Nuôi dạy trẻ trở thành những cá nhân xã hội có nhân cách tốt là niềm mong mỏi của những bậc làm cha làm mẹ. Mỗi gia đình đều có quan điểm riêng trong việc giáo dục con cái, nhưng vẫn có những nguyên tắc chung trong việc dạy dỗ trẻ nên người.
Ảnh: inmagine.com
1. Trở thành một tấm gương tốt trong gia đình: Không có cách gì hay hơn để dạy trẻ về chuẩn mực đạo đức bằng cách cho trẻ tiếp xúc với những gương điển hình. Một "người mẫu" tốt là một điều kiện rất quan trọng để trẻ học hỏi những cách cư xử đúng đắn.
2. Xác định rõ những giá trị mình tin tưởng: Hãy nói với con về những giá trị cuộc sống mà bạn tin tưởng. Tính cách tốt không chỉ hình thành qua những lời chỉ bảo mà còn cần biến thành hành động thực tế. Nếu bạn muốn trẻ thực hành theo những chuẩn mực xác tín của bạn, trước hết nên dạy bé về những điều bạn tin tưởng và cho bé biết lý do vì sao bạn tin theo những tín điều ấy. Trong cuộc sống hàng ngày sẽ xuất hiện vô số những cơ hội để bạn cùng bé trao đổi về những vấn đề đạo đức.
3. Thể hiện sự tôn trọng đối với chồng (vợ), với con cái và những người thân trong gia đình: Khi cha mẹ luôn thể hiện sự quý trọng lẫn nhau, biết chia sẻ những trách nhiệm gia đình với nhau và giải quyết những khác biệt bằng phương pháp ôn hòa là họ đã truyền đạt những thông điệp rất hiệu quả đến trẻ nhỏ về sự tôn trọng. Những trẻ được sống trong một môi trường như vậy sẽ biết cách cư xử hòa nhã và đúng mực đối với người khác.
4. Làm gương và dạy trẻ những tính cách tốt: Điều này có nghĩa là những thành viên trong gia đình nên dùng những thái độ và cách thức tích cực để cư xử với nhau. Đó là nguyên tắc vàng trong giao tiếp thông thường. Bất kể mục đích giao tiếp của bạn là gì, vì phép lịch sự hay những lý do xã hội khác, bạn cũng nên suy nghĩ chín chắn và thận trọng để tránh gây ra những hậu quả không hay.
5. Tổ chức những bữa cơm gia đình không Tivi: Bữa cơm gia đình là khoảng thời gian tuyệt vời để cha mẹ trò chuyện và lắng nghe con cái. Tình cảm giữa các thành viên sẽ được củng cố hơn sau những sự tiếp xúc thân mật như vậy. Bữa ăn thịnh soạn hay không không quan trọng, điều mà chúng ta cần là thời gian chia sẻ cùng nhau, cảm thấy mọi người là một gia đình và sống có trách nhiệm với nhau.
6. Tổ chức những hoạt động giải trí dành cho gia đình: Bạn nên thường xuyên tổ chức những hoạt động dạng này và khuyến khích trẻ cùng bạn lập ra kế hoạch. Những hoạt động giải trí của gia đình diễn ra thường kỳ sẽ tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ cho mỗi thành viên và ghi lại những dấu ấn tốt đẹp cho đời sống gia đình bạn.
7. Đừng cho trẻ tiếp xúc với rượu hay chất kích thích: Một trong những tiêu chuẩn khác để dạy dỗ trẻ trở thành người tốt là tránh xa rượu và các chất kích thích. Khi trẻ đang chịu những áp lực và xáo trộn về mặt tâm sinh lý tuổi dậy thì, mang trong mình khao khát muốn chứng tỏ bản thân hay tò mò trước những thông tin quảng cáo về bia rượu, chất gây nghiện thì gia đình chính là chỗ dựa vững chắc nhất giúp trẻ không trở nên hư hỏng. Không ở đâu trẻ có thể tìm được tấm gương sống lành mạnh hiệu quả như khi sống với bố mẹ. Vì vậy, bạn hãy trở thành tấm gương tốt để con noi theo.
8. Cả gia đình cùng tham gia hoạt động xã hội: Một người tốt thật sự phải là người có trái tim nhân ái, biết yêu thương và quan tâm đến người khác. Có rất nhiều cơ hội để bạn dạy cho con biết ý nghĩa của các hoạt động xã hội. Chẳng hạn bạn có thể dạy trẻ từ những việc hữu ích nho nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa như: mang thức ăn cho một người hàng xóm bị ốm, giúp một cụ già băng qua đường, góp quần áo và đồ chơi cũ cho các bạn ở trại trẻ mồ côi... Từ những hoạt động này, bé có thể học được những thói quen làm điều thiện khi trưởng thành.
9. Cùng trẻ khám phá những câu chuyện hay và truyền cho bé tình yêu văn học: Một người dạy dỗ tuyệt vời luôn luôn dùng những câu chuyện sinh động để chỉ bảo và khuyến khích trẻ bộc lộ tài năng của mình. Cùng đọc sách cũng là một cách tốt để trao đổi những thông điệp văn hóa giữa các thế hệ với nhau. Những câu hỏi và hồi đáp của trẻ qua mỗi câu chuyện sẽ giúp bạn hiểu những gì trẻ nghĩ, tin tưởng và quan tâm.
10. Dạy con cách chi tiêu tiết kiệm: Bạn cần giúp trẻ hiểu rõ giá trị của những món quà tinh thần chứ không phải lối sống thực dụng, trọng vật chất. Trong xã hội tiêu dùng ngày nay, trẻ thường dễ bị cuốn theo những ảo tưởng như phải mặc đồ hiệu, đi xe xịn… mới là sự khẳng định cho thành công và hạnh phúc. Khi cần thiết, bạn nên đưa ra những yêu cầu nghiêm khắc với trẻ để trẻ hiểu vị trí, bổn phận của mình là ở đâu và trẻ được phép sử dụng tiền cha mẹ đưa cho như thế nào là hợp lý.
Theo Web Trẻ Thơ