Giáo dục mầm non
   Quy định trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi: Thiếu thực tế?
 
Nếu nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi, các trường mầm non sẽ phải cần thêm rất nhiều nhân lực. (Ảnh: C.H)
Việc Bộ GD&ĐT quy định các nhà trẻ buộc phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên đã gây xôn xao trong dư luận thời gian qua. Có ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây là một quy định thiếu thực tế...

“Tìm đỏ mắt” chỗ gửi con
Chị Võ Thị Thanh, ở 65 ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột, Hà Nội, có hai con trai (một 5 tuổi, một 2,5 tuổi) cho biết: Lần chị sinh cháu đầu, sau khi hết thời gian nghỉ sinh 4 tháng cho đến khi bé 3 tuổi (đủ tuổi đến trường mầm non) chị đã phải thuê đến 13 người giúp việc. Biết rằng, việc thay đổi người liên tục sẽ không tốt cho sự phát triển của con nhưng chị không còn sự lựa chọn nào khác, vì bản chất của loại hình lao động này là không ổn định.

Do vậy, khi sinh bé thứ hai chị Thanh đã dành thời gian đi khắp các khu dân cư, khu tập thể gần nhà hoặc gần cơ quan để tìm người trông trẻ. Tìm được một bác trông trẻ khá sạch sẽ, nhà ở tầng 5 khu tập thể Hào Nam nhưng bác lại không nhận. Lý do là vì hiện bác đang trông 2 cháu và phụ huynh của các cháu yêu cầu không nhận thêm cháu thứ 3.

Chị Lều Thị Hiên, giáo viên trường mầm non Họa Mi (phường Khâm Thiên – Đống Đa – Hà Nội): 3 năm cao đẳng + 4 năm đại học: Chưa một lần được thực tập đối với trẻ 3 tháng tuổi
Hầu hết giáo viên chúng tôi đều đã trải qua môn học về sự phát triển và đặc điểm của trẻ từ 0 – 18 tháng tuổi, tuy nhiên đó chỉ là tiết học lý thuyết mà chẳng có thực hành. Tôi đã trải qua 3 năm học Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương và 4 năm học tại chức khoa Mầm non, trường Đại học Sư phạm, nhưng cho đến nay, nếu nhà trường phân công cho tôi chăm sóc lớp trẻ từ 3 – 18 tháng thì e rằng, tôi không thể đảm đương.
Vì sao? Vì ở lứa tuổi đó, mặc dù giáo trình có dạy chúng tôi nhưng đó chỉ là những tiết học giới thiệu sơ qua. Khi chúng tôi đi thực tập tại các trường mầm non, những kiến thức này không hề được vận dụng trong thực tế vì chẳng có trường nào có lớp trẻ dưới 18 tháng cả.
Sau đó chị tìm một phụ nữ khác, cũng ở khu tập thể Hào Nam đang chỉ trông một cháu bé sắp đến tuổi mẫu giáo, có nhu cầu nhận trẻ đúng vào thời điểm chị Thanh cần. Nhưng khi bước vào nhà, thấy cháu bé đang ngồi chơi tha thẩn trong căn phòng tối om, không bật điện nên chị Thanh chỉ hỏi dăm ba câu rồi bỏ đi.

Sau một thời gian vất vả đi tìm, chị Thanh đành phải gửi con cho một phụ nữ khoảng 40 tuổi, nhà ở Khâm Thiên, 3 năm nay đang trông một bé trai. Thấy cháu bé trắng trẻo, mập mạp, gia đình cô bảo mẫu khá vui vẻ, có hai con đã lớn cũng ngoan ngoãn nên chị Thanh quyết định gửi con ở đó cho đến giờ.

Chị Đặng Thúy Hằng, biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục cũng phải trải qua một chặng đường gian nan không kém. Mặc dù đã nhờ bạn bè tìm hộ người giúp việc, bản thân chị cũng tranh thủ những lúc con ngủ để đi dò hỏi các dịch vụ trông trẻ từ 4 tháng nhưng cho đến ngày đi làm, chị Hằng vẫn chưa tìm ra được cơ sở nào đáng tin cậy. Trong khi đó, không có một nhà trẻ công lập nào nhận trẻ 4 tháng tuổi.

