Bệnh viện Nhi đồng 1: Mỗi năm có khoảng 13-14 ngàn trẻ đến khám vì tai nạn thương tích. Nhóm trẻ 1-15 tuổi chiếm 75% trong tổng số các loại tai nạn, trẻ nam chiếm gần 60%, phần lớn là bị bỏng nước sôi.
Bệnh viện Nhi đồng 2: Năm 2007, bệnh viện tiếp nhận, điều trị hơn 8.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Sáu tháng đầu năm 2008 có hơn 2.500 trẻ phải nhập viện. Riêng tháng 6, hơn 660 trẻ nhập viện khám và điều trị, tăng 200% so với trung bình chung năm tháng đầu năm (trung bình mỗi ngày có 22 trẻ đến khám và nhập viện), chủ yếu trẻ bị tai nạn té ngã.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình: Trong tháng 6 và 7-2008, gần 1.000 trẻ dưới 15 tuổi bị tai nạn thương tích các loại, trong đó tai nạn do té ngã gãy tay, chân... chiếm gần 80%.
Chỉ vì lo mưu sinh, một phút bất cẩn mà những bậc sinh thành đã phải ân hận suốt quãng đời còn lại. Riêng những đứa trẻ thơ bé bỏng, lành lặn lại phải mang trên mình thương tích không thể xóa đi. Những ngày hè lang thang trong các bệnh viện, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, nhiều mảnh đời không thể bất hạnh hơn... Về nguyên nhân chủ quan thì đã rõ, còn nguyên nhân sâu xa là do đâu? Do phụ huynh thiếu hiểu biết hay do hệ thống truyền thông của xã hội chưa đủ sức lan tỏa?
Trẻ bị tai nạn thượng tích, tương lai của các cháu sẽ ra sao? (Ảnh: Duy Tính)
Con đau lắm!
Tại khoa Nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, chúng tôi gặp bé Nguyễn Quốc Thắng, năm tuổi (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) đang nằm trong lòng mẹ khóc vì đau. Chị Tuyền - mẹ bé kể: “Thằng bé đi mua kẹo gần nhà, bị một chiếc xe tải chạy qua cán dập bàn chân trái”.
Tưởng đơn giản, gia đình đưa bé Thắng đến Bệnh viện tỉnh Bình Dương. Tại đây, các bác sĩ chỉ định tháo khớp các ngón chân nhưng vì gia đình muốn giữ lại ngón chân nên xin chuyển đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để điều trị. Tuy nhiên, bốn ngón chân của bé đã bị hoại tử. Bé Thắng cứ khóc mỗi khi nhìn xuống cục bột to đùng dưới bàn chân. Nó khóc vì đau, còn chị Tuyền nhìn con xót xa, rồi đây thằng bé sẽ phải đi khập khiễng, mất thăng bằng...
Một trường hợp khác đau lòng hơn do chính sự chủ quan của gia đình. Bé Nguyễn Trịnh Sơn Hà, bốn tuổi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) bị phỏng khắp người, hiện đang điều trị tại khoa Phỏng Bệnh viện Nhi đồng 1.
Hôm đó, khi ông nội vừa bưng nồi nước đang sôi xuống đất rồi để đó đi ăn cơm thì thằng bé lon ton đi lại, vấp ngã làm nồi nước đổ lên người. Sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường - Trưởng khoa Phỏng Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bé Hà sống được là may lắm rồi bởi bé bị phỏng toàn thân, kèm theo hẹp thanh quản, khó thở và sắp tới các bác sĩ phải mở khí quản thì bé mới thở được. Về di chứng thì sau này mới đánh giá được.
Và còn nhiều trường hợp đau lòng khác. Như bé Rơ Chăm Cương, 13 tuổi (tỉnh Gia Lai), bị điện giật hoại tử hai cánh tay, các bác sĩ phải tháo khớp để cứu em. Bé Lưu Danh Nhân, ba tuổi (tỉnh Hậu Giang) đi thụt lùi rồi ngã ngửa vào nồi hèm nấu rượu, phỏng nát phần lưng, bộ phận sinh dục. Bé Nguyễn Gia Bảo té sấp mặt vào bếp lửa, phải nằm bệnh viện hơn năm tháng trời nhưng khi xuất viện, mặt mũi không còn nguyên vẹn như trước nữa...
Hậu quả xã hội gánh
Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường - Trưởng khoa Phỏng Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết có những tai nạn... lãng nhách xảy ra tại gia đình như trẻ bị tủ ngã đè, bị ngã vào nồi nước sôi, bếp lửa, điện giật... hoàn toàn do lỗi chủ quan của các bậc phụ huynh. Còn những tai nạn do khách quan ngoài cộng đồng thì hoàn toàn thuộc về trách nhiệm chung của xã hội.
Theo bác sĩ Tường, khi trẻ bị tai nạn, bị thiệt thòi về thể chất và tinh thần là thiệt thòi cho đất nước về sau. Do đó, ngoài việc phòng tránh cho trẻ tại gia đình thì nhà nước, xã hội phải cùng chung tay đề phòng tai nạn thương tích cho trẻ. Trẻ ở trường thì nhà trường lo, ở công viên thì công viên lo, ra đường thì hệ thống giao thông phải đảm bảo.
Bác sĩ Tường cho biết: Việc ứng dụng công nghệ mới trong điều trị tai nạn thương tích cho trẻ như ong đốt thì sử dụng máy lọc máu liên tục; rắn cắn thì có huyết thanh kháng nọc rắn; bỏng thì cắt lọc, ghép da sớm... đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, việc điều trị các loại tai nạn thương tích ở trẻ tốn rất nhiều công sức và tiền bạc nhưng kết quả không phải lúc nào cũng đảm bảo tốt. Vì vậy, phòng ngừa là biện pháp cơ bản nhất.
Bác sĩ Tường kiến nghị cần thiết phải nghiên cứu về tai nạn thương tích ở trẻ em, quản lý nguy cơ, tổ chức thực hiện cấp cứu và điều trị nạn nhân. Song song đó, cần tổ chức tuyên truyền phòng chống tai nạn cho nhóm có nguy cơ cao.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM:
Thật khó bù đắp cho con cái bị tai nạn thương tích để lại di chứng nặng nề. Có một số trường hợp các cháu sẽ mất đi sự tự tin suốt cả cuộc đời. Không ít trường hợp trẻ đã bị trầm cảm nặng nên cuộc sống không thoải mái và không tích cực. Bên cạnh đó, trẻ luôn luôn cảm thấy chán nản, thiếu sức sống và khó hòa nhập với xã hội là điều có thể xảy ra. Cha mẹ hãy giúp con mình biết chấp nhận sự thật và rèn luyện dần thói quen của sự tự tin.
Trên thực tế, các bậc phụ huynh chưa được trang bị một cách đầy đủ về những kỹ năng chăm sóc con cái theo độ tuổi. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền sâu của xã hội, những trao đổi với các phụ huynh vẫn còn dừng ở mức thủ tục chứ chưa đánh sâu vào những vấn đề trọng tâm của độ tuổi. Chính điều này đòi hỏi một số tổ chức xã hội nên quan tâm hơn nữa để thực thi nhiệm vụ này của mình qua các lớp học, qua các chương trình truyền thông khác nhau... |
Theo Tin Tức