Hầu hết các môn thể thao đều đem lại cho các em sức khỏe tốt và khả năng điều chỉnh cân bằng tâm lý. Các em nam nên đến với các môn võ, nhất là võ của phương Đông, như Thái cực quyền, Nhu đạo, Vovinam, Judo, Karatedo…
Những ngày hè là khoảng thời gian lý thú cho con trẻ sau chín tháng miệt mài đèn sách, nhưng cũng là nỗi lo lắng của không ít bậc cha mẹ trong việc quản lý con cái. Làm thế nào để con trẻ có được kỳ nghỉ hè lý thú, bổ ích?
Bác sỹ Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam: Mùa hè là dịp nghỉ ngơi, xả stress sau 9 tháng học tập ở trường. Theo tôi, các em học sinh nên tham gia vào các hoạt động giải trí lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục, chơi thể thao.
Hầu hết các môn thể thao đều đem lại cho các em sức khỏe tốt và khả năng điều chỉnh cân bằng tâm lý. Các em nam nên đến với các môn võ, nhất là võ của phương Đông, như Thái cực quyền, Nhu đạo, Vovinam, Judo, Karatedo… Mỗi tuần nên tập ít nhất 2 buổi, mỗi buổi từ 60 - 90 phút và nên kéo dài nhiều năm. Các học sinh nữ nên đến với thể dục nhịp điệu.
Trong mùa hè, học tập, vui chơi trong môi trường nắng nóng, mồ hôi ra nhiều làm cơ thể mất đi một lượng muối và nước đáng kể. Đề phòng trúng nắng, trúng gió các em cần uống đủ nước.
Tốt nhất các em nên hạn chế đi ra đường, đi lại quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, nên giữ cho cơ thể mát, tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi đi từ phòng có điều hòa ra ngoài. Ở trong phòng điều hòa nhiều quá cũng không tốt, bởi khi ra ngoài không thích nghi với sự thay đổi của nhiệt độ sẽ dễ bị viêm họng, sốt.
Đi chơi, đi học giữa trời nắng gắt về các em không được ngay lập tức uống nước lạnh, hoặc vào phòng điều hòa, hay ngồi ở chỗ có nhiệt độ thấp hơn so với nơi mình học tập 10oC… sẽ dễ dẫn đến bị cảm, bị viêm họng, viêm phế quản.
Lời khuyên của chúng tôi là, khi đi nắng về nên ngồi ở nơi râm mát tự nhiên, dùng quạt quạt nhẹ, uống một cốc nước nóng và để khô ráo mồ hôi mới đi tắm. Những cơn mưa bất chợt mùa hè, hay thời tiết thay đổi có rất nhiều loại bệnh mà trẻ em hay mắc, như: viêm phổi, xổ mũi, tiêu chảy… nên cha mẹ cần lưu ý đề phòng cho con em mình.
Mùa hè, cũng là dịp nhiều gia đình cho con em mình đi du lịch. Một kỳ nghỉ lên rừng, xuống biển, hay ở nơi đồng quê êm đềm, thơ mộng… sẽ không còn thoải mái và lý thú, nếu như sức khỏe của các em bị trục trặc.
Đi du lịch không có nghĩa là “đi chơi”, mà đương nhiên chuyện ăn uống là không thể thiếu. Thức ăn và nước uống là nguồn lây bệnh thường gặp cho các bệnh nhiễm khuẩn. Các loại thức ăn chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, như rau sống, nước đá, thịt tái, gỏi cá… là “kẻ thù số một” đối với những em dễ dãi trong chuyện ăn uống.
Nên trong mọi trường hợp, khi đi du lịch, thức ăn chín luôn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Các em có thể dùng Oresol để bù nước điện giải và giúp cơ thể giải độc nếu bị tiêu chảy. Oresol là loại “nước giải khát” cho những em mất nhiều mồ hôi, giúp giảm mệt mỏi một cách nhanh chóng.
