Tôi có con 4 tuổi và cũng rất băn khoăn về việc có nên không khi cháu 5 tuổi sẽ bắt đầu cho cháu học chữ trước (nói đơn giản là học chữ nhưng thực ra là biết đọc biết viết) như những gia đình khác vẫn làm. Không cho cháu học thì cũng sợ cháu sẽ bị cô giáo la rầy trên lớp vì không bằng các bạn và cũng sợ cháu sẽ không có hứng thú đến lớp.
Tôi có cảm giác các cô giáo dạy lớp 1 bây giờ (hay nói rõ hơn là các trường tiểu học, hệ thống giáo dục) mặc nhiên cho rằng bé vào học lớp 1 là phải biết đọc, biết viết. Nhiệm vụ của các cô là dạy "nâng cao" để bắt kịp sách giáo khoa (những pho kiến thức quá tải) chứ không phải là dạy bé từ đầu như trước kia.
Và như vậy nghiễm nhiên các trường mầm non lại có cả nghĩa vụ phải dạy chữ cho các cháu. Tôi được biết theo quy định và theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Vì cuộc chiến đầu vào lớp 1 và vì để con bằng bạn bằng bè mà hầu hết phụ huynh cũng cố cho con đi học sớm. Dù biết như vậy là ép con nhưng không ai dám dừng.
Thiết nghĩ, với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, chuẩn bị cho bé tâm lý để thay đổi môi trường là điều quan trọng nhất. Chuẩn bị tâm lý ở đây không chỉ đơn giản là nói cho con biết con sắp phải đi học, con phải thế này, con phải thế kia mà trang bị cho bé tất cả những khái niệm về trường lớp, cô giáo, bạn bè và khơi dậy sự tò mò, lòng hứng thú với việc đó...
Do vậy, việc học chữ đối với bé nên chăng chỉ để làm quen theo kiểu học biểu tượng chữ, số qua hình vẽ, màu sắc, gắn với những gì thân quen trong cuộc sống gia đình và môi trường thiên nhiên gần gũi.
Là người tốt nghiệp đại học, tôi so sánh và thấy rằng quá trình học phổ thông ở nước ta thực sự là "một gánh nặng trĩu" cho các bé và cho cả các bậc phụ huynh. Trong khi đó, học đại học thì như đi chơi, chỉ cần hết môn hay cuối kỳ mới phải học thi, thành ra thi xong là kiến thức "bay" hết và tốt nghiệp ra trường chẳng làm được gì ngoài việc có tấm bằng làm mác thông hành.
Rõ ràng, kiến thức học đại học lại cần phải thực tế, sâu sắc và rộng thì may ra mới làm việc được sau khi tốt nghiệp. Và với độ tuổi học đại học thì các em đã có đủ sức khỏe, nền tảng, độ tự lập, sức bền để tiếp nhận kiến thức. Tôi thấy thật là ngược đời và rõ ràng cũng là ngược với xu thế giáo dục chung của các nước trên thế giới mà ai cũng biết qua.
Tôi cũng như bao người dân Việt Nam mong vào công cuộc cải cách để cho nền giáo dục phát triển xuôi chiều theo đúng nghĩa của nó. Hãy thương lấy những đứa trẻ mới vào lớp 1, đang học Tiểu học. Hãy cho các cháu một môi trường học mà chơi, chơi mà học, như vậy chúng mới có thể phát triển cân bằng.
Người gửi: quỳnh phương
Theo VnExpress