Con bạn đã đến tuổi vào học mẫu giáo hay tiểu học. Điều hiển nhiên là bạn sẽ phải tìm một ngôi trường phù hợp với điều kiện gia đình để con bạn có thể có môi trường học tập tốt nhất. Nhưng xung quanh việc xin học cho con cũng xảy ra nhiều chuyện khóc cười. Dưới đây là những câu chuyện thật mà phóng viên chúng tôi được trực tiếp nghe kể từ các khổ chủ (tên các nhân vật đã được đổi).
Xin học cho con từ lúc mới… lọt lòng
Trước khi sinh cu Tít, anh chị Minh - Lan đã có một cô con gái 6 tuổi tên gọi ở nhà là Mít. Khi Mít vào mẫu giáo, do không có quen biết và cũng không có nhiều thông tin nên anh chị đã không thể xin cho con vào học một trường công nổi tiếng ở gần nhà. Rút kinh nghiệm từ cô chị, cậu em đã được bố mẹ hoạch định “chiến lược” xin học mẫu giáo ngay từ khi mới… mấy tháng tuổi.
Vị phụ huynh nào cũng mong muốn được gửi gắm con mình ở những trường có tiếng
Nhờ người bạn giới thiệu, chị Lan đã làm quen được với một cô giáo là phó hiệu trưởng trường mầm non công lập nổi tiếng của quận. Nhắm sẵn sẽ cho cu Tít học tại trường này nên chị Lan không ngần ngại đầu tư vào “cơ sở ban đầu” là cô giáo hiệu phó. Khi thì “em mới về quê ngoại chơi có tí cây nhà lá vườn mang biếu chị”. Lúc lại “bạn em mới đi nước ngoài về mua được lọ nước hoa có mùi thơm lạ lắm, em mang cho chị dùng thử”.
Ngày lễ, ngày tết, 20/11, 8/3… chị đều đến nhà “cô giáo tương lai” của cu Tít để biếu xén quà cáp. Chi không tiếc tiền, chị chỉ mong mỏi con mình sẽ có một suất tại ngôi trường danh giá đó khi cháu đủ tuổi… vào học mẫu giáo. Chị cho biết thêm người bạn cùng cơ quan với chị khi xin học cho con cũng vào chính ngôi trường đó đã phải mất tới vài “vé” mà cũng phải chạy chọt giấy tờ khổ cực mới được. Chính vì vậy, chị Lan coi những khoản biếu xén, quà cáp của mình chỉ là “vặt vãnh” so với số tiền người bạn đã bỏ ra. Chị hóm hỉnh: “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy mà!”. Chữ “yêu lấy thầy” được nhấn mạnh một cách cố ý. Không biết các cụ ngày xưa “yêu thầy” thế nào chứ “yêu” theo kiểu chị Lan thì dài hơi và tốn kém quá.
Học trường tốt mà… con vẫn hư
Gia đình anh Lê có một bé gái năm nay 4 tuổi. Anh kể: khi bé đến tuổi đi mẫu giáo, gia đình đã phải rất vất vả mới xin được cho bé Bông (tên thường gọi ở nhà của con gái anh) vào được trường Mầm non được coi là “điểm” ở khu vực. Tháng 7, trường mới tuyển sinh nhưng từ tháng 3, tháng 4, hai anh chị đã tích cực nghe ngóng thông tin và nhờ cậy những người quen có quan hệ rộng nhắm sẵn cho Bông một chỗ.
Thậm chí khi nộp hồ sơ xin học cho con gái, anh đã phải nghỉ làm và đi từ 4 giờ sáng đến cổng trường để nhận chỗ trước. Thỏa lòng mong đợi của anh chị, bé Bông tháng 8 đã được nhà trường nhận vào học. Được hơn một tháng, bé về nhà có những biểu hiện rất khác trước: hay nói trống không và hay nổi cáu. Bà ngoại ở quê lên chơi, lâu ngày bà cháu không gặp nhau nên bà hỏi Bông rất nhiều chuyện. Nào “Bông có ngoan không?”, “Bông đi học có vui không? Có nhiều bạn không?”. Lúc đầu Bông chịu khó trả lời nhưng khi bà hỏi nhiều thì bé quát: “Hỏi nhiều thế, đi ra chỗ khác chơi ngay”. Giận tím mặt, anh mắng con hỗn hào và định cho cháu một trận nhưng bà ngoại đã can thiệp kịp thời.
Khi bị cả nhà truy vấn sao học đâu kiểu hư đốn như thế thì bé mếu máo trả lời: “Ở lớp cô toàn quát các bạn vậy thôi”. Hỏi kĩ hơn, anh chị mới biết ở lớp cô còn không cho các cháu “đi nặng”, bé nào “mót” quá cũng phải “nhịn” cho đến lúc về. Thảo nào mà khi đi học về, bé Bông cũng chạy đến tìm cái bô đầu tiên. Tá hỏa tam tinh, hai vợ chồng anh đành chuyển con đi học một trường tư thục khác ngay tháng sau. Phải rất lâu, anh chị mới có thể rèn lại cho bé thói quen ăn nói thưa gửi lễ phép như trước. Bây giờ, cứ ai nhắc đến trường mầm non K là vợ chồng anh lại lè lưỡi lắc đầu.
Theo Tin Tức