Nghe bạn bè tư vấn, bà mẹ trẻ quyết định không tìm thuê người giúp việc mà đi tìm người có kinh nghiệm trông trẻ ở gần nhà để gửi. Chị Hằng bỏ ra một mức lương khá hậu hĩnh với yêu cầu người trông trẻ chỉ trông con mình, không nhận thêm bất cứ một trẻ nào khác! Thời gian đầu mới đưa con đi gửi, trưa nào chị cũng tranh thủ về cho con bú, vừa là để theo dõi và hướng dẫn người trông trẻ thực hiện theo những yêu cầu của mình.

Nơi làm việc của chị Hằng cách nhà gần chục cây số, ròng rã suốt 2 tháng trời chị phải đi đi về về như vậy giữa buổi trưa nắng gắt. Cũng may, cháu bé ít ốm đau. Giờ cháu đã 22 tháng, được chị gửi vào một trường tư thục. Chị như trút được gánh nặng vì sự lo lắng luôn đè nặng khi thấy trên báo đài phản ánh những vụ việc bạo hành trẻ hay xảy ra các dịch vụ trông giữ trẻ tư nhân.

Chị Liễu (bán hàng nước ở đường Giảng Võ - HN):
"Nếu có trường công nào nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi, tôi gửi cháu ngay" (chụp chiều 22/5). Ảnh: Chí Cường

Bất ngờ từ nhiều phía
Đến ngày 7/4 vừa qua, Bộ GD&ĐT ra quyết định các trường mầm non công lập, bán công, dân lập cũng như tư thục phải tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đã khiến nhiều người khá bất ngờ. Bất ngờ từ cả phía phụ huynh lẫn nhà trường. Tuy nhiên, phụ huynh bất ngờ vì sung sướng, còn nhà trường bất ngờ bởi hàng ngàn nỗi lo trước sức ép của quy định này.

Bà Trần Thúy Lam – Phó Hiệu trưởng trường mầm non Họa Mi:
Trường chúng tôi là trường công, nên nhà nước có quy định thì sẽ phải thực hiện. Nhưng bắt đầu từ đâu thì cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy lối ra. Theo tôi, để thực hiện được quy định này, đối với hệ thống trường công, nhà nước cần phải có một sự đầu tư đồng bộ, từ cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên cho đến lương, thưởng.
Riêng vấn đề lương, với quy định về học phí như hiện nay (70.000 đồng/tháng đối với nhà trẻ; 50.000 đồng/tháng đối với mẫu giáo) thì tôi khẳng định, không trường nào thực hiện được. Nhà nước cần phải đầu tư đồng bộ
Chị Liễu bán hàng nước ở đường Giảng Võ - Hà Nội hiện vừa bán hàng, vừa trông con mới 6 tháng tuổi, cho biết: Nếu có trường công nào nhận trẻ từ 3 tháng tuổi chị sẽ đưa con đi gửi ngay. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường đều chưa thể thực hiện được quy định này bởi rất nhiều lý do. Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã đến một số trường ở Hà Nội, gặp lãnh đạo cũng như giáo viên và nhận thấy rằng, những khó khăn mà các trường nêu ra là có thật.

Trường Mầm non Họa Mi (thuộc phường Khâm Thiên, quận Hoàn Kiếm) chỉ có 4 phòng học, 1 nhà bếp, 1 phòng kế toán, 1 phòng lãnh đạo trường. Nếu bây giờ thực hiện việc nhận trẻ từ 3 tháng thì yêu cầu đầu tiên là phải có phòng, nhưng trường này chẳng còn một phòng trống hay phòng thừa nào nữa.

Muốn có thêm một lớp trẻ từ 3 tháng chẳng hạn, cần phải xây dựng ít nhất thêm 1 tầng nữa. Ngoài ra, còn đòi hỏi có trang thiết bị, đội ngũ giáo viên được đào tạo kỹ về chăm sóc lứa tuổi nhỏ này. Tất cả những yêu cầu đó hiện nay trường đều không thể đáp ứng được.

Lãnh đạo một trường mầm non cho biết, thực ra quy định này ra đời là chính bởi sức ép từ những vụ việc bạo hành và trẻ tử vong từ các dịch vụ trông trẻ tư trong thời gian qua. Vì thế, việc ra quy định có thể chỉ là một động thái sửa sai trong hệ thống chăm sóc giáo dục trẻ. Còn trong thực tê, ngành mầm non chưa thể thực hiện được công việc quá bất ngờ, đột ngột, mà chưa có chuẩn bị trước này!

Một trong số rất ít trường mà chúng tôi tìm được về việc thu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương). Hiện trường này đang thu nhận đơn của các phụ huