Xã hội
   Phạt trẻ bằng cách nhốt vào toilet
 
Không cần dùng tới đòn roi nhưng cách phạt trẻ của một số cô giáo mầm non và tiểu học hiện nay khiến nhiều bậc phụ huynh cũng… hoảng.

Để mỗi ngày đến trường với cháu là một ngày vui (Ảnh minh hoạ)

Ăn chậm, nhốt vào toilet
Cứ mỗi buổi sáng khi đưa con đi học là chị Bùi Thị Hà (số 14, ngõ 101/11, Thanh Nhàn, Hà Nội) lại gặp sự phản ứng dữ dội của bé. Bình thường cháu Hoàng Anh con chị (4 tuổi, học lớp mẫu giáo nhỡ trường Mầm non H.S, quận Hai Bà Trưng) rất ngoan nhưng không hiểu sao cả tuần nay cứ nói đến chuyện đi học là mặt cháu lại xanh lét như tàu lá chuối và nhất quyết đòi ở nhà cho bằng được.

Nhận thấy những biểu hiện không bình thường cũng như thái độ hoảng sợ một cách thái quá của con, chị lờ mờ đoán ra có một nguyên nhân nào đó ở trường khiến cháu không muốn đi học. Hỏi bé, bé nhất định không trả lời. Bắt buộc phải dùng biện pháp mạnh, chị nói với bé: “Nếu con không nói vì sao không chịu đi học thì mẹ bắt buộc phải lên lớp hỏi cô giáo”.

Bé hoảng sợ òa khóc. Qua lời kể trong làn nước mắt của con, chị bàng hoàng khi biết sự thật: thì ra vì ăn chậm nhất lớp mà Hoàng Anh thường xuyên bị cô nhốt vào toilet. Cô còn dọa trong toilet có rất nhiều gián và chuột, nếu không chịu ăn sẽ bị chúng cắn.

Đã mấy ngày nay, Hoàng Anh phải chịu hình phạt này. Cháu còn nói nhiều hôm mình bị phạt từ lúc ăn trưa (khoảng hơn 11 giờ) cho tới khi cô tập hợp và chuẩn bị cho các cháu đợi ba mẹ đón về (3h – 3h30). Nhiều hôm mệt quá, Hoàng Anh đã ngủ thiếp đi trong toilet.

Quá đau lòng khi thấy con van xin: “Mẹ ơi, đừng cho con đi học nữa, con sợ lắm, trong đó tối lắm, con sợ gián và chuột lắm. Cô nói chúng sẽ cắn chân, cắn tay con. Huhu!”, chị Hà đến trường nói chuyện với cô giáo phụ trách lớp Hoàng Anh.

Không thể chối cãi vì trẻ con không bao giờ nói dối, cô giáo đành xin lỗi gia đình. Cô giáo bao biện rằng tại vì Hoàng Anh ăn quá chậm, trong khi cả lớp đã ăn hết phần của mình thì cháu vẫn còn đầy nguyên cả suất cơm nên cô mới nghĩ ra hình phạt này mong cháu… sợ quá mà ăn nhanh hơn.

Việc nhốt cháu trong toilet không có điện trong mấy giờ liền thì được cô nói “chỉ có duy nhất 1 lần như vậy là do… quên” còn những lần khác thì chỉ nhốt vài phút rồi cho ra.

Không thể chấp nhận lời giải thích vô trách nhiệm như vậy, chị Hà định làm lớn chuyện thì cô giáo và bà hiệu trưởng đã đến nhà nhận lỗi và hứa “lần sau sẽ không áp dụng hình phạt như thế nữa”. Quá sợ những “lần sau” như vậy nên chị đành chuyển trường khác cho con và hứa rằng khi nào có em bé thứ hai sẽ “cạch mặt” trường mầm non H.S này ra.

Nói chuyện trong lớp, cho ôm… gốc cây 4 tiếng
Chị Nguyễn Thị Phương Dung (nhà ở khu A3, thị trấn Cổ Lễ, Nam Định) vẫn chưa hết bức xúc khi tiếp chuyện PV. Chị kể do trường chỉ cách nhà mấy trăm mét mà anh chị lại buôn bán bận rộn nên gia đình thường để cháu lớn (lớp 5) và cháu bé (lớp 2) tự đưa đón nhau đi học.

Hôm đó cô chị lớn mải chơi với bạn nên không đón em, những tưởng em tự mình về nhà được nhưng cho tới hơn 6h tối vẫn chưa thấy em về mới cuống lên ra chỗ bán hàng bảo mẹ.

Cả nhà nháo nhác đi tìm. Đến trường thì vắng tanh vắng ngắt, đến nhà bạn học của con thì các cháu nói không biết. Anh chị định đi báo công an nhưng lại rẽ vào nhà cô giáo chủ nhiệm của con trước. Lúc này cô giáo mới chợt nhớ ra là do Thảo (con gái út của anh chị) nói chuyện trong giờ toán nên cô phạt em ra ôm… gốc cây ngoài sân trường. Cả ba tất tả đến trường khi trời đã nhá nhem tối.

Không thể tin nổi vào mắt mình, anh chị thấy con mình đang gục đầu vào cây phượng trong sân trường và hai tay vẫn không quên… ôm gốc phượng dù khi đó em bị phạt đã gần 4 tiếng (từ 3h chiều cho đến gần 7h tối). Khi hỏi tại sao các bạn về hết rồi mà không về thì cháu mếu máo trả lời: “Cô bảo ra ôm gốc cây đến khi nào cô cho phép mới được về chỗ”. Nhưng cô giáo nhiều việc quá đã quên mất và Thảo thì cứ “thật thà” ôm gốc cây cho đến tận tối.

Bác bảo vệ khi đó cũng ra góp chuyện: “Tôi thấy cháu cứ ôm gốc cây như vậy thì bảo cháu vào phòng mà ngồi nhưng cháu nhất định không chịu. Do mới đến làm được mấy hôm nên cũng không biết nhà cháu ở đâu và học lớp nào nên không biết làm thế nào để liên lạc với anh chị”.

Để mỗi ngày đến trường với bé là một ngày vui
Cháu Hoàng Anh dù được chuyển trường nhưng một thời gian cứ nói đến đi lớp là hoảng hốt chạy trốn. Mất rất nhiều thời gian cùng với sự phối hợp nhiệt tình của các cô giáo trường mới thì gia đình chị Hà mới có thể giúp Hoàng Anh tự tin đến trường. Trẻ con vốn nhanh quên nhưng Hoàng Anh thì vẫn chưa quên được những hình phạt mà bé bị áp dụng khi còn học trường H.S. Đối với bé, hình ảnh ngôi trường và cô giáo như mẹ hiền đã không còn vẹn nguyên như trước.

Thảo thì được một trận ốm đến cả tuần sau vụ ôm cây đợi… cô giáo nhớ đời đó. Em bỏ được tật nói chuyện trong lớp nhưng cũng từ đó không còn hiếu động và tinh nghịch như trước nữa.

Hình phạt khi trẻ mắc lỗi là cần thiết bởi có phạt thì trẻ mới biết và hiểu được sai lầm của mình để lần sau không tái phạm. Nhưng những hình phạt như dùng đòn roi hay những cách như các cô giáo ở trên áp dụng thì không những không đem lại hiệu quả tích cực mà còn khiến các bé chịu những thương tổn tinh thần không đáng có. Nhiều bé khi phải chịu những hình phạt ở lớp đã thấy việc đi học trở thành một gánh nặng và tìm cách lẩn tránh. Tình trạng trốn học, bỏ học cũng từ đây mà ra.

Xin được kết bài với lời khuyên của cô Nguyễn Thanh Lan (Khoa Giáo dục Mầm non, trường CĐSPTW): “Trẻ con rất nhạy cảm nên hình phạt đối với các bé chỉ nên mang tính răn đe. Khi phạt các cháu thì nên để các bé chịu phạt trước mặt mình. Khi đó, cho dù cô có bận rộn nhiều việc thì cũng không thể quên tha phạt các cháu”.

Để mỗi ngày đến trường với trẻ là một ngày vui thì thiết nghĩ các cô giáo không chỉ cần có tình yêu với các cháu mà còn cần rất nhiều kĩ năng trong đó có kĩ năng phạt trẻ thế nào cho đúng.

Theo Giadinh.net
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 8 trẻ sơ sinh phải cấp cứu sau khi chích ngừa (19/8)
 Đội mũ bảo hiểm không hại xương trẻ em (19/8)
 Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế: Tựu trường sớm (19/8)
 Phim hoạt hình Việt - xem mà lo (18/8)
 Học sinh Cung thiếu nhi Hà Nội vẽ tranh hưởng ứng "Con đường gốm sứ" (18/8)
 Năm học 2008-2009: Nỗ lực tìm chỗ học cho trẻ nhập cư (18/8)
 UNICEF: Việt Nam mất cân bằng trong chăm sóc trẻ em (18/8)
 Cha mẹ chủ quan, con xuất huyết tiêu hóa nặng (18/8)
 Hội chợ triển lãm sách – thiết bị giáo dục (16/8)
 Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết: Trường học cần cảnh giác (16/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i