|
Hàng loạt trường học ở Minh Hóa đang xây dựng dở dang , còn nhà thầu thì bỏ chạy |
Tiếng trống khai trường năm học mới chỉ còn một tháng, song hiện hàng ngàn học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh ở huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình đang hết sức lo lắng bởi hàng chục trường học trên địa bàn xây dựng dở dang đang bị bỏ quên. Hiện các nhà thầu thi công các trường học đang đánh "bài chuồn", và biển hiệu các công ty cũng được dỡ bỏ một cách vội vã.
Học trong nhà lá, còn trường xây để thi gan cùng mưa nắng
Minh Hóa là huyện miền núi thuộc vào tốp khó khăn nhất cả nước. Chính vì vậy để có trường, mở lớp cho học trò nơi đây là cả một sự vượt khó của chính quyền địa phương.
Nhiều lần đến với học trò nơi đây, chúng tôi đã mang tâm trạng đầy xúc động khi chứng kiến cảnh các em ngồi trong những lớp học trống huơ, trống hoác. Mặc cho thiên nhiên đầy gió chướng, giáo viên và học sinh vẫn bám trường bám lớp.
Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp cho các em. Nhiệm vụ chính trị đó đã được các cấp lãnh đạo ở Quảng Bình quán triệt từ đầu năm 2007. Từ đó rất nhiều nguồn vốn đầu tư kiên cố trường học được triển khai ở Minh Hóa. Hàng chục ngôi trường lẽ ra được đưa vào sử dụng trong năm học 2007.
Thế nhưng, một số ở một số địa phương đơn vị thi công đã không hẹn ngày trở lại, còn chủ đầu tư là UBND các xã thì lao đao vì không biết tìm chủ thầu ở đâu, còn học sinh vẫn phải học trong những ngôi nhà tạm bợ và rách nát.
Chủ thầu bỏ trốn?
Công trình Trường Tiểu học Liêm Hóa có tổng giá trị hợp đồng phần xây lắp hơn 622 triệu đồng với quy mô 2 tầng gồm 6 phòng học, được khởi công xây dựng ngày 20/9/2007 và dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2007.
Công trình này do Công ty TNHH đầu tư và xây dựng PL (Công ty PL), có trụ sở đóng tại tiểu khu 5, thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa thi công và ông Đinh Ô Phăng làm Giám đốc Công ty PL.
Sau khi xây xong phần thô, tô trát của tầng 1, Công ty PL đã rút quân và bỏ mặc công trình phơi mưa nắng. Lãnh đạo xã đã liên tục yêu cầu Công ty PL quay lại thực hiện nốt phần còn lại của công trình, nhưng ông Phăng vẫn bặt vô âm tín.
Trên sân Trường Tiểu học Liêm Hóa ngổn ngang cát sạn, gạch đá, vôi vữa, rêu phong và ẩm mốc đã bám trụ khắp tường. Bên cạnh đó, nhà trường phải thưng ván một dãy nhà cấp 4 tạm bợ để các em học sinh có chỗ học trong thời gian đợi... trường mới.
Học sinh vẫn phải học trong những lớp học tạm bợ (Ảnh: D.S.L.).
Được biết, Liêm Hoá là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Trung Hoá. Ngày khởi công trường mới, giáo viên, phụ huynh và học sinh nơi đây đã giong cờ mở trống như ngày hội lớn, nhưng nay vì chờ đợi quá lâu nên nỗi thất vọng đang trùm lên sự học nơi đây.
Trong quá trình điều tra, chúng tôi được biết: Trước khi nhận xây dựng Trường Tiểu học Liêm Hóa, Công ty PL cũng đã ký kết hợp đồng với UBND xã Yên Hóa để xây dựng trường tiểu học tại thôn Tân Kiều với tổng giá trị phần xây lắp hơn 614 triệu đồng, có quy mô 2 tầng với 6 phòng học.
Theo hợp đồng, Công ty PL phải hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư (UBND xã Yên Hoá) vào ngày 28/12/2007. Tuy nhiên, giống như số phận của Trường Tiểu học Liêm Hóa, công trình Trường Tiểu học Tân Kiều cũng bị đơn vị thi công bỏ rơi trong tình trạng dở dang.
Không chỉ các công trình do Công ty PL thi công mới có hiện tượng trên, hiện tại UBND xã Tân Hóa cũng trong tình trạng dở khóc, dở cười vì hai công trình Trường Tiểu học Tân Hóa và Trường Mầm non Cổ Liêm do Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Quy Đạt (Công ty Quy Đạt) trúng thầu và... ngừng thi công. Được biết Công ty Quy Đạt do ông Nguyễn Văn Hùng làm giám đốc, có trụ sở đóng tại tiểu khu 8, thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa.
Ông Trần Hữu Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện có 20 công trình xây dựng trường, lớp học. Nhưng hiện tại chỉ có 9 công trình đã được đơn vị thi công bàn giao cho chủ đầu tư, còn lại hầu hết công trình đều xây dựng chậm tiến độ.
Cũng theo ông Diện: Chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước việc công trình chậm tiến độ và việc giải ngân cho công trình. Tuy nhiên, theo chúng tôi sở dĩ xảy ra hiện tượng các nhà thầu bỏ công trình là do chủ đầu tư còn thiếu và yếu trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, rà soát và áp dụng những điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng xây dựng đối với đơn vị thi công; chưa tiến hành các biện pháp thật kiên quyết, đồng thời tích cực xử lý nghiêm những đơn vị thi công chậm tiến độ
Theo cand.com.vn