Khoa Cấp cứu Bệnh viện Tai mũi họng trung ương ngày nào cũng tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị tai nạn do các đồ chơi gây ra, đặc biệt vào dịp Tết Trung thu hay Quốc tế thiếu nhi 1-6, trẻ em bị tai nạn thương tích từ các loại đồ chơi nhập viện thường có chiều hướng gia tăng.
Gần 1 tháng nữa mới đến Rằm Trung thu nhưng trên thị trường Hà Nội đã xuất hiện khá nhiều các loại đồ chơi nguy hiểm, độc hại. Đã có rất nhiều tai nạn đáng tiếc từ đồ chơi để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ em như hỏng mắt, viêm phổi, viêm tai, chảy dịch não tuỷ…
Vào dịp 1-6 hay Rằm Trung thu, rất nhiều bậc phụ huynh bỏ tiền mua đồ chơi cho con mà quên đi một trong những tính năng quan trọng cho trẻ đó là: an toàn.
Đồ chơi - con dao 2 lưỡi
Tại các phố chuyên bán đồ chơi ở Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã, Chả Cá… đồ chơi quanh năm tràn ngập thị trường, trong đó phần lớn là đồ chơi do nước ngoài sản xuất, được nhập lậu, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, không có bất kỳ hướng dẫn hay chú thích gì về tính năng cũng như công dụng của đồ chơi.
Ảnh: JupiterImages
Chính vì thế, nhiều loại đồ chơi nguy hiểm đã xâm nhập vào tâm hồn trẻ như một cách tự nhiên và một đứa trẻ bỗng chĩa súng (nhựa, có đạn nhựa) vào bạn và chẳng may bóp cò, súng nổ, đạn bay vào mắt.
Theo bác sỹ Hoàng Vũ Giang, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai mũi họng TW thì: "Có những ngày, khoa cấp cứu tiếp nhận 2 đến 3 ca trẻ em bị tai nạn từ đồ chơi hay các vật dụng thông thường trong gia đình.
Khoa đã từng tiếp nhận trường hợp trẻ nhét vào mũi, vào lỗ tai những hạt cườm - một thứ có ở hầu hết các đồ chơi dành cho trẻ em. Hạt cườm không phải hình tròn nên rất khó gắp, khó lấy.
Vừa rồi, cháu Bùi Nam Cường ở Đống Đa, 6 tuổi nhét chiếc mắt của con gấu bông vào mũi. May là người nhà đưa đến bệnh viện sớm nên không nguy hiểm và nhanh chóng gắp ra được".
Trường hợp cháu Trần Mạnh Hoàng ở phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy lại khác, hai anh em chơi với nhau, anh nhét vào tai em viên đạn nhựa sử dụng cho một chiếc súng do chị gái mua từ một cửa hàng đồ chơi về.
Gia đình không mang cháu đến bệnh viện ngay mà lại tự tìm cách gắp viên đạn ra khỏi tai. Tuy nhiên, viên đạn càng ngày càng chui sâu vào tai khiến cháu Hoàng đau đớn, tím tái. May sao gia đình đưa cháu đến bệnh viện kịp thời và bác sỹ phải rất vất vả mới lấy được ra.
Cũng có những trường hợp trẻ đến viện do nuốt phải những thứ như đồng xu, mặt dây chuyền, thậm chí cả đinh và rơi sâu vào phế quản.
Theo bác sỹ Giang, nếu những dị vật trên rơi vào đường ăn (đường tiêu hoá) thì đứa trẻ khi đi ngoài dị vật sẽ ra theo. Nhưng nếu rơi vào đường thở sẽ viêm phổi, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ tử vong.
Cách đây vài năm đã có cháu bé do nuốt phải quả bóng bàn và bị tử vong. Bác sỹ Giang cho biết, trẻ nuốt phải những vật to như quả bóng bàn rất nguy hiểm bởi nó gây tắc phế quản.
Đồ chơi, nếu bình thường nó là những dụng cụ giúp cho trẻ em khám phá và hiểu biết hơn về thế giới xung quanh mình nhưng nhiều khi nó cũng khiến một số trẻ em mang thương tích khó xoá nhoà trong ký ức.
