Xã hội
   Mai con vào lớp 1
 
Anh bạn tôi, thèm có thêm cô con gái tuổi Tý lắm rồi, thế mà chị vợ vẫn kiên quyết… hoãn đẻ. "Hợp mệnh hợp tuổi gì thì không biết, nhưng năm nay cậu con trai vào lớp 1, lo lắm…"

Ơ, vào lớp 1 thì có gì mà lo nhỉ? Cứ đúng tuyến mà vào trường thôi…Nghe chồng nói, chị vợ chỉ chép miệng: "Đàn ông thế đấy, chẳng biết nghĩ xâu nghĩ xa gì. Đã đành là đúng tuyến, là vào trường gần nhà theo hộ khẩu, nhưng mà vào lớp nào? Chọn cô giáo nào để gửi gắm con thì yên tâm? Lớp 1 là năm học đầu đời, quan trọng lắm đấy chứ!"

Chọn lớp hay chọn cô
Lớp 1, những nét chữ đầu tiên, những phép tính đầu tiên, là cái nếp học, là tính kỷ luật, tinh thần tự giác…và hơn cả, là sự ham thích. Nếu ngay trong ngày đầu tiên đến lớp, trẻ thấy ghét học, sợ cô, thì những ngày đến trường sẽ là một áp lực nặng nề với trẻ, cảm giác không thích học sẽ còn theo mãi sau này. Và nếu người giáo viên đầu tiên ( không hiểu sao dạy lớp 1 đa phần là cô giáo nhỉ?) chỉ cần dạy sai một nét bút, quên không rèn một đức tính cẩn thận, cần cù… thì sau này các giáo viên khác có muốn sửa chữa cũng rất khó khăn.

Con vào lớp một học trường nào? đang là mỗi quan tâm của nhiều phụ huynh - Ảnh minh họa

Cô giáo quan trọng thế, nhưng lớp học nào cũng là một vấn đề. Thời bây giờ, những chữ cái A, B, C đứng đằng sau tên lớp không chỉ đơn thuần dùng để phân biệt lớp nọ với lớp kia, mà còn ngầm ám chỉ lớp chuyên, lớp chọn, lớp con em giáo viên, lớp COCC ( con ông cháu cha)… Nên chọn vào lớp toàn những học sinh giỏi để con mình " gần đèn thì rạng" hay là xin sang lớp trung bình thôi để trẻ có thể có được niềm vui lọt vào tóp nọ tóp kia…? Tất cả những điều này đủ làm một bà mẹ có con " năm nay vào lớp 1" phải… ngơ ngơ ngẩn ngẩn mà suy tính.

Chọn mặt gửi "vàng"
Chị Thanh Hương ( Ngân hàng Đông Á) kể, cứ đến giờ ăn trưa là mấy chị em có con năm nay vào lớp 1 lại túm tụm nhau ra một góc để bàn bạc, tính toán. Con gái chị Hương, theo đúng tuyến, vào lớp 1 của trường tiểu học N. Chẳng biết ông ngoại ở nhà dẫn cháu ra làm thủ tục thế nào mà cô bé được xếp luôn vào lớp A. Ban đầu, cả nhà mừng lắm, gì thì gì, nghe nói con học lớp 1A cũng oai hơn, hơn nữa nhà trường cũng khẳng định lớp A là lớp chọn, cả về cơ sở vật chất lẫn chương trình học, giáo viên… đều được đầu tư nhiều hơn.

Thế nhưng, mấy ngày sau, chị Hương tình cờ biết được có đến 90% học sinh lớp 1A này là con các "sếp". Nào là con gái anh trưởng công an quận, nào là cháu gọi chủ tịch quận bằng bác ruột, nào là cháu ngoại của một vị uỷ viên bộ chính trị… Chị Hương đâm băn khoăn. "Có thể, các cháu nhờ vậy mà được quan tâm, chăm chút hơn, nhưng hoàn cảnh nhà mình không bằng nhà người ta, liệu con mình có tủi? Liệu với các vị phụ huynh như vậy thì cô giáo có dám nghiêm khắc rèn giũa học sinh? Liệu các cháu có ỷ thế mà trở nên kiêu căng, ngang bướng?"

Chị Nhung (Công ty in Tạp chí Cộng sản) thì kể lại chuyện gia đình mình "mâu thuẫn nội bộ" vì chuyện con trai chị năm ngoái vào lớp 1. Anh chị vốn nghĩ "chạy chọt một tý, xin cho con vào lớp chọn, để con học hành cố gắng ngay từ đầu, mà lớp chọn thì nhà trường cũng quan tâm hơn". Nhưng ông bà nội ở nhà thì nghĩ khác. Nhân ngày anh chị đi làm, ông bà dắt cháu đến trường, ghi tên cho cậu cháu đích tôn vào lớp 1C, với lý do "cô giáo dạy phân công lớp này là người tình cảm, có trách nhiệm, nổi tiếng là người rèn tính kỷ luật rất nghiêm…" Bố mẹ con cái vì thế mà cũng "lủng củng" với nhau mất mấy hôm.

