Luật Giáo dục quy định 100% trẻ 6 tuổi phải được đi học nhưng nhiều trẻ em đúng tuổi vào lớp 1 (sinh năm 2002) của xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh TPHCM không được trường nhận vào. Các em đang thuộc diện trong tuyến bỗng trở thành ngoài tuyến. Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày đầu tiên Trường Tiểu học (TH) Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh nhận đơn vào lớp 1, hàng trăm phụ huynh học sinh (PHHS) đã vây chật kín sân trường khi con em mình không có tên trong danh sách nhập học của trường. PHHS hoang mang không biết con em mình sẽ học ở đâu. Nhà trường chỉ chấp nhận đơn của HS đã đi học ở Trường Mầm non (MN) Hoa Thiên Lý. Trong khi, số trẻ 6 tuổi thường trú, tạm trú ở khu vực cao hơn nhiều so với con số 181 HS lớp 1 mà Phòng Giáo dục duyệt cho Trường TH Vĩnh Lộc B.
|
Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B xuống cấp bỗng trở thành điểm nóng tuyển sinh. Ảnh: D.DOANH |
Ông Nguyễn Văn Quân, Bí thư ấp 3 xã Vĩnh Lộc B, có nhà cách trường chỉ vài trăm mét nhưng cháu ông là Nguyễn Thị Phương Anh, sinh năm 2002 cũng không có tên trong danh sách của trường. Ông bức xúc: Trường MN Hoa Thiên Lý không thu nhận hết trẻ trên địa bàn nên cháu tôi dù hộ khẩu ở ấp 3 Vĩnh Lộc B phải chạy tuốt lên học mẫu giáo trên xã Phạm Văn Hai.
Giờ đến tuổi học lớp 1, cháu quay về đây thì không được nhận vào trường chỉ vì không có “gốc” Hoa Thiên Lý. Giả sử trẻ nghèo không có tiền đi học mẫu giáo thì không có cơ hội đến trường sao? Vì sao HS trên địa bàn bị bỏ quên, trong đó có cả nhiều trường hợp có hộ khẩu thường trú, KT3 hẳn hoi?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến trẻ 6 tuổi không được gọi ra lớp vì công tác điều tra dân số của xã Vĩnh Lộc B không chính xác. Thay vì đến từng gia đình để nắm số trẻ 6 tuổi trên địa bàn thì chính quyền “bê nguyên xi” danh sách 181 HS 5 tuổi đang học mẫu giáo tại MN Hoa Thiên Lý làm “đại diện” cho toàn trẻ ấp 2, ấp 3 xã Vĩnh Lộc B. Trong khi ngoài MN Hoa Thiên Lý ra, trẻ ở khu vực này phải học tản mác ở các trường MN Thanh Ngân, Hoa Phượng, Hoa Lan… Trường TH Vĩnh Lộc B không phải là trường điểm của huyện Bình Chánh, trường đang xuống cấp trầm trọng. Các phòng học bị dột, khi trời đổ mưa là thầy trò tạm ngưng việc học để che mưa. Thế mà bỗng dưng trường trở thành “điểm nóng” về tuyển sinh.
Trước tình trạng trên, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Vọi, Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Lộc B.
- PV: Thưa ông, PHHS rất bức xúc khi trường không chịu nhận đơn?
Ông ĐỖ VĂN VỌI: PHHS bức xúc là phải. Luật Giáo dục quy định đi học là quyền của mọi trẻ em nhưng trường không đủ điều kiện nên không dám nhận. Từ chối PHHS, tôi cũng đau lòng lắm. Một PHHS nói với con: “Thôi về con, để mẹ cho con đi bán vé số”. Nghe câu nói này xong, tôi đau lắm nên quyết định nhận tạm hồ sơ. Nhận cho PHHS yên lòng thôi, chứ tôi chưa phát hành đơn vào lớp 1 cho PHHS. Tôi còn phải xin ý kiến chỉ đạo của Phòng Giáo dục nữa. Tôi hứa với PHHS sẽ trả lời họ vào ngày 23-6. UBND huyện và Phòng GD chỉ giao cho tôi chỉ tiêu tuyển sinh 181 em (6 lớp). Giờ “nở” thêm 3 lớp nữa thì phòng phải cho tôi thêm 3 giáo viên (GV).
- Nếu Phòng Giáo dục Bình Chánh không đồng ý cho trường tuyển thêm GV thì trường giải quyết số hồ sơ mới phát sinh như thế nào?
Tôi đành phải bó tay, trả hồ sơ lại cho PHHS thôi. Thực tế, dù các phòng học của trường đều xuống cấp nhưng có thể mở thêm 3 lớp phát sinh thêm. Quan trọng nhất là khâu GV. Trường có 29 GV chủ nhiệm đã phân đúng cho 29 lớp. Nở thêm 3 lớp, tức là cần thêm 3 GV. Đó là chưa kể tôi nghe nói Phòng Giáo dục đồng ý cho 2 GV của trường thuyên chuyển đi chỗ khác. Nếu đúng như thế thì số GV trường cần sẽ phải tăng thêm.
- Bình Chánh đang thiếu GV tiểu học, ở một số trường, ban giám hiệu phải đứng lớp. Nếu Phòng Giáo dục yêu cầu trường tăng sĩ số lớp lên để không “tốn” GV thì ông có làm được không?
Sĩ số chuẩn quy định bậc tiểu học là 35 HS/lớp. Nếu tăng mỗi lớp thêm 5 HS thì chỉ giải quyết được thêm 30 chỗ học. Đến chiều 18-6, trường đã nhận 90 đơn của PHHS có hộ khẩu thường trú, tạm trú. Ngày 30-6 mới khóa sổ, số trẻ phát sinh sẽ còn cao hơn nữa. Tôi không đồng tình phương án dồn HS như thế, vừa không có đủ chỗ cho tất cả trẻ vừa không có chất lượng, mà GV sẽ không dạy nổi.
Phải chăng vì cách làm việc tắc trách của những người có trách nhiệm mà trẻ đến tuổi đi học không được ra lớp? Như vậy, số phận của nhiều HS trong tuyến xã Vĩnh Lộc B vẫn còn chờ đợi câu trả lời từ phía Phòng Giáo dục Bình Chánh.
( Theo SGGP )