|
Nụ cười của con thật rạng rỡ. |
Thấy sợ khi cô y tá bơm thuốc tê vào răng, con dùng tay bịt miệng lại và bắt đầu kêu khóc, nịnh nọt thế nào cũng không cho động vào. Nước mắt bắt đầu chan hoà.
Cái răng lung lay mấy ngày nay vẫn làm ảnh hưởng rất lớn đến chuyện ăn uống của Chị. Thế nên mẹ quyết định sẽ đưa Chị đi thanh toán cái răng đó cho nhanh. Chị đồng ý nhưng với một điều kiện, phải có mẹ Huyền đi cùng. Ok, chuyện nhỏ.
Mẹ đã tham khảo ý kiến của rất nhiều người và tìm hiểu rất kỹ rồi quyết định đến một phòng khám thật sự tốt nhằm mang đến cho chị ấn tượng lần đầu tiên thật đẹp, để những lần sau sẽ là tự nguyện. Nhưng rồi không thực hiện được vì phòng khám đó quá xa, mà mẹ Huyền hôm nay lại không có nhiều thời gian. Và cũng thêm mấy người giàu kinh nghiệm nói rằng có gì đâu, thay răng là chuyện đơn giản nhất, ở đâu mà chẳng được. Vậy là mẹ đành phải đưa Chị đến một phòng khám gần trường Chị.
Phòng khám theo cảm nhận ban đầu của mẹ khi vừa bước vào là đầy đủ trang thiết bị, sạch sẽ, có vẻ cũng ổn khi thấp thoáng vài bệnh nhân đang khám có, đang đợi có. Thành ra, mẹ cũng hơi yên tâm. Mất 20 phút chờ đến lượt mình, Chị vui vẻ và tung tăng lắm, nhìn ngắm khắp nơi, chẳng có biểu hiện gì là sợ sệt. Mẹ và mẹ Huyền vẫn liên tục động viên và chỉ cho chị thấy chẳng có gì phải sợ khi mà những người trước đó cứ tự nhiên lên khám rồi lại nhanh chóng xuống, chẳng một lời kêu la. Nên khi đến lượt, Chị tự leo lên ghế rất nhanh, nằm ngay ngắn và tự há miệng ra cho cô khám.
Cô y tá dùng đèn rọi vào miệng, lay nhẹ chiếc răng ốm yếu. Sau đó, cô với tay dùng mấy thiết bị nhọn đầu chọc chọc vào chiếc răng. Lúc ấy, mẹ mới giật mình rằng, hình như các cô ấy vừa dùng cho mấy người trước mà chưa khử trùng lại. Khiếp quá, mẹ liền bảo :
- Thôi em ạ, đừng chọc nữa, em xem có nhổ được thì nhổ luôn cho cháu đi thôi.
Lúc ấy, các cô mới mở tủ lấy ra mấy cái thiết bị vẫn nằm trong hộp. Tạm yên tâm một chút, mắt mẹ vẫn không rời khỏi mấy cái que chọc chọc để trên bàn, như chỉ sợ lơ đễnh đi một tí là họ lại dùng nó chọc vào miệng Chị luôn.
Chị thấy sợ khi cô ấy bơm thuốc tê vào răng. Thuốc tê có vị hơi cay cay đăng đắng, nên Chị dùng tay bịt miệng lại và bắt đầu kêu khóc. Cả mẹ, mẹ Huyền và mấy người nữa nịnh nọt thế nào Chị cũng không cho động vào miệng nữa. Chẳng nhẽ lại bỏ cuộc, mẹ bảo 2 cô y tá:
- Thôi, đằng nào cũng phải nhổ, em cứ nhổ đi cho chị. Khi không thấy đau thì từ đó con chị mới không biết sợ. Để chị giữ tay hộ.
Mẹ quyết tâm và nói thế, chứ khi giữ chặt tay con rồi, mẹ lại cúi mặt xuống đất không dám nhìn vào mặt con.
Con gào khóc ghê lắm, nhưng đúng là chỉ trong tích tắc cái răng đã rời ra. Lúc đấy, mẹ mới thật sự hoảng. Máu chảy nhiều ghê lắm. Con lại cứ há miệng ra khóc ầm ĩ, không chịu ngậm miệng lại để giữ chặt cái bông gòn. Xót ruột, mẹ cứ cuống lên thay hết cái này đến cái khác, chẳng nhớ là đến cái thứ bao nhiêu thì con mới chịu ngậm chặt hai hàm răng lại nữa.
