Đang ăn đậu phộng (lạc), bé Ngọc ở An Giang bị sặc mạnh khiến mảnh đậu văng vào khí quản gây khó thở. Sức khỏe chưa hồi phục thì vài giờ sau, bé tiếp tục bị sặc cơm và thịt khi ăn. Cháu bị suy hô hấp nặng phải nhập viện.
Quá nguy kịch do suy hô hấp, toàn thân tím tái, bệnh nhi 26 tháng tuổi này được bệnh viện chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, trưa qua.
Nội soi đường thở, các bác sĩ phát hiện nhiều mảnh thức ăn nằm trong phế quản. Do các mảnh thức ăn dễ bị vỡ và nằm quá sâu bên trong nên phải mất đến nhiều giờ liền bác sĩ mới "nhặt" hết.
Bệnh nhi đang được chăm sóc tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: nhidong.org.
Sáng nay, sau khi gần 20 mảnh đậu phộng, cơm và thịt được "giải phóng" khỏi đường thở, sức khỏe của bệnh nhi đã dần cải thiện.
Theo mẹ cháu bé, lần sặc đầu tiên xảy ra khi Ngọc và chị gái ăn lạc luộc. Thấy mẹ nhờ đưa gói thuốc lá cho chú, hai chị em tranh nhau đưa, Ngọc khóc nấc và bị sặc. Thay vì đưa đến bệnh viện, mẹ lại cho cháu ăn cơm với thịt, mong muốn lượng cơm này cháu ăn để tống hạt lạc còn sót lại xuống bao tử cháu. Nào ngờ Ngọc còn bị sặc dữ dội hơn.
Tại Bệnh viện tỉnh An Giang, cháu lơ mơ tím tái, khó thở, các bác sĩ hút ra nhiều cơm, thịt từ đường thở, sau đó da bé hồng trở lại, tri giác khá hơn, nhưng vẫn còn khó thở nên buộc phải chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca hóc dị vật, trong đó nhiều trẻ suýt tử vong vì sặc thức ăn.
Để tránh tai nạn trên, bác sĩ Tiến khuyên người lớn không nên tạo tình huống khiến trẻ giận dữ gây khóc trong lúc ăn; không để trẻ ăn uống hoặc bú trong khi khóc. Khi phát hiện trẻ ngậm phải vật lạ trong miệng, hãy bình tĩnh, không gây hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ, nhất là không được dùng tay móc dị vật mà không nhìn thấy vì dễ làm dị vật lọt vào đường thở.
Khi trẻ bị sặc, nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không được trị sặc như cách mà phụ huynh cháu Ngọc đã thực hiện.
( Theo VnExpress )