|
Một công viên thiếu nhi trong khu dân cư mới của quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã bị cỏ dại che khuất và đồ chơi thì hoen gỉ |
Ở trẻ, hoạt động vui chơi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tiếp nhận thông tin và khám phá thế giới. Thiếu không gian vui chơi, sự phát triển lệch lạc là một điều không thể tránh khỏi
Có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ khi quyết định chọn một nơi nào đó làm địa điểm định cư lâu dài là việc con cái họ sẽ lớn lên, học tập và trưởng thành như thế nào trong môi trường đó. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như an ninh trật tự xã hội, đường sá, các ngôi trường có chất lượng cao được người lớn suy xét đến. Nhưng đáng tiếc hình như người ta quên mất một điều cốt lõi là: trẻ con sẽ được chơi như thế nào và ở đâu?
Ngơ ngác trước thực tế
- So với sự phát triển chóng mặt và quy mô hoành tráng của các tòa nhà, cao ốc cho thuê, khách sạn hạng sang, trụ sở các công ty tập đoàn, văn phòng đại diện..., không gian và kinh phí đầu tư cho những điểm vui chơi của trẻ em thật khiêm tốn. Sự khiêm tốn ấy làm cho những ai thực lòng quan tâm đến thế hệ tương lai của đất nước không khỏi mủi lòng.
Việt Nam là đất nước có dân số trẻ nên tỉ trọng phúc lợi xã hội cho lứa tuổi này, theo lẽ tự nhiên, phải rất lớn. Một điều không thể phủ nhận là trong những năm qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm xây dựng nhiều địa điểm vui chơi cho trẻ em trong tinh thần “hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”. Nhưng dường như sự quan tâm ấy cũng chưa biến thành hành động cụ thể. Trên thực tế, những địa điểm vui chơi giải trí của trẻ em là những nơi hoang phế nhất của đô thị, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ, thị xã, thị trấn. Quan sát khu trò chơi thiếu nhi tại Công viên Tao Đàn - TPHCM, trong một ngày có đến hơn 500 lượt gia đình đưa con em đến tham gia nghịch cát, chơi máng trượt, xích đu... Con số này thể hiện nhu cầu rất lớn của phụ huynh cũng như trẻ em. Thế nhưng, khu vui chơi như thế trong cả TPHCM chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Tại các vùng nông thôn vừa được chuyển sang khu công nghiệp, tình hình dường như còn tệ hơn. Những khu đất trống, những thửa ruộng giao mùa, những cánh đồng có thể là nơi chơi đùa cho trẻ em nông thôn, nay cũng không còn nữa, trong khi những chỗ vui chơi tập trung của các em thì không có trong quy hoạch và nếu có thì còn đang treo vô hạn định. Bố mẹ các em, từ những nông dân, nay chuyển thành người lao động trong các khu công nghiệp với những bó buộc về thời gian cùng những căng thẳng chưa thể thích nghi ngay, không thể có thời gian dành riêng cho các em. Những đứa trẻ này càng trở nên ngơ ngác hơn trong một thế giới đầy biến động và không ít cám dỗ.
Cụ non hóa
- Các nhà tâm lý nhi khoa đã chỉ ra rằng những đứa trẻ lớn lên ở nông thôn có khả năng ngôn ngữ thấp hơn nhưng lại có khả năng tự chủ lớn hơn nhiều so với bạn bè cùng lứa trong các khu đô thị. Dù gì thì không gian còn lại của nông thôn, dẫu ít ỏi, vẫn còn lớn hơn rất nhiều so với thành phố. Trẻ em nông thôn có thể giữ được những trò chơi dân gian, có thể phát triển được tính tò mò, khám phá. Ngược lại, với một loạt bảng cấm như “cấm đi trên cỏ”, “cấm băng qua đường”, “chó dữ, cấm đến gần”..., trẻ em thành phố dường như gặp phải các giới hạn ở khắp mọi nơi. Một điều ai cũng biết rằng giác quan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển tâm thần vận động bình thường của trẻ. Trẻ em trong các khu đô thị nhận được gì từ những kênh thông tin này? Một tầm nhìn bị đóng khung trong các ô vuông, ô chữ nhật chứ không phải bởi đường chân trời. Tai phải nghe những âm thanh inh ỏi của tất cả các loại động cơ, những bản nhạc xập xình chỉ dành cho người lớn. Dường như ngũ quan của các em đều bị tấn công một cách không thương tiếc. Đó là chưa kể hàng núi bài vở các em bắt buộc phải hoàn thành thay vì được tung tăng vui vẻ chơi đùa. Như thế, hỏi làm sao các em không hóa thành những cụ non tội nghiệp?
Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã tổ chức, dù chỉ ở quy mô nhỏ, các cuộc thi viết, vẽ về thành phố mơ ước của các em. Nhưng tất cả hình như cũng chỉ dừng lại ở đó. Ở các nước phát triển, nơi mà không gian chơi của trẻ em đã được quan tâm đầu tư thích đáng, chính quyền vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc thi thị trưởng nhí. Trong những cuộc thi như vậy, không gian chơi vẫn là một vấn đề được các em quan tâm nhất.
Việc quan tâm đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động hữu hiệu các khu vui chơi giải trí thiếu nhi còn có một ý nghĩa khác nữa là bảo đảm tính công bằng xã hội. Trong khi trẻ em các gia đình khá giả có thể đủ tiền để thường xuyên đến được những điểm vui chơi cao cấp trong nước, thậm chí là ở nước ngoài, thì với trẻ em các gia đình công nhân, lao động nghèo, điều đó là không tưởng. Vậy một khu đô thị được quy hoạch “thân thiện với trẻ em” là điều mà toàn xã hội, trong đó có chính quyền và các nhà chuyên môn quy hoạch, cần chung tay, nỗ lực thực hiện.
Vẫn biết rằng các nhà quy hoạch đô thị còn có biết bao nhiêu chuyện đau đầu cần giải quyết nhưng không vì thế mà chúng ta được quyền xem nhẹ không gian chơi, quyền được chơi-một quyền cơ bản nhất của trẻ em.
TS Lê Minh Khôi
Theo NLDO