Xã hội
   Dạy chữ trước cho trẻ vào lớp 1: “Nghe lời thầy cô, con tôi chỉ có thiệt”
 
Từ nhiều năm qua, ngành giáo dục đâu có quy định các trường mầm non và tiểu học tuyệt đối không tổ chức dạy chương trình lớp 1 cho trẻ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.

Chị Th. nhà ở con hẻm đường Đoàn Văn Bơ, Q.4 có đứa con trai hơn năm tuổi hết hè này sẽ vào lớp 1. Chị không cho cháu vào trường mầm non mà quyết định cho nó học chữ tại nhà một cô giáo tiểu học ở cùng phường. Chị giải thích, lớp lá học phí cũng hết hơn 500 ngàn đồng/tháng. Làm công nhân lương tháng hơn một triệu, chạy gạo ăn từng bữa, thôi thì nhờ cô rèn chữ cho cháu chỉ mất trăm ngàn. Vào lớp 1 rồi tính tiếp.

Đua nhau cho trẻ "học sớm”
Lớp học của con chị Th. còn có gần chục bé khác cũng đang gò lưng tập viết bằng bút chì. Phần lớn các bé này đều đang học mẫu giáo. Vì trường không dạy chữ theo quy định của ngành giáo dục nên phụ huynh đưa các cháu đến lớp học này.

Tại "lò luyện" ở một con hẻm trên đường Lê Lâm, phường Phú Thạnh, Q. Tân Phú, khoảng 30 đứa trẻ đang học trong căn phòng rộng chưa đến 25m2 . Các cháu ngồi viết trên ghế nhựa, bàn thì thấp nên lưng phải cúi xuống. Với tư thế đó chỉ hồi lâu là mỏi, nhiều cháu mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn hì hụi tập viết. Tình trạng cũng tương tự với một lớp khác trong hẻm nhỏ ở đường Đinh Tiên Hoàng gần Cầu Bông, Q. Bình Thạnh. Nhiều cháu ngồi chen chúc nhau trong phòng học quá nhỏ, lại tối, thêm tiếng ồn vì xe cô liên tục chạy ngang qua.

Về tình trạng này, ông Lê Ngọc Điệp trưởng phòng Giáo dục tiểu học, sở GD-ĐT TP.HCM nói: "Những phụ huynh nào muốn cho trẻ học để biết đọc biết viết trước khi vào lớp 1 cần biết rằng những kỹ năng cơ bản của học sinh lớp 1 như cách cầm bút, tư thế ngồi viết, quy trình viết các nét, các chữ, các số… được xem là nền tảng. Nếu không được hướng dẫn và rèn luyện đúng cách, nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập suốt đời của các em sau này".

Nếu những năm trước, sự xuất hiện các lớp "học sớm" như vậy chỉ tập trung ở các quận nội thành thì nay đã lan ra hầu như khắp các quận, huyện ngoại thành. Không khó để biết các địa chỉ này nêu chịu khó tiếp xúc với các bậc cha mẹ có con đang chuẩn bị vào lớp 1.

Ngay cả trường mầm non cũng có nhiều nơi "xé rào". Chị Duyên có con học tại một trường mầm non dân lập ở Q.1 kể mỗi lần đón con chị đều thấy có một số trẻ ở lại sau giờ học với quyển tập và cây bút chì. Hỏi thì được cô cho biết các cháu ở lại tập viết, phụ huynh nào có nhu cầu thì cho cháu học, không bắt buộc, học phí 300 ngàn đồng/tháng. Chị kể: "Khá tốn kém, nhưng sau hai tháng, tôi xem tập cháu mang về nhà thấy chữ viết của cô quá xấu thậm chí có khi còn thua chữ của con tôi nên không cho cháu học nữa. Giờ nhà tôi tự kèm cho cháu tập viết theo sách hướng dẫn”. Anh Phước, nhà ở Phú Nhuận tiết lộ, sang học kỳ 2 lớp lá cứ sau giờ học là cháu theo cô về nhà luyện đọc, luyện viết. Nhờ vậy, anh chị đỡ phải kèm cặp bé, vừa khỏi lo chuyện đón con trước giờ tan tầm.

"Không học trước, suốt ngày đội sổ bị cô giáo chê”
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng phòng Giáo dục mầm non, sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Đối với trẻ 5 tuổi, ngành giáo dục chủ trương huy động mức tối đa các cháu đến lớp mẫu giáo đã làm quen với môi trường học tập, làm quen với nề nếp, kỷ luật. Chương trình hiện nay chỉ quy định dạy trẻ 5 tuổi làm quen với chữ cái, với toán, và văn học bằng hình thức trực quan sinh động; tập cầm bút đồ những đường nét cơ bản… chủ yếu để rèn tính kiên nhẫn chứ không cần phải dạy trẻ biết đọc, biết viết. Nơi nào dạy trước chương trình như vậy là làm sai với quy định".

