Báo An ninh Thủ đô đã có bài phản ánh về việc 3 trường Mầm non Tuổi hoa, Tiểu học Đặng Trần Côn B và THCS Thanh Xuân Nam phải đi chung con đường chỉ rộng hơn 1 mét. Thế nhưng từ đó đến nay cảnh tắc nghẽn, chen chúc nhau mỗi lần tan trường vẫn cứ tiếp diễn…
3 trường học vẫn phải đi chung con đường rộng hơn 1m
Ngày 22-3-2004, UBND thành phố đã ra Quyết định số 1568 thu hồi 35.758m2 đất tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì và các phường Hạ Đình, Thanh Xuân Nam tạm giao cho BQLDA quận Thanh Xuân để điều tra, lập các phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường học thuộc phường Thanh Xuân Nam. Ngay sau đó, UBND quận Thanh Xuân đã có quyết định thành lập Hội đồng GPMB thực hiện dự án trên.
Đã hơn 4 năm trôi qua dự án vẫn dừng ở giai đoạn điều tra khảo sát.
Để đến được 3 trường học nêu trên chỉ có 1 đường vào và một đường ra. Song, cả 2 con đường đều quá nhỏ và chật chội (chỉ rộng khoảng hơn 1 mét) nên ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại của người dân ở khu vực này và các bậc phụ huynh học sinh mỗi lần đưa đón con đi học. Ba trường học có tổng số hơn 2.000 học sinh, chủ yếu là các em mầm non và tiểu học nên các bậc phụ huynh luôn phải đưa đón con hàng ngày.
Chính vì thế lượng người cùng phương tiện giao thông qua lại đây vào giờ cao điểm là rất đông. Do đường chật, 2 xe máy khó tránh nhau nên việc tắc nghẽn, chen lấn khó tránh khỏi. Điều đáng nói, đường vừa chật chội vừa xuống cấp nên khó đảm bảo an toàn giao thông cũng như an ninh trật tự.
Trong thời gian chờ đợi dự án tiến hành, ngoài việc quy định hướng đi, UBND phường Thanh Xuân Nam còn điều động lực lượng dân phòng, CAP trực chốt tại lối ra vào để hướng dẫn người dân và phụ huynh học sinh đi đúng chiều để tránh ùn tắc, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Chiều 14-7-2008, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam cho biết: Ba trường học thuộc phường Thanh Xuân Nam nhưng đường vào là đường dân sinh của 3 tổ 56- 57-58 thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. UBND phường đã có nhiều buổi làm việc với UBND huyện Thanh Trì để phối hợp GPMB nhưng vẫn chưa đi đến phương án thống nhất.
Qua khảo sát điều tra khối lượng giải phóng mặt bằng nằm trong dự án lên tới hơn 300 hộ gia đình trong khi quỹ đất, quỹ nhà tái định cư vẫn chưa bố trí được. Bên cạnh đó cần khoảng 400 tỷ đồng vốn để đầu tư xây dựng tuyến đường.
Cũng theo ông Hòa: Ban đầu dự án do UBND quận Thanh Xuân quản lý nhưng do gặp phải nhiều khó khăn trong công tác GPMB cũng như nguồn vốn cần thiết để đầu tư dự án quá lớn nên UBND thành phố đã tiếp nhận dự án trên.
UBND phường, Ban giám hiệu các trường, phụ huynh học sinh cùng người dân khu vực mong rằng với việc UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, dự án đầu tư xây dựng đường vào cụm 3 trường học sẽ được tiến hành nhanh chóng trong thời gian tới, nhất là thời điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang cận kề.
Theo ANTD