghìn HS diện chính sách cũng đã có đủ SGK cho năm học mới.
Theo VNN