Khí hậu, độ cao thường gây ra một số bệnh, như cảm nắng, cháy da, buồn nôn, khó thở (do ở trên cao không khí loãng hơn dẫn đến cơ thể bị thiếu ôxi), nên các em đi du lịch leo núi hết sức đề phòng.
Khi tắm biển, tắm trong bể bơi, các em cố gắng đừng để bị uống nước khi bơi, bởi đó có thể là “đường vào” của một số bệnh, nhất là bị tiêu chảy. Đi bơi, cần hết sức lưu ý đến những cảnh báo của những người quản lý. Nên mang theo các dụng cụ cần thiết, như phao bơi, không nên tắm một mình để tránh nguy cơ bị chết đuối.
Các em chỉ nên tắm, bơi lội khi có đủ sức khoẻ để tránh những tai nạn, như chuột rút, đột quỵ… Tránh rủi ro có thể xảy ra cho các em học sinh đi bơi, ra sông tắm, ở những hồ bơi, bến tắm ngành chức năng cần cắm các biển báo hướng dẫn cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời ngành chức năng cần tổ chức lực lượng bảo vệ, cứu nạn thường xuyên ứng trực, xử lý các tình huống”.
Bác sỹ Lê Đình Yên - Phó chủ nhiệm khoa Dưỡng sinh khí công - xoa bóp - bấm huyệt, kiêm Phó chủ nhiệm khoa Vật lý trị liệu (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam): Mùa hè là thời gian nghỉ ngơi của học sinh, các bậc cha mẹ cần biết các em có nguyện vọng gì trong kỳ nghỉ này....
Nguyện vọng của các em, tất nhiên phải phù hợp với lứa tuổi, bổ ích cho học tập, tăng kỹ năng sống cho bản thân và vui tươi, lành mạnh. Các em thật sự có được niềm vui trong vui chơi, nhưng là vui để “học tập”, chứ không phải đua đòi.
Thời tiết nắng nóng ngày hè sẽ là nguyên nhân chính gây nên một số bệnh, như viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy… cho học sinh, nhất là học sinh nhỏ tuổi. Trước hết, các bậc phụ huynh phải lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho con em, bởi nếu được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thì sức đề kháng cơ thể sẽ tăng lên đáng kể, giảm nguy cơ mắc bệnh tật.
Vào những ngày nắng nóng cơ thể thường dễ mất nước, bố mẹ nên cho con ăn những chất mát như chè đậu đen, uống nước bột sắn dây, nước chanh, cam vắt, sinh tố hoa quả; hay ăn các loại hạt đậu hầm với bí, bầu; hoặc cơm canh rau ngót với thịt xương hầm...
Protein chứa các acid amin cần thiết cho cơ thể. Vì thế nếu thực phẩm nghèo chất protein, cơ thể sẽ thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. Do đang ở giai đoạn phát triển, nên nhu cầu protein mỗi ngày của trẻ em nhiều hơn người lớn.
Bố mẹ cần cho các em ăn thực phẩm có nhiều protein, như các loại thịt (thịt gà, thịt lợn, vịt), cá, trứng, sữa, các loại đậu, lạc, vừng… Vitamin là thành phần dinh dưỡng không thể thiếu của cơ thể. Nhu cầu về vitamin ở trẻ em là rất lớn, nếu thiếu một loại vitamin nào đó, cơ thể các em sẽ có những “thông báo” khẩn, với những dấu hiệu dễ nhận biết.
Bổ sung vitamin cho các em, nên cho ăn nhiều thức ăn, như gấc, đu đủ, gan… (chứa nhiều vitamin A); uống sữa bò, ngũ cốc (chứa nhiều vitamin B); uống nước cam ép, các sinh tố hoa quả: bơ, cà chua, bưởi… (chứa nhiều vitamin C, E); ăn nhiều đạm, ăn nhiều thức ăn có nhiều vitamin D như trứng gà, dầu cá…
Những học sinh quá gầy yếu, có thể dùng bài thuốc Tiểu chiến sĩ của lương y Nguyễn Kiều (người sáng lập ra trường Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, nay là Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) gồm: Củ sả, củ cói (củ của cây cói dùng làm chiếu) và bột thịt cóc. Nếu cháu nào quá gầy thì dùng 7 phần bột thịt cóc, 3 phần củ cói và củ sả (thường tỷ lệ thịt cóc 5 - 6 phần, bột của củ cói và củ sả 4 - 5 phần).
Củ cói và củ sả sấy khô, sao vàng, tán bột rồi trộn với bột thịt cóc, mỗi lần dùng 2 thìa cà phê bột, cho hòa vào nước lọc để nguội, uống trước bữa ăn 15 phút, ngày uống 2 lần. Với các em gầy còm, yếu còn cần ăn hàng ngày những hoa quả có chất ngọt như hồng xiêm, na, bơ…
Vào hè, trẻ cũng rất dễ nổi mụn nhọt, mức độ nhẹ có thể tự khỏi, nhưng nặng thường gây đau nhức, sốt, dẫn đến lười ăn, phải chích mới thoát lưu mủ. Bố mẹ phải thường xuyên nhắc nhở các em tắm, rửa sạch sẽ.
Khuyên con em không nên nghịch cát bẩn, đất, không tự ý nặn mụn nhọt, hoặc bôi thuốc lên mụn, vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn. Lưu ý các em chơi ở những nơi thoáng mát, không chơi trên lề đường để tránh tai nạn, cũng không nên chơi ở những góc ẩm tối, sẽ dễ bị muỗi và côn trùng đốt, chích gây nhiễm bệnh.
Ngoài chế độ nghỉ ngơi thích hợp, phòng ở của các em phải bố trí sao cho thoáng mát, tránh tiếng ồn, nên trồng cây cảnh để không gian có cây xanh và hơi nước. Không cho các em nằm ở nền nhà, nằm nơi gió lùa mà dễ bị cảm.
Nếu cho con em đi chơi hè thì khuyên các em tránh nắng, ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời (nhất là thời gian từ 10 – 12 giờ). Không để các em tiếp cận những loại hình vui chơi, giải trí “khác thường” dễ dẫn đến bị suy nhược thần kinh, bị kích động, như xem phim ma, phim hành động quá lứa tuổi…
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Cty Tư vấn tâm lý gia đình An Việt Sơn (Hà Nội): Ở mỗi lứa tuổi có cách đón nhận mùa hè khác nhau. Con em các gia đình nông thôn thì phần lớn mùa hè đến không thực sự được là kỳ nghỉ như các cháu ở thành thị. Các em phải giúp đỡ bố mẹ từ việc đi chăn trâu, cắt cỏ, đến kiếm củi, chăm em…
Con em các gia đình thành thị thường là được vui chơi hè thỏa thích hơn. Nhưng thực tế, phần nhiều các bậc cha mẹ ở thành thị hiện nay thường lo tìm nơi học thêm, hoặc bố trí một chế độ ôn bài cũ, bổ túc kiến thức với chất lượng cao hơn. Do đó các em không còn nhiều thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi và rèn luyện thân thể; các buổi cắm trại, du lịch cũng bị hạn chế, hay bị thu ngắn thời gian tham gia...
Cha mẹ không nên bố trí cho con em học thêm quá nhiều lớp một lúc trong hè, làm cho các em phải gồng mình ở nhiều địa điểm. Nên có thời gian biểu hợp lý cho các em trong từng ngày, từng tuần, từng tháng trong những ngày hè.
Chủ động trong việc bố trí lịch cho con em nghỉ ngơi, tham quan du lịch. Cha mẹ nên là người cùng với con cái đưa ra những kế hoạch ôn tập, vui chơi, du lịch, hay giúp gia đình những công việc tùy theo cấp học, độ tuổi; đồng thời cũng phải thường xuyên giám sát để hạn chế những hoạt động quá mức, có hại cho sức khỏe của các em.
