TP đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, luân chuyển giáo viên giỏi giữa các trường nhằm kéo chất lượng các trường ngang bằng nhau.
Những năm trước, phụ huynh muốn “chạy” cho con vào lớp 1 tại một trường tiểu học nào đó rất đơn giản. “Năm nay, chuyện đó dứt khoát không còn. Ngành giáo dục TP.HCM đang dần dần xóa bỏ nếp nghĩ ở phụ huynh về những trường điểm bằng cách nâng cao chất lượng đồng đều giữa các trường trong thành phố” - ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khẳng định với chúng tôi.
Chỉ duy nhất “đúng tuyến, gần nhà”
. Trước đây, ngành giáo dục có phân tuyến theo kiểu: gần nhà, gần chỗ làm của cha mẹ. Nhưng năm nay, quan điểm của ngành là dứt khoát không tuyển học sinh lớp 1 trái tuyến. Vậy nhu cầu của phụ huynh là muốn cho con học trái tuyến để thuận tiện đưa đón có còn được tiếp nhận không thưa ông?
+ Học sinh trên địa bàn nào thì học ở địa bàn đó, nhận trái tuyến thì áp lực học sinh đổ dồn về một số trường nào đó sẽ không loại trừ một số nơi lợi dụng việc tuyển trái tuyến để tiêu cực. Thực tế có tình trạng hộ khẩu một nơi nhưng tạm trú ở nơi khác. Trước đây, những trường hợp này được áp dụng sống ở đâu học ở đấy nhưng năm nay, phân tuyến tuyển sinh lớp một là theo hộ khẩu thường trú nên cũng sẽ có những khúc mắc. Ngành cũng chưa có hướng mở cho nhóm đối tượng có hộ khẩu ở quận này nhưng trạm trú ở quận khác.
Còn dạng các cháu vào lớp 1 ở quận này nhưng cha, mẹ làm việc ở quận khác thì nên làm đơn trình bày hoàn cảnh có xác nhận nơi làm việc của cha, mẹ nộp về phòng giáo dục. Sau đó, Sở sẽ tìm hướng giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Nâng cao chất lượng đồng đều giữa các trường trong thành phố
để dần dần xóa bỏ nếp nghỉ “chạy trường”.
(Trong ảnh: Giờ tan học tại trường Chính Nghĩa, quận 5. Ảnh minh họa: HTD)
. Để hạn chế “chạy trường”, ngành giáo dục đã bỏ tên gọi “trường trọng điểm chất lượng cao” ở các cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Nhưng thực tế, ở một quận nào đó khi nói đến trường tốt, phụ huynh kể tên vanh vách và luôn muốn con mình vào đó học?
+ Ngành giáo dục đang từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tất cả các đơn vị trường học, rút ngắn khoảng cách chất lượng. Ngày trước, khi nói học sinh hệ bán công, dân lập là chúng ta nghĩ ngay đến các em học yếu, kém. Khoảng vài năm trở lại đây, học sinh ngoại thành, các trường dân lập đã có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, thậm chí có trường dân lập ba năm qua vẫn giữ được tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%.
Phụ huynh ai cũng muốn cho con học trường tốt nhưng khả năng tiếp nhận của các trường có giới hạn. Ngành luôn muốn các trường đều có chất lượng như nhau. Mong muốn của chúng ta đều chính đáng Nhưng cần phải có quá trình thực hiện. Trước mắt, ngành cố gắng chứng minh cho phụ huynh thấy chất lượng đào tạo của các trường ở các địa phương đang gần nhau.
Kiểm tra sĩ số vượt quá mức
. Năm nay, lớp 6 vẫn còn nhận học sinh trái tuyến, như Tân Bình, Tân Phú khi xét tuyển luôn dành tỷ lệ nhất định cho học sinh giỏi chọn trường theo nguyện vọng. Trong khi đó, các quận 1, 3, 5, 6 nơi có nhiều trường “nổi tiếng” không làm cách này, thưa ông?
+ Đây là cách làm riêng của từng quận, làm sao đảm bảo công bằng và đúng chủ trương thì ngành ủng hộ. Phương án tuyển là làm sao con em trên địa bàn đủ điểm và đúng tuyến là phải được học trường công, cũng cần chú ý đến đối tượng học sinh diện chính sách, xóa đói giảm nghèo. Xét tuyển theo cách nào cũng phải được UBND địa phương thông qua, đồng ý và phê duyệt; không được âm thầm làm, dễ có điều tiếng không hay.
. Ngành đã khống chế sĩ số lớp học đối với học sinh lớp 1 là không quá 35 học sinh/lớp, lớp 6 không quá 45 học sinh/lớp. Nhưng các địa phương cho rằng không thể nào làm được vì dân số cơ học luôn tăng và để đảm bảo các cháu có chỗ học, đành nhét thêm vào mỗi lớp vài ba em, thưa ông?
+ Thật ra quy định sĩ số lớp học nhằm tạo điều kiện cho thầy cô giáo chăm sóc học trò mình tốt hơn, nâng chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, ở một vài quận, huyện do phòng học chưa đủ đáp ứng có thể sĩ số nhích lên vài em để các cháu được đến trường. Tuy nhiên, từng địa phương cũng phải kiểm tra sĩ số ở các trường để ngăn chặn tiêu cực.
. Đang mùa tuyển sinh đầu cấp, ông có lời khuyên nào dành cho phụ huynh khi mang ý nghĩ phải “chạy trường” cho con bằng mọi giá?
+ Ngành phải kiên quyết nói không với tiêu cực, UBND quận, huyện phải tính toán kỹ lưỡng, khả năng trường lớp, lượng dân nhập cư. Các phụ huynh đừng nóng vội, ngành giáo dục TP đang tập trung nâng cao chất lượng, xây thêm nhiều trường mới khang trang và đầu tư cơ sở vật chất ngang nhau, luân chuyển giáo viên giỏi giữa các trường.
Tôi nghĩ năm năm tới, chất lượng các trường được nâng lên, phụ huynh sẽ không còn ý nghĩ “trường điểm” và sẽ hạn chế “chạy trường”. Bằng chứng là không nhận học sinh trái tuyến lớp 1 từ năm nay. Lứa này năm năm tới sẽ học lớp 6 theo địa bàn gần trường tiểu học đã học.
.
Xin cảm ơn ông.
Theo Tin Tức