Tuy nhiên, mặc dù biết có quy định như vậy, nhưng phần lớn phụ huynh vẫn không yên tâm. Chị C. có con học tại trường mầm non ở Q.10 cho biết: "Sang năm nhóc mình vào lớp lá vậy mà cô giáo lớp chồi mới đây đã nhắc (vì cũng hơi thân) nên cho nhóc đi học chữ hè này. Mình cũng hiểu nếu cho học sớm thì vào lớp một bé dễ bị chán học vì chẳng có gì mới mẻ cuốn hút, nhưng nếu không học thì lại không theo kịp bạn bè...".

Một bà mẹ khác tâm sự trên blog như sau: "Nhà mình có ông anh họ, hai năm trước anh cũng không cho thằng con trai học trước, thế là vào lớp một suốt ngày đứng đội sổ, cô giáo còn chê cho nữa chứ. Mặc dù rất không thích, nhưng chắc mình vẫn phải cho con học sớm thôi. Để con mình khỏi lạc lõng khi vào lớp một". Bằng kinh nghiệm của chính mình, chị Hà - mẹ cháu V. lớp 1 ở trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 nói: "Hầu hết con của bạn bè tôi đều học chữ trước, có cháu còn học từ bốn tuổi khi đang ở lớp chồi. Với thực tế như vậy, nếu tôi cứ nghe theo lời khuyên của các thầy cô ở ngành giáo dục thì con tôi chỉ có thiệt".

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

không cho trẻ học sớm vào lớp 1 làm sao học kịp ?
Ngày gửi: 6/21/2008 10:36:31 PM

Chủ trương chung là vào lớp 1 trẻ mới học những kỹ năng cơ bản như câm bút, cách ngồi... nhưng thực tế so với chương trình học, thời gian học số tiết học, số môn học .. quy định trên một buổi học thì thực sự nếu trẻ chưa biết đọc, viết 29 chữ cái trước khi vào lớp 1 thì chắc chắn phải hơn 80% trẻ / lớp không theo nổi chương trình của lớp 1 vậy vấn đề này do đâu???


guest
Các bạn
Ngày gửi: 6/21/2008 11:26:51 PM


“Từ nhiều năm qua, ngành giáo dục đâu có quy định các trường mầm non và tiểu học tuyệt đối không tổ chức dạy chương trình lớp 1 cho trẻ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.....”Cái qui định trên có từ thời ông Bộ trưởng tên là Hiển thì phải.
Ngành giáo dục của ta nặng về duy ý chí, cứ một vài người như thầy Hiển thấy hay là áp đặt cực đoan cho trẻ em toàn quốc. Đúng ra ngành giáo dục chỉ ngăn chặn những gì thực sự phản khoa học chứ không thể nhìn một chiều là cứ trẻ đi học chữ sớm là vẹo cột sống, cận thị, .. là thầy cô giáo sẽ lơi dụng phụ huynh làm giàu bất chính... trong khi việc kiểm soát các vấn để trên có thể thực hiện theo nhiều phương pháp nhân văn, vừa cho trẻ khỏa mạnh, vừa có cơ hội phát triển trí tuệ và khả năng từ khi còn bé mà không bị vùi dập, hạn chế một cách tức tưởi.
Nhân câu chuyện Thầy Bộ trưởng Hiển trước khi nghỉ hưu vẫn tâm huyết sang tận Anh hoc thêm trình độ A anh văn để phụng sự thêm các ý tưởng của thầy cho nền giáo dục nước nhà theo kiểu cấm trẻ em dưới 6 tuổi học chữ, tôi kể câu chuyện của cá nhân tôi.

