Trò chơi máy tính (game) là cách để trẻ có thể chơi khi có thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, với tư cách là cha mẹ, bạn cần có những hướng dẫn cụ thể khi con chơi trò chơi.
Bạn có thể xác định các quy định khi chơi game và nói rõ ràng để trẻ hiểu. Bạn có thể thảo luận với trẻ về các quy định, mong đợi và hậu quả nếu trẻ vi phạm quy định và nguyên tắc bạn đặt ra trong khi chơi game. Dưới đây là một số gợi ý để giúp bạn lập ra các quy định với giờ chơi trò chơi máy tính của trẻ:
Thời gian chơi
Nếu bạn để trẻ chơi mà không hạn chế thời gian chơi, trẻ sẽ chơi suốt ngày. Bởi vậy, bạn cần xác định khoảng thời gian tốt nhất trong ngày để trẻ có thể chơi, có thể là sau khi đi học về, sau khi làm bài tập hoặc trước khi đi ngủ. Tuỳ thuộc vào thời gian biểu của mỗi gia đình, bạn có thể lựa chọn được thời gian chơi tốt nhất cho trẻ. Hơn nữa bạn cần nói trước với trẻ về thời gian chơi để tránh những mè nheo, năn nỉ không đáng có.
Điều kiện chơi
Trước khi trẻ được chơi trò chơi điện tử, tốt nhất là bạn nên yêu cầu trẻ hoàn thành xong bài tập về nhà hoặc các công việc mà trẻ cần làm. Nếu chơi trò chơi máy tính là hoạt động yêu thích của trẻ, bạn có thể sử dụng thời gian chơi làm động cơ thúc đẩy để trẻ hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Bạn không nên để trẻ bỏ bê công việc của mình. Bạn nên kiểm tra công việc của trẻ trước khi chơi để chắc chắn rằng trẻ đã hoàn thành công việc trước khi ngồi vào bàn máy tính.
Thời lượng chơi
Nói chung, thời gian ngồi trước màn hình tivi hay máy tính đều không có lợi cho trẻ, bởi vì trẻ sẽ ít thời gian chơi với bạn bè cùng trang lứa, suy nghĩ, chơi thể thao, nghe nhạc, đọc sách và tham gia các hoạt động dành cho trẻ.
Chơi trò chơi máy tính là một công việc không hoàn toàn bất lợi cho trẻ, bởi vì thông qua trò chơi cũng đòi hỏi trẻ cần suy nghĩ, ghi nhớ, tưởng tưởng, đưa ra chiến lược và sáng tạo. Trò chơi trên máy tính có thể giúp trẻ phối hợp tay và mắt tốt. Tuy nhiên bạn nên giới hạn thời lượng trẻ ngồi trước màn hình. Trẻ trên 5 tuổi có thể ngồi trước màn hình 2 giờ/ngày, hoặc 1 giờ trong mỗi ngày trong tuần và hai giờ vào các ngày cuối tuần. Tất nhiên, bạn cần nói rõ mong đợi và quy định của bạn với trẻ.
Nội dung Game phù hợp
Để biết nội dung trò chơi có phù hợp và mang tính giáo dục cho trẻ hay không, bạn có thể chơi cùng con. Bạn sẽ mất thời gian ban đầu, nhưng bạn sẽ được bù đắp xứng đáng. Bạn cần biết về nội dung trò chơi của con và chú ý tới những thông tin mới nhất về trò chơi đó và những tác động của trò chơi đối với trẻ.
Chia sẻ trò chơi
Chia sẻ trò chơi là cơ hội giúp trẻ học hỏi, chia sẻ, biết chờ tới lượt,... Bạn có thể cùng chơi với trẻ để dạy trẻ cách chia sẻ bằng cách: thời gian chơi của mọi người bằng nhau, thay phiên nhau chơi theo ngày, hoặc người này chơi hết lượt rồi đến người kia,... Trẻ biết cách hợp tác và hoà hợp với người khác, một trong những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống của trẻ sau này.
Khi trẻ chơi trò chơi ở nhà bạn bè
Thông thường, trẻ thích chơi trò chơi cùng một nhóm bạn. Nếu trẻ chơi trò chơi ở nhà bạn bè, bạn có thể gọi điện để hỏi phụ huynh về những trò chơi máy tính mà trẻ chơi. Nếu có thể, bạn có thể cùng chia sẻ và trao đổi những quy định về giờ chơi trò chơi game của các gia đình.
Cho dù bạn có đặt ra nguyên tắc hay quy định nào, bạn cũng nên trao đổi rõ ràng với trẻ để giúp bạn và trẻ tránh xung đột và tức giận về sau. Với những hướng dẫn hợp lý của bạn, trẻ sẽ biết chính xác bạn mong đợi gì ở trẻ.
Theo lamchame.com