|
Ngay từ khi bé còn nhỏ, cha mẹ đã cần hiểu tâm lý của bé - Ảnh: K.H |
Sự gương mẫu, tấm lòng hy sinh xả thân, sự hiểu biết và tâm huyết, ước mơ kỳ vọng của cha mẹ là những gia tài quý giá cho con vào đời. Nhưng, vận dụng những điều ấy vào nội dung và phương pháp giáo dục con như thế nào, để đứa con yêu dấu của mình thực sự thành nhân và thành công?
Tâm lý học đã khẳng định, những năm tháng đầu đời của con người có ý nghĩa hết sức quan trọng trong toàn bộ tiến trình thành nhân của người đó. Gia đình là điểm tựa đầu tiên và quan trọng của mỗi con người. Những ai có tuổi thơ được đắm mình trong bầu không khí yêu thương đầm ấm của cả cha và mẹ, được sống với tuổi thơ thần tiên, người đó sẽ trưởng thành trong một nhân cách hoàn hảo, giao tiếp tự tin, biết cách yêu thương và chia sẻ... Ngược lại, những sang chấn tâm lý từ tuổi thơ sẽ trở thành những cơn sóng ngầm, tàn phá một cách âm thầm tâm hồn mỗi người.
Dạy con không phải là chuyện một ngày một buổi, càng không phải là việc chỉ biết theo sát bước chân con mà chăm chút, nâng đỡ con từng ly từng tí. Đó là một việc làm đòi hỏi một quá trình dài lâu, và quan trọng là người làm cha mẹ phải hiểu biết tâm - sinh lý của con ở từng giai đoạn nhất định để ứng dụng biện pháp kỷ luật hay động viên phù hợp nhất.
Đối thoại và lắng nghe - một trong những phương pháp giao tiếp mang lại hiệu quả cao trong ngoại giao, cũng được khuyên áp dụng trong giáo dục con cái. Hướng dẫn con khám phá giá trị của bản thân để biết quý trọng mình; cùng con giải quyết vấn đề; tìm hiểu nhu cầu của con ở từng giai đoạn; chẩn đoán và phát hiện những hành vi lệch lạc của con để kịp thời chấn chỉnh v.v... là những phương pháp giáo dục con trẻ thời hiện đại đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công ở Mỹ, phương Tây cũng như một số nước châu Á phát triển khác.
Các bậc cha mẹ muốn tìm hiểu kỹ hơn về các phương pháp này có thể tham gia các khóa học "Giáo dục con" tại Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (64-68 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM).
Theo Thanh Niên