Tôi có cơ hội đi học thạc sĩ về chiến lược ở một trong những trường danh giá nhất Ấn độ. Ở đó có khoảng 30 nước khác cũng gửi học viên trong đó có Anh, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn,....Cho đến Thái Lan, Việt Nam và châu Phi... Khác với thầy hiển chờ đến khi nghỉ hưu, tôi thì coi đây là cơ hôi ngàn vàng cho con gái 6 tuổi vừa học xong mẫu giáo ở một trường HN cùng đi để học tiếng Anh bên đó. Cả nhà trường gồm khoảng 400 học viên cùng gia đình đã là một môi trường cực tốt cho bố con tôi ở Ấn Độ, dù các nước giàu họ có cả vợ con đi theo hỗ trợ, chỉ co mỗi Vietnam (tôi là hoc viên VN duy nhất) dám tay bo gà trống nuôi con và theo hoc chương trình thạc sĩ trong 1 năm đó, từ tháng 5- 2007 đến tháng 5- 2008.
Kết quả thật kỳ diệu, tôi thì nổi tiếng khắp toàn trường với việc gà trống nuôi con theo học cực kỳ căng thẳng mà vẫn đỗ tốt nghiệp (dù tôi biết điểm của tôi ở tốp cuối so với các nước khác). Nhưng con tôi thì nổi tiếng toàn trường vì khả năng hội nhập của cháu, từ một đứa bé chẳng thể giao tiếp tí nào tiếng Anh, điểm thi vào lớp 1 và lần thi đầu “đội sổ” cháu đã vương lên đứng khoảng thứ 6-7 trong lớp học có 18 bạn, cháu cũng là hoc sinh nữ duy nhất của lớp đạt huy chương vàng khối lớp 1 toàn trường môn chạy 50 mét và chạy có ngậm thìa đựng quả chanh “lime and spoon competition”, cháu cũng tham gia vào các hôi diễn văn nghệ của toàn trường vì cháu thuộc nhiều bài hát Hindi, ty nhiên cháu chỉ viết được một ít chữ Hindi của Ấn độ đơn giản, còn lại là mượn vở của bạn để “vẽ chữ”, trường không tính điểm môn này để đánh giá cháu nên cháu vẫn được xếp loại hoc sinh xuất sắc “A sao” khi kết thúc năm học tại ẤN Độ. Giờ đây cháu có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh với mọi bạn bè quốc tế, đọc chép chính tả các câu đơn giản và đọc đước các chuyện Tiếng Anh cho nhi đồng mà các bạn vẫn thấy bán ở các siêu thị lớn ở VN… Hôm mẹ cháu sang với 2 bố con sau 5 tháng, rồi mẹ cháu sinh em bé tại bệnh viện của bạn, tôi bận đi học nên không thể túc trực chăm vợ đẻ ở viện, chính cháu là người dịch cho mẹ những gì mẹ cháu cần phản ánh, thắc mắc với bác sĩ và những gì bác sĩ căn dặn, yêu cầu mẹ cháu phải làm. Một lần nữa cháu làm nhiều bác sĩ Ấn độ kinh ngạc và rất ấn tượng trong khi mẹ cháu thì tuyệt vọng trong giao tiếp tiếng Anh tại nước ngoài, nhất là chủ đề em bé, vậy mà ở trong nước vợ tôi làm báo chí,có hai bằng đại học xã hội nhân văn và đương nhiên có chứng chỉ C Anh văn do Bộ giáo dục đào tạo cấp…. Cháu nhà tôi còn thuộc lòng cửu chương từ bảng 1 đến bảng 11 do chương trình họ là thế, lên lớp cao hơn họ hoc đến bảng 20 X 20 chư không dừng ở bảng 10 như VN…. Điều đáng nói là cháu đã phải đuổi kịp các bạ Ấn độ và một số nước biết viết chữ từ khi 4-5 tuổi theo chương trinh ở mẫu giáo của họ (từ Nursery tới LKG: Low kinder garten và UKG: Upper kinder garten), hơn nữa, khi ở VN, ngoài không được học chữ cái Latinh theo quy định của Thầy Hiển (Bộ) cháu không hề biết nói tiếng Anh (tuy nhiên tiếng Việt cháu nói rất tốt và từ nhỏ không hề ngọng).
Oái oăm thay sau một năm học bên đó, tháng 5 năm nay hai bố con và gia đình tôi về nước, hỏi thăm thủ tục xin cho cháu học lớp 2 thế nào thì chẳng ai mach cho tôi một cái quy định cụ thể nào của Bộ, lại cứ bảo chung chung là cứ mang cháu đến trường nào đó quen biết, nộp bản kết quả học tập, giấy chuyển trường từ nước ngoài kèm bản dịch tiếng VN có photo công chứng, hiệu trưởng kiểm tra thấy được và “thương” cháu thì cho học. Thôi thì cũng chấp nhận thế vậy, nhưng khi họ hỏi con tôi về tiếng Việt thì cháu hầu như chưa thuộc hết mặt chữ và không thể ghép vần… và các cô giáo khẳng định cháu khó có thể vào lớp 2 năm nay…
Tôi thảng thốt lo cho cháu và cho những nỗ lực của mình nay có thể thành tai họa khi cháu sẽ phải nhập học cùng các bạn mẫu giáo sắp vào lớp 1 chỉ vì mấy cái chữ mà ông Alexan De Rhode đã nghĩ ra cho người Việt ta ghép vần trên nền chữ cái Latinh từ vài trăm năm trước.. Hoàn hồn lại, tôi quyết định xin nghỉ luôn 2 tháng ở nhà để dạy con học cái thứ chữ mà người Tây đã mang vào Việt Nam ấy xem cháu có thể làm một lần nữa chuyển cái gì thuộc về tiếng Anh mà cháu đã học sang tiếng Việt như ông De Rhode đã làm không. Sau gần 2 tháng (tháng 5 và nay đã gần cuối tháng 6), tôi có thể vui mừng thông báo là con tôi đã có thể viết chữ, ghép vần tiếng Việt và đọc được các bài thơ, các câu chuyện nhỏ bằng tiếng Việt.. Lần nữa tôi đem cho các cô giáo Việt nam kiểm tra và nhờ bồi dưỡng thêm với hy vọng cháu sẽ được vào lớp 2 trường công lập năm nay… Cô vui mừng bảo như thế là được, chỉ cần luyện chữ sao cho đẹp (Ấn độ không tính điểm viết đẹp, họ coi trọng viết đúng, giữ gìn sách vở đồ dùng tốt… . là được, nhưng trẻ em nêu được học phải biết 2-3 thứ tiếng và dùng thành thạo vi tính), cần chú trọng trình bày lời giải toán đố tiếng Việt sao cho đúng mẫu yêu cầu….