Chị Trần Thu Nga, ở đường Trường Chinh vẫn chưa hết bàng hoàng về việc con chị, cháu Trần Văn Phúc bị tai nạn từ việc nuốt phải pin đồng hồ. Hôm ấy chị mua quả cầu phát sáng về cho con, loại pin lắp vào quả cầu này là pin đồng hồ. Mải bận nấu cơm, chị không hiểu con loay hoay thế nào lại mở được chốt ra và cháu cho cục pin vào mồm rồi bị hóc sặc sụa.
Luống cuống không biết làm cách nào, chị cho tay vào miệng cháu lấy ra - khiến cục pin không những không ra mà càng bị đẩy sâu vào trong. Cuối cùng gia đình phải đưa cháu vào bệnh viện và hậu quả là cháu bị loét niêm mạc. Theo bác sĩ Giang, đây là một trong những tai nạn từ đồ chơi thường gặp nhất ở trẻ.
Vẫn tràn lan đồ chơi nguy hiểm
Trong vai khách hàng, chúng tôi đến phố Chả Cá, hỏi mua súng bắn đạn ở một cửa hàng đồ chơi, người bán hàng gật đầu vào phía trong lấy một khẩu súng kèm theo túi đạn và phát giá 50.000đ/khẩu. Khẩu súng dài, rất giống súng trường, chỉ lắp đạn và bóp cò là đạn nổ, chẳng khác gì trong phim. Những viên đạn nhựa nếu để bình thường thì chẳng có gì đáng nói, như khi được bắn ra từ khẩu súng này lại gây nguy hiểm cho người khác.
Theo ông Nguyễn Công San, Đội trưởng Đội QLTT số 1, súng bắn đạn nhựa được nhập lậu từ các tỉnh biên giới vào thị trường Hà Nội rồi tiêu thụ ở các tỉnh khác. Có đợt ra quân, Đội QLTT số 1 đã bắt giữ được hơn 1.000 khẩu súng bắn đạn loại to, nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép loại đồ chơi nguy hiểm này vẫn không ngừng gia tăng. Đội QLTT số 2 vừa kiểm tra bắt giữ một xe ôtô vận chuyển 1.400 khẩu súng bắn đạn nhựa đang đi tiêu thụ.
Cứ nhìn vào kết quả tiêu huỷ hàng nghìn khẩu súng bắn đạn nhựa các loại mỗi đợt của Chi cục QLTT Hà Nội mới thấy, tình hình buôn lậu đồ chơi bạo lực vẫn có chiều hướng gia tăng.
Bắt đầu từ ngày 20/8, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán đồ chơi nguy hiểm, độc hại như mặt nạ kinh dị, súng bắn đạn, hạt nở… Theo ông Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2, lần kiểm tra này sẽ làm quyết liệt nhằm lập lại trật tự trong việc kinh doanh đồ chơi, phục vụ Tết Trung thu năm nay.
Nhìn từ góc độ ngành Y tế, không hẳn đồ chơi bạo lực, độc hại mới gây tai nạn cho trẻ em. Ngay cả những đồ chơi hết sức thuần tuý, không ai nghĩ nó lại gây hậu quả cho trẻ như thú nhồi bông, con ong bằng nhựa… thế nhưng, chỉ chiếc mắt hay chiếc mũi của con gấu bông cũng có thể gây tai nạn nếu trẻ nuốt hoặc nhét chúng vào tai, vào mũi.
Theo lời khuyên của bác sỹ, phụ huynh khi mua đồ chơi cho con em mình cần phải lựa chọn những đồ chơi rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại đồ chơi truyền thống, tránh mua các loại đồ chơi bạo lực, nguy hiểm, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ. Đặc biệt, trẻ em có thể bị dị ứng da do tiếp xúc với bất kỳ loại đồ chơi có mầu sắc nào. Vì vậy, khi cho trẻ chơi phải luôn theo sát, và cuối buổi chơi phải kiểm tra xem có thiếu những vật nhỏ nhất hay không, tránh để trẻ nuốt phải dị vật mà không biết. Tốt nhất, không nên cho trẻ chơi những vật nhỏ dễ nuốt, dễ nhét vào tai, mũi.
Theo Công An Nhân Dân