Các em sẽ là những con ngoan, trò giỏi nếu phụ huynh dành nhiều thời gian chăm sóc các em hơn. Các em cần được cân bằng tâm lý giữa chơi và học, giữa lòng yêu thương của gia đình và khả năng độc lập trong cuộc sống.
Gia đình rất cần tổ chức những buổi đi chơi xa nhà để các em cảm thấy thoải mái, lấy lại cân bằng sau một năm học hành miệt mài và không kém phần căng thẳng. Dịp hè, gia đình ở thành phố nên gửi con em về nhà thân tộc của mình ở nông thôn, để các em hòa mình vào thế giới thiên nhiên, mà ở đó các em có nhiều điều chưa biết. Đoàn Thanh niên, nhà trường nên tổ chức những hình thức vui chơi bổ ích, như thi đấu thể thao, tham gia bảo vệ môi trường… thu hút các em.
Chuyên gia tư vấn Lê Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Tư vấn học sinh - sinh viên (1900585868) - Đại học Sư phạm Hà Nội: Mùa hè là thời gian dành cho các em nghỉ ngơi. Việc chăm sóc các em trong những ngày hè nhằm nâng cao thể lực, bồi bổ sức khoẻ ở tuổi ăn tuổi lớn là rất quan trọng.
Các gia đình nên cho con em được đến những điểm di tích lịch sử, điểm du lịch ngay trên quê hương của mình. Một học sinh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội rất cần được bố mẹ cho đi viếng Lăng Bác, thăm Văn Miếu, làng gốm Bát Tràng, làng đào Nhật Tân… để các em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa ngay trên mảnh đất mình sinh sống, từ đó tăng thêm lòng yêu quê hương cho con em.
Bố mẹ cũng nên cho con em đi học những môn thể thao tùy theo sở trường và sở thích của các em, như bóng đá, bơi lội, nhảy hip-hop… Thời gian hè các em nhàn rỗi hơn, bố mẹ cũng nên tùy theo độ tuổi của con mà trò chuyện, giáo dục giới tính cho con. Phải cho con hiểu như thế nào là tình yêu nam nữ để lớn lên chúng đỡ bị lệch lạc. Người mẹ nên tìm cách, thời điểm phù hợp để dạy con cách giao tiếp, ứng xử, cách ăn nói, đi đứng, nhất là với con gái.
Nhưng nghỉ hè cũng được coi là thời gian chuẩn bị “hành trang” cho con bước vào năm học tiếp theo. Chính vì vậy, ngoài thời gian vui chơi cũng nên khuyên con em dành một quỹ thời gian cho việc ôn tập.
Các gia đình có thể cho con đi học hè, nhưng nên một tuần chỉ học hai buổi. Học ở đây chủ yếu là ôn tập lại bài cũ, nắm chắc kiến thức đã học. Ngoại ngữ là môn học không nên đứt đoạn, nên dịp hè các gia đình có thể cho con đi học ngoại ngữ ở các trung tâm, hoặc mời gia sư về nhà bồi dưỡng cho con mình.
Nếu con mình là học sinh giỏi, thay vì ôn tập, có thể cho các em học trước chương trình, như vậy vào năm học mới các em sẽ tiếp thu bài vở nhanh hơn. Những gia đình bận bịu không có thời gian quản lý con trong dịp hè thì tốt nhất là quản lý con bằng cách cho con đi học.
Không buông lỏng quản lý các em, nhưng bố mẹ cũng không nên “giữ” các em quá. Các gia đình nếu cho con đi học hè thì phải liền mạch, không để con em mình “nhàn”, vì nếu vậy sẽ rất dễ nhàn cư vi bất thiện.
Theo KTDT