Nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói và sốt cao, bé Hoa, 2 tuổi ngụ tại quận 8, được Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, chẩn đoán cuống lá lách bị xoắn một vòng theo chiều kim đồng hồ.
Cách xoắn hiếm thấy đã khiến lá lách của bệnh nhi bị phồng to, thòng xuống, toàn lách chuyển sang màu bầm đen có dấu hiệu hoại tử do máu không thể đến được với lách.
Bé Hoa đang được chăm sóc tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: nhidong.org.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, mỗi năm bệnh viện chỉ tiếp nhận 1, 2 ca mắc bệnh này.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, bình thường lách nằm ở hạ sườn trái và được cố định bằng các dây chằng nên hầu như không di động được. “Nguyên nhân dẫn đến xoắn lách thường do cấu tạo lách bất thường hoặc cuống lách dài nên có thể bị xoắn do cử động mạnh. Hầu hết các trường hợp xoắn lách cần được can thiệp kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng” bác sĩ Hiếu nói.
Riêng trường hợp bé Hoa, sau chẩn đoán lách đã bị hỏng, các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ lách và mạc nối lớn. Hiện bệnh nhi đã ổn định sức khỏe nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi tại khoa Ngoại.
Theo các tài liệu y học, lách gồm tủy trắng và tủy đỏ. Tủy trắng là nơi các tế bào lympho sinh sản, sản xuất kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Tủy đỏ là nơi loại bỏ các hồng cầu già hoặc kém chất lượng, sắt thu được sau quá trình này sẽ được sử dụng lại để tạo hồng cầu mới. Ngoài ra, lách cung cấp sắc tố mật giúp gan tiết mật phục vụ tiêu hóa.
Chính vì thế, theo các bác sĩ chuyên khoa, việc phải cắt lách vì tai nạn dù sao đi nữa cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Theo VnExpress