Chọn trường, chọn lớp, hay chọn….cô giáo?
Đến bây giờ, khi cậu con trai đã qua năm học đầu tiên, chị Nhung mới công nhận quyết định của "các cụ" là sáng suốt. "Thực ra, mẹ mình vốn là giáo viên cho nên cụ hiểu rõ đối với trẻ tiểu học, quan trọng nhất là một giáo viên tốt. Trẻ còn nhỏ, mới làm quen với việc học, nên tất cả những ưu tiên về cơ sở vật chất, chương trình học…đều không thật cần thiết. Điều cần thiết nhất là một cô giáo có thể đưa trẻ từ thói quen "chơi cả ngày" đến với thói quen "học cả ngày" mà không khiến trẻ sợ hãi, mệt mỏi… Cá nhân tôi còn coi trọng một vấn đề nữa, đó là một cô giáo dạy lớp 1 tốt phải là người có thể dạy cho con bạn viết chữ đẹp. Nét chữ nết người mà, nếu ngay từ ban đầu trẻ học viết chữ không đúng cách, không đúng nét, sau này tập lại sẽ rất khó khăn…"

Trường điểm : Thấy mà lo
Suy cho cùng, yếu tố con người bao giờ cũng là quan trọng nhất. Gửi con cho một cô giáo giỏi, bạn có thể yên tâm nhiều điều. Bên cạnh đó, môi trường học tập của con cũng rất quan trọng. Bạn bè cùng lớp, cùng trường chưa chắc đã gây ảnh hưởng gì đến lực học của con bạn, nhưng chắc chắn có ảnh hưởng đến tính cách, quan điểm của trẻ. Trường hợp con gái chị Minh (Công ty bất động sản Hoàng Anh) là một ví dụ. Theo học võ lòng cô giáo Phượng từ khi lên 5 tuổi, thấy con gái quý mến cô giáo, lại còn ngoan ngoãn hiều biết hẳn từ khi theo học cô, chị Minh quyết định cho con gái "theo cô giáo" vào học trường tiểu học T., dù học phí ở trường này tương đương với một tháng lương của một nhân viên văn phòng hạng trung. Trải qua mấy vòng sơ tuyển, sát hạch, cuối cùng cô bé cũng vào được trường, học đúng lớp cô giáo Phượn. Kể từ đó đến nay, chị Minh mắc bệnh… sợ đi đón con. "Trên đường từ trường về nhà, con bé cứ ca cẩm về chuyện nhà tôi chưa có ôtô, trong khi các bạn trong lớp nó đều được ba mẹ đưa đón ôtô tới trường. Con bé có thể chỉ và phân biệt vanh vách các loại xe hơi đời mớí, từ Mercedes đến Chevolét…Rồi trong việc mua quần áo, chọn món ăn… con bé cũng bắt đầu thể hiện thói quen coi trọng vật chất một cách rõ rệt so với tuổi của nó. Tôi thực sự lo lắng".

Cùng chung nỗi lo này là một người mẹ khác cũng có con học "trường điểm", và đang có ý định xin chuyển cho con bé về "trường làng". Chị Hải Anh (Phan Đình Phùng, Hà Nội) kể: "Một hôm đi đón con, tôi quan sát một nhóm trẻ đúng trước cổng trường chờ bố mẹ đến đón. Con tôi chỉ tôi và nói, mẹ tớ đến đón rồi, mẹ tớ lái xe Innova. Một bé khác vênh mặt: Tưởng gì, bố tớ sắp lái xe Mercedes 500 đến đấy. Và một cô bé khác kết luận: Ôtô nhà các cậu bình thường, lại còn bố mẹ các cậu phải tự lái. Nhà tớ có 2 ôtô và 2 tài xế cơ… Đến đây thì tôi thật sự … choáng. Tôi đâm ra so sánh con mình với con cô em gái, đang học lớp 1 ở một trường tiểu học nhỏ trong làng hoa Phú Thượng. Một đứa trẻ sớm già trước tuổi, và một đứa thì hồn nhiên ngây thơ, mỗi chiều về nhà thì lại ríu rít kể chuyện cô giáo… Hoá ra, những điều cha mẹ cho là tốt thì chưa chắc đã tốt cho trẻ con, và ngược lại".

Theo Netlife
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đường đến trường còn gian nan (9/8)
 Học phí không vượt quá 6% mức thu nhập bình quân của hộ gia đình (9/8)
 Đi làm hay ở nhà trông con? (9/8)
 Cần giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 (9/8)
 Các nhà sư phạm và tâm lý ở Pháp thảo luận: Lợi và hại của truyền hình cho tuổi mẫu giáo (9/8)
 Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng phù do sữa trôi nổi (7/8)
 Những đứa trẻ xóm Lò Gạch (7/8)
 Bất bình đẳng trong các dịch vụ chăm sóc trẻ em (7/8)
 "Đột nhập" nhà máy sản xuất sữa rởm (7/8)
 Dịch tiêu chảy cấp lại 'vào mùa' (6/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i