Tôi thở phào nhẹ người và gửi luôn cháu vào lớp học hè cùng các bạn sắp lên lớp 2 học thêm. Chờ ngày thi vào lớp 2 và khai trường ở VN (nói thêm tôi không đủ tiền cho con vào trường Quốc tế và cũng biết rằng các trường Đoàn thị Điểm, Lomoloxop… chỉ dành cho con các trọc phú VN thời đổi mới đến học).
Tiếc hai tháng ngồi rèn con học, cạy cuc các cô giáo, tôi nghĩ giá như tôi phát hiện ra cái qui định cấm trẻ em dưới 6 tuổi học chữ quốc ngữ từ 2 năm trước, tôi đã cho cháu đi học thêm từ khi 4 tuổi, vừa học vừa chơi, để giờ về nước đỡ khổ cháu, đỡ khổ tôi…. Và còn nhiều nhiều điều muốn nói nữa nhưng thôi.
Hà nôi 24.00 hours 22.06.08
Mainavy




guest

Đồng cảm với bạn
Ngày gửi: 6/23/2008 2:41:19 PM

Tôi rất cảm ơn những chia xẻ của bạn. Chính vì những quy định không biết dựa vào cơ sở nào mà làm cho trẻ em Việt Nam của ta ngày càng bị thui chột tài năng, có những trẻ không cần phải vào lớp một mới đọc viết được, nhiều khi do tiếp xúc, đọc tranh chuyện,...bé đã tự đọc và viết được, chẳng lẽ khi bé tự tìm hiểu ta lại cấm bé? (tôi không nói đến trường hợp ép con học sớm khi bé không thích), nền giáo dục của ta ngay từ những năm đầu đời đã không có môi trường cho sự sáng tạo, không cho cơ hội phát triển trí tuệ và khả năng, không phát triển thể chất khỏe mạnh và thiếu kỹ năng sống. Ngay cả trường hợp bé có khả năng học nhảy, lên những lớp trên dù chưa đủ tuổi, ở Việt Nam là không có chuyện này, trong khi các nước khác, chuyện học nhảy là rất bình thường nếu trẻ có khả năng và được khuyến khích.
Nên nếu muốn con mình học được những kỹ năng cơ bản của cuộc sống, học để trở thành người có văn hóa và tri thức, có ích cho xã hội, ta phải cố gắng dành thời gian, công sức và tiền bạc cho con để bổ sung những cái thiếu của trường học, chứ không thể trông chờ vào cái gọi là qui định này nọ của giáo dục Việt Nam.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Suýt chết vì 2 lần sặc thức ăn (20/6)
 Năm học 2008-2009: Tăng thời lượng học (20/6)
 Gần 1.000 trẻ mới sinh tại Hà Nội là con thứ ba. (20/6)
 Chương trình "Quốc tế" đến đâu? (19/6)
 Dự án dinh dưỡng học đường đạt hiệu quả cao (19/6)
 116111: Số máy giúp đỡ trẻ em khẩn cấp (19/6)
 Xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh TPHCM: Vì sao nhiều trẻ 6 tuổi không được ra lớp? (19/6)
 Dạy các em cách “sống đẹp” (19/6)
 Tham dự miễn phí: Chương trình giúp con thành đạt. (18/6)
 Trẻ em nôn nao đợi sách hè giảm giá (18/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i