“Cứ hè đến là cháu phải ở nhà một mình, hoặc sang ông bà ngoại cả ngày, chẳng được đi đâu vì bố mẹ bận việc. Cháu chán lắm. Cháu thích đi học, gặp các bạn vui hơn”, Hải Ninh - học sinh trường phổ thông cơ sở Đông Đô, Hà Nội, tâm sự̣.
Tình cảnh có nghỉ hè mà như không của Hải Ninh là chuyện phổ biến với hầu hết trẻ em thành thị ngày nay. Thiếu không gian chơi, các em thực sự bị "nhốt" trong nhà và cách ly với bạn bè, với những trò chơi vận động.
"Tôi nhớ ngày nhỏ, cứ hè đến là cả tụi trẻ trong làng đi đổ dế, bắt ve, hái hoa phượng, bắn bi, tập đi xe đạp, nhảy lò cò, chơi ô ăn quan, trốn tìm, đi ăn chực nhà hàng xóm, bêu nắng, hái trộm quả..., lúc nào cũng vui vẻ, háo hức, không thiệt thòi như trẻ con bây giờ", Nguyễn Ngọc Bảo - sinh viên ĐH Bách Khoa - nhớ lại.
Thực sự thì những trò chơi mà Bảo kể trên quả là hiếm thấy ở trẻ con thành phố ngày nay. Nhiều ông bố bà mẹ khi được hỏi về ngày hè của con cái than phiền rằng 2 tháng hè chính là khoảng thời gian họ lo lắng nhất cho con cái. Thà bọn trẻ cứ đi học suốt có lẽ sẽ tốt hơn. Bởi vì họ bận đi làm cả ngày, cả tuần, không gửi được ai cũng không đủ tiền thuê người chăm sóc. Cho nên không ít bậc phụ huynh chọn cách cho con em mình đi học thêm càng sớm càng tốt.
Chính vì thế, khi được hỏi thích mùa hè của mình sẽ như thế nào, Dũng - học sinh lớp 7 trường PTCS Dịch Vọng - thần người bảo: "Em cũng không biết nữa. Mùa hè nào em cũng đi học thêm ngay khi kỳ học chính khóa kết thúc vài ngày. Nếu không đi học thì em cũng chẳng biết làm gì nữa. Đi chơi em cũng chẳng biết đi đâu, vả lại chẳng có ai đưa đi”.
Nhiều em cùng lứa tuổi của Dũng, khi được hỏi về mùa hè của mình, thì đều có câu trả lời giống nhau là chẳng có gì đặc biệt và ... rất chán.
Không như Dũng, không phải đi học thêm cũng không bị áp lực học tập, hai anh em Ngọc và Tùng (tại Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy) lại có một mùa hè hoàn toàn khác.
Bố mẹ làm nghề tự do, đi hết cả ngày chẳng có thời gian đôn đốc, nhắc nhở. Vì thế, chẳng cứ gì hè, ngay cả trong năm học, hai anh em ngày nào cũng la cà tại các quán điện tử, chơi hết tiền thì đứng xem. Nếu không thì tụ tập cùng nhóm bạn lang thang ngoài đường. Hậu quả là không ít lần hai anh em ăn trộm tiền của gia đình để chơi điện tử. Đó là chưa kể việc mới có 15 -16 tuổi mà hai cậu bé đã đua đòi hút thuốc lá. Và vì thế mùa hè của Ngọc và Tùng là la cà, tụ tập ngoài đường với không ít nguy cơ xấu rình rập.
Theo bà Nguyễn Hà Thành, Thạc sỹ tâm lý học - Đường dây tư vấn trẻ em và gia đình CPEC - Tổng đài 1088, tổ chức cho con mùa hè vui vẻ bổ ích là trách nhiệm và cũng là niềm vui của cha mẹ. Hãy thảo luận cùng con để đưa ra các các hoạt động hợp lý. Tìm những địa điểm du lịch mà cả nhà cùng thấy thú vị ở bên nhau, đưa con về quê thăm ông bà cô bác, đến những cánh đồng lúa vùng ngoại ô để tìm hiểu về hành trình của những hạt gạo trắng, đến vườn bách thú để biết rằng thế giới động vật thật phong phú và hấp dẫn, cho con học một lớp võ thuật hay đến câu lạc bộ những người thích đùa... Tất cả các hoạt động ấy đều có thể tạo nên một mùa hè tuyệt vời.
Cũng theo bà Thành, hè là thời gian để các em được khám phá và trải nghiệm những điều thú vị của cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, nhiều bậc phụ huynh chỉ đơn thuần nghĩ rằng hè là thời điểm các con không cần phải học, chỉ cần tầm bổ và vui chơi chủ yếu với tivi, máy tính. Cha mẹ nhiều khi chỉ kiểm soát con theo kiểu có mặt ở nhà là yên tâm rồi.
Trường hợp của Nguyễn Khánh (16 tuổi - cựu học sinh trường Yên Hòa) là một ví dụ. Cũng ham mê chơi game như hai anh em Tùng - Ngọc nhưng Khánh lại là tay cầy game tại nhà. Ngoài 9, 10 tiếng dành cho việc ngủ nghỉ, ăn uống thì toàn bộ thời gian còn lại Khánh ngồi dán mắt vào máy vi tính. Nhiều lúc ham mê quá, quên cả ăn trưa, hoặc có khi ăn ngay tại bàn vi tính.
Bà Nguyễn Thị Thảo, mẹ Khánh, cho rằng: “Thôi thì nó không đi đâu quậy phá, đua đòi với bạn bè là tốt rồi. Nó lớn rồi, bảo cũng chẳng được mà bác cũng không có thời gian đưa nó đi chơi. Thôi thì nó thích gì thì cho nó làm”.
Theo bà Thành "chính các em cũng cần chủ động lên kế hoạch cho một mùa hè bổ ích”. Các em có thể cân nhắc xem mình đang muốn có thêm điều gì, cần mấy ngày để chuẩn bị sách vở, cần bao nhiêu buổi một tuần để có thể tham gia lớp học vẽ, thời trang, mùa hè này nhất định mình phải đọc hết mấy quyển sách mà ông nội cứ khen suốt....? Nếu các em tự lên được kế hoạch vào mùa hè của mình, thì chắc chắn, khi vào năm học mới, gặp lại bạn bè sẽ có cả một kho chuyện để kể với những trải nghiệm đáng giá. Và chắc hẳn cũng không ai phải tiếc và thốt lên, chết rồi, hết hè rồi mà mình chả làm được gì.
Theo Web Trẻ Thơ