Xã hội
   Trẻ ốm vặt cũng phải làm xét nghiệm
 
Xếp hàng làm thủ tục xét nghiệm ở BV Nhi Trung ương sáng 7/7. Ảnh: T.N.
Dù chỉ ho hắng và sốt nhẹ, không có biểu hiện gì đặc biệt nhưng khi đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương, bé Hoa (7 tháng tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) vẫn được chỉ định chụp X-quang, một dạng xét nghiệm chỉ dùng cho trẻ nhỏ khi thật cần thiết để tránh tác hại của bức xạ.

Sau khi khám lâm sàng và hỏi han người mẹ, bác sĩ cho chỉ định chụp X-quang, kết quả tim phổi bình thường. Bé được chẩn đoán viêm họng cấp và kê đơn thuốc uống.

Sau đó, Hoa được một người quen là bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn khám lại, anh cho biết chụp X-quang là không cần thiết với bé, và cũng cần hạn chế với trẻ nhỏ: "Nếu là con tôi, tôi cũng sẽ không cho chụp trong những trường hợp như thế này, hại lắm", anh nói.

Bị sốt và có đốm trắng đỏ sưng ở lưỡi, bé Ngân (gần 2 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) cũng đến Bệnh viện Nhi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm họng mủ và viêm miệng, chỉ định xét nghiệm máu "để kiểm tra lượng bạch cầu nhiều hay ít, xem có cần tiêm kháng sinh hay không". Tuy nhiên, khi có kết quả trong tay, cô bác sĩ trẻ lại hỏi mẹ của bé "khả năng khỏi bằng đường uống chỉ 50%, chị thích cho con uống hay tiêm nào?", khiến người mẹ ngớ ra vì đây là việc của bác sĩ.

Cảm thấy không yên tâm, mẹ Ngân mang con đến một bác sĩ quen ở Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương và được chẩn đoán viêm họng do virus có bội nhiễm và kê thuốc uống. Bác sĩ này rất bất bình về chuyện Ngân phải thử máu và tiêm kháng sinh bởi theo chị, bệnh cảnh của bé rất điển hình, không cần xét nghiệm và cũng không nặng đến mức phải tiêm thuốc, đặc biệt với trẻ nhỏ thế này.

Sáng 7/7, khu xét nghiệm Bệnh viện Nhi trung ương tấp nập người. Tại phòng xét nghiệm máu, có những bé mới chỉ vài ba tháng, bế còn chưa lọt tay, cũng đang phải gào thét, giãy dụa vì sợ khi lấy máu.

Bế trên tay đứa con nhỏ xíu khoảng 5 tháng tuổi, chị Hoa, ở Đông Anh, Hà Nội than thở "bác sĩ bảo nó bị viêm phế quản, thế mà vẫn phải xét nghiệm máu đây, chả biết để làm gì, vừa tốn tiền vừa đau nó".

"Chưa nói chuyện tốn kém, nhưng trẻ con bé như thế này mà phải lấy máu, nó sợ đến mất mật ra, lấy mãi mới được, nhìn xót xa lắm", mẹ bé Ngân nói.

Nhiều phụ huynh khác cũng bức xúc về việc trẻ chỉ bị ốm sơ, hoặc bệnh cảnh rõ ràng mà vẫn bị làm xét nghiệm, nhất là khi đến phòng mạch tư. Chị Loan, có con gái gần 2 tuổi, bị sốt, có ho, đến khám tại một phòng mạch tư trên đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội. Bé được xét nghiệm máu để xem bạch cầu và virus. Kết quả khám chỉ là viêm họng nhẹ.

Bà Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, giải thích: Việc xét nghiệm công thức máu trong trường hợp trẻ sốt, ho... giúp xác định tác nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn, hoặc tình trạng nhiễm trùng nặng hay nhẹ, từ đó có quyết định dùng thuốc thích hợp. Việc không xét nghiệm có thể khiến bác sĩ cho dùng kháng sinh luôn cho "chắc", trong khi trẻ bị bệnh do virus; hoặc bị nhiễm khuẩn nhưng không được dùng kháng sinh kịp thời khiến bệnh nặng thêm.

Cũng theo bà, "bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm nhiều khi có thể chẩn đoán qua khám lâm sàng mà không cần xét nghiệm, nhưng khả năng chính xác không thể là 100%, bởi bệnh cảnh giữa viêm do vi khuẩn và do virus nhiều khi không tách bạch rõ ràng. Hoặc có trẻ nhiễm trùng khá nặng nhưng biểu hiện bên ngoài nhẹ, phải xét nghiệm công thức máu mới biết".

"Vì vậy, khi bác sĩ chưa thể khẳng định chẩn đoán thì việc xét nghiệm là cần thiết, vì điều quan trọng nhất là phát hiện chính xác bệnh trẻ". Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định không có tình trạng lạm dụng xét nghiệm ở đây.

Bác sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, cũng khẳng định sự cần thiết của xét nghiệm trong các bệnh thông thường của trẻ, trong đó có xét nghiệm công thức máu để xác định tác nhân là vi khuẩn hay virus. Tuy nhiên, theo bà, xét nghiệm này thường được chỉ định trong các trường hợp: có biểu hiện nặng, sốt cao mà không thấy ổ nhiễm trùng, ho kéo dài, dùng thuốc 3 ngày không đỡ hoặc nặng lên... chứ ít được áp dụng ngay lúc trẻ đến khám lần đầu khi bệnh nhẹ, mới mắc.

Về X-quang, bác sĩ Nhi cũng khẳng định là không cần thiết đối với những trẻ chỉ bị ho nhẹ, mới ho, nghe tim phổi không có biểu hiện bất thường. Các trường hợp cần chụp là: Biểu hiện nặng, trẻ ho lâu ngày, điều trị không khỏi, nghe phổi có tiếng lạ, đang có dịch đường hô hấp nguy hiểm...

Do phải đầu tư số tiền lớn để mua sắm trang thiết bị, nhiều cơ sở y tế đẩy mạnh dịch vụ xét nghiệm để nhanh chóng thu hồi vốn. Nhiều khi cảm thấy không cần thiết nhưng phụ huynh không dám từ chối bởi những xét nghiệm này đều được giải thích hợp lý bằng những kiến thức y khoa mà mà họ không hiểu hết. Ngay cả các bác sĩ cũng thừa nhận, ranh giới giữa chỉ định đúng và lạm dụng là rất mơ hồ, tùy thuộc rất nhiều vào cái tâm của bác sĩ.

Theo VnExpress
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bé gái bị thú nhún dập gần đứt lìa bốn ngón tay (9/7)
 Tuyển sinh lớp 1 : Loay hoay chọn trường điểm. (9/7)
 Đưa vệ sinh an toàn thực phẩm vào chương trình giáo dục (9/7)
 Trường CĐSPTW TP.HCM với Chiến Dịch "Mùa Hè Xanh" (9/7)
 Điều trị bệnh nhi mắc Kawasaki (9/7)
 Nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm (8/7)
 Hè: cơ quan kiêm nhà trẻ (8/7)
 Thị trường đồ chơi trẻ em: Độc hại khó lường (8/7)
 TP.HCM: Bệnh trẻ em gia tăng (8/7)
 Hà Nội: 4 trẻ em nghèo được phẫu thuật tim miễn phí tại Hàn Quốc (8/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i