Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phòng chống tiêu cực trong ngành giáo dục


Trích lược
Sự tham gia của xã hội dân sự trong việc phòng chống tiêu cực đã trở nên hết sức quan trọng, và có ít lĩnh vực nào quan trọng hơn giáo dục xét về lợi ích phát triển lâu dài và đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực và có hệ thống của xã hội. Giống như bất cứ ngành dịch vụ công nào khác, ngành giáo dục dễ bị ảnh hưởng của các hành vi tiêu cực. Tài liệu tư vấn chính sách này trình bày lý do cần chú trọng vào giáo dục, một số hậu quả của hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục đối với phát triển cũng như những việc cần làm để giảm thiểu ảnh hưởng của tiêu cực và phát huy tối đa lợi ích của giáo dục về phát triển con người. Với nội dung như vậy, tài liệu nhằm giới thiệu một số kinh nghiệm thành công về sự tham gia của xã hội trong giáo dục, tóm tắt những bài học kinh nghiệm quốc tế và trình bày dự kiến chiến lược mà trong đó sự tham gia của xã hội được đặt ở vị trí trung tâm. Các kinh nghiệm kinh tế cho thấy ba bài học cơ bản từ việc đề ra và thực hiện các biện pháp ngăn chặn tiêu cực: tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, sự tham gia của các bậc cha mẹ/ xã hội và sử dụng giáo dục như một công cụ.

1. Giới thiệu
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là cụm từ rất phổ biến ở Việt Nam. Nó phản ánh tầm quan trọng của sự tham gia của xã hội trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Có ít lĩnh vực nào quan trọng hơn giáo dục xét về lợi ích phát triển lâu dài và dòi hỏi phải có sự tham gia tích cực và có hệ thống của xã hội.

Tuy nhiên, ở bất kỳ đâu trên thế giới, ngành giáo dục phải đối mặt với tình trạng eo hẹp về ngân sách, công tác quản lý yếu kém, hiệu quả thấp, lãng phí nguồn lực, chất lượng dạy kém, lương thấp và thiếu tính phù hợp về mặt chính trị.

Tài liệu tư vấn chính sách này nhằm trình bày lý do cần chú trọng vào giáo dục, một số hậu quả của hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục đối với phát triển cũng như những việc cần làm để giảm thiểu ảnh hưởng của tiêu cực và phát huy tối đa lợi ích của giáo dục về phát triển con người. Với nội dung như vậy, tài liệu nhằm giới thiệu một số kinh nghiệm thành công về sự tham gia của xã hội trong giáo dục, tóm tắt những bài học kinh nghiệm quốc tế và trình bày dự kiến chiến lược mà trong đó sự tham gia của xã hội được đặt ở vị trí trung tâm.

2. Tham nhũng, giáo dục và phát triển con người
Dư luận rộng rãi cho rằng tham nhũng là một trong những yếu tố cản trở nghiêm trọng đối với phát triển vì nó cướp đi những nguồn lực khan hiếm mà lẽ ra thuộc về những người cần tới chúng nhất, giảm chất lượng dịch vụ, trở thành gánh nặng cho người nghèo (như một thứ thuế mang tính lũy thoái), làm nản lòng các nhà đầu tư, thậm chí có thể làm cho hệ thống chính trị bị mất đi uy quyền cũng như làm giảm niềm tin và sự gắn kết trong xã hội. Mặc dù Việt Nam đã thực sự nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng thông qua một loạt chỉ thị, nghị định, quyết định và bộ luật do Đảng, Chính phủ và Quốc hội ban hành, song vẫn ít chú ý tới mức độ ảnh hưởng của tham nhũng tới chất lượng của các dịch vụ công cũng như hiểu biết rất ít về mức độ tiêu cực trong ngành giáo dục.1

Trong những năm qua, các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, đã có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người dân và giới báo chí và dấy lên phong trào tố cáo nặc danh thông qua các cơ quan của Chính phủ, báo chí và các blog trên trang web. Một ví dụ về sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người dân và giới báo chí, đó là việc phanh phui vụ “chạy trường” ở Trường PTTH Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh. Quá trình đưa vụ này ra ánh sáng có thể chia thành ba giai đoạn chính: (i) 1998 - 2006, không có sự tham gia của báo chí; (ii) năm 2006, nhân dân tố giác. Sau đó, Báo Thanh niên thực hiện cuộc điều tra có đăng tin về vụ này, khiến cho Thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc; và (iii) các tổ chức quần chúng và báo chí theo dõi, đánh giá việc xử lý. Qua đó phát hiện ra rằng một phụ huynh đã chạy 2000 USD để cho con vào Trường, và kết quả là Hiệu trưởng của trường này đã bị cách chức (Đình Cự, 2007). Tuy nhiên, những kết quả đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục “chưa cao và còn mang tính hình thức” (Đình Cự, 2007:9).

Hơn nữa, Hiến pháp của Việt Nam đảm bảo quyền được học hành.3 Ngoài ra, Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đòi hỏi phải công khai một số thông tin và tính minh bạch trong ngành giáo dục. Ví dụ, Điều 23 của Luật yêu cầu phải minh bạch trong khâu tuyển sinh, thi cử và cấp bằng cũng như công khai việc sử dụng kinh phí giáo dục do Ngân sách nhà nước cấp của các cơ quan quản lý và các cơ quan giáo dục.

Vì vậy, với ý nghĩa là trách nhiệm chính của Nhà nước và xã hội và là nền tảng cho mọi hoạt động học tập tiếp theo, giáo dục mang lại lợi ích có ý nghĩa sâu sắc cho mỗi cá nhân và cho toàn xã hội. Giáo dục cũng có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tiến độ thực hiện tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Như vậy, ngành giáo dục có vai trò chủ chốt vì nó giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị làm cơ sở đảm bảo công tác quản trị tốt, tăng cường văn hóa tôn trọng và tham gia mang tính tích cực, nâng cao kỹ năng thảo luận mang tính xây dựng và thúc đẩy phát triển về lâu dài.

Giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển vì nó tăng cường năng lực và cơ hội lựa chọn cho các cá nhân. Nó mở rộng cơ hội lựa chọn để người dân có được cuộc sống như mong muốn và có lý do để mong muốn. Giáo dục còn là phương tiện để tạo dựng lòng tự tôn và nâng cao vị thế, năng lực vì nó mở rộng cơ hội lựa chọn và tạo điều kiện tiếp cận với các quyền khác. Hơn nữa, giáo dục mang lại những ảnh hưởng tích cực về chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội. Về chính trị, nó tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động cộng đồng, đoàn thể và các hoạt động chính trị của địa phương. Về văn hóa, nó đề cao thái độ, các chuẩn mực và giúp các cá nhân nâng cao khả năng hòa đồng với nền văn hóa khác. Về xã hội, với tri thức được nâng cao, người dân có thêm cơ hội lưu động trong công tác xã hội, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình cũng như tăng cường việc phòng chống HIV/AIDS. Và về kinh tế, giáo dục mang lại lợi ích đầu tư rất lớn, cho phép khai thác các cơ hội kinh doanh.

3. Giáo dục: Lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực
Mặc dù giáo dục mang lại nhiều lợi ích và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển con người, song đó là một ngành dễ bị tiêu cực và đòi hỏi phải có các cơ chế mạnh mẽ đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, trong đó có việc huy động sự tham gia của xã hội ở tất cả các cấp. Ở hầu hết các nước, giáo dục là ngành đứng đầu hoặc thứ hai trong danh mục các đơn vị chi tiêu ngân sách nhà nước và vì vậy, tạo cơ hội rất thuận lợi cho tham nhũng và tiêu cực. Ở Việt Nam, như minh họa trong Biểu đồ 1, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chi tiêu ngân sách lớn nhất trong tất cả các ngành dịch vụ kinh tế-xã hội (khoảng 12% Ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2000 - 2004), cao hơn cả lương hưu và trợ cấp xã hội (xấp xỉ 9%), hành chính công nói chung (xấp xỉ 7%) và chăm sóc sức khỏe (xấp xỉ
3%).

Với những khoản tiền lớn như vậy, cũng dễ hiểu tại sao giáo dục - một ngành hoạt động mang mang tính công khai cao và có cơ sở dải khắp từ trên xuống tận cộng đồng - trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các hoạt động “bảo kê” và các hành vi “lách luật”. Hơn nữa, một lượng kinh phí khá lớn cho giáo dục được chi theo kiểu nhỏ lẻ, rải rác nhiều nơi và ở nhiều cấp mà phần lớn các đơn vị này có hệ thống kế toán và theo dõi yếu kém. Trên thực tế, trong bối cảnh phân cấp và cơ cấu chương trình giáo dục hiện nay, những quyết định được coi là có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân lại do những vị “kiểm soát viên” với thẩm quyền kiểm soát các quyết định ở từng cấp của ngành giáo dục đưa ra.

Nhấn Download để lấy tập tin chi tiết
Theo Chương Trình Phát Triển Liên Hợp Quốc