Tự nhiên, lúc ấy mẹ thấy hối hận kinh khủng. Mẹ Huyền thì bế con trong khi vẫn còn run. Còn mẹ lại rối bời với bao nhiêu suy nghĩ, rằng lẽ ra chưa nên nhổ cái răng đó đi, rằng lẽ ra không nên đến cái phòng khám này, rằng mất nhiều máu thế thì hại người lắm, rằng nhổ răng mà ra nhiều máu thế thì có ảnh hưởng gì đến thần kinh không...
Cứ thần ra một lúc, mẹ mới lại chợt nhớ: Cái răng đâu? Hỏi cô y tá phụ, cô ấy tỉnh bở trả lời :
- Em vất vào thùng rác rồi ạ.
Mẹ lao đến thùng rác, mở ra thấy đầy ắp là bông băng, găng tay và cả máu me nữa... Chẳng còn nghĩ đến sợ. Chẳng còn nghĩ đến bẩn. Mẹ lục tung thùng rác lên để tìm cái răng bé bỏng thân thiết ấy. Hì hụi một lúc mà chẳng thấy. Đang điên, định quay lại nói mấy câu với cô y tá đó thì lại nghe chính cô ta nói thêm một câu:
- Chị tìm làm gì ạ, chẳng tìm thấy được đâu.
Điên thêm. Điên đến độ chẳng thèm nói gì nữa. Cô ta hỏi thế đủ biết chẳng hiểu gì. Mẹ vẫn chúi mặt vào cái thùng rác đen ngòm, cần mẫn tìm, thậm chí còn cẩn thận xé cả những lọn bông lẫn máu với hy vọng chiếc răng đó nằm cuộn tròn ở giữa. Một cô y tá khác trách cô kia mấy câu và lấy cho mẹ một chiếc găng tay cao su:
- Chị đi cái này vào mà tìm.
Mẹ tìm thấy mấy chiếc răng, mừng rỡ nhưng rồi tiu nghỉu vì khi giơ lên, nó lại không phải chiếc mà mẹ đang tìm.
Bất kể việc gì, nếu mình làm với cả tấm lòng và niềm hy vọng thì chẳng bao giờ thất bại. Chắc chắn là thế. Và mẹ đã tìm thấy. Ôi chiếc răng nhỏ bé. Mẹ reo ầm lên như cái ngày phát hiện ra chiếc răng đầu tiên của con khi 6 tháng tuổi. Cọ rửa cho thật sạch. Bọc lại trong một nắm bông trắng muốt. Thêm một vật kỷ niệm đáng nhớ nữa trong bộ sưu tập của Chị mà mẹ đã cất giữ rất cẩn thận cho tương lai. Mẹ cứ hăng say làm mọi việc, trước bao con mắt ngạc nhiên và tò mò, cứ như thể việc này chưa từng diễn ra tại phòng khám này lần nào vậy.
Không còn chảy bị máu nữa. Nhưng hình như Chị có cảm giác chống chếnh lắm ở đầu lưỡi và cả ở đôi môi. Phải thôi, có dễ dàng gì đâu sau mỗi cuộc chia ly, đặc biệt là những cuộc chia ly màu đỏ như thế này. Cái lưỡi Chị từ đó cứ liên tục tìm kiếm, đôi môi Chị cũng cứ mím chặt như muốn tự dối lòng sẽ có thể lấp đầy cái khoảng trống ấy. Lúc này, Chị mới thấy vai trò của người bạn nhỏ ấy quan trọng đến mức nào. Vắng bạn ấy, nụ cười của Chị thiếu tự tin đi nhiều, nó vẫn tươi nhưng không sáng bừng như cũ.
Vắng bạn ấy, Chị nghĩ rằng "đánh răng để làm gì, có còn răng đâu mà đánh". Vắng bạn ấy, những miếng thức ăn cứ méo xẹo đi trong miệng Chị. Và hơn ai hết, Chị hiểu rất rõ sự hy sinh cao cả của bạn ấy "là để lấy chỗ cho một chiếc răng khác trắng và đẹp hơn đấy chứ" mỗi khi ai đó hỏi "nhổ cái răng xấu xí đi rồi à?".
Chắc là sẽ khó khăn lắm để có thể quên được nhau.
Nhím và Sóc's blog
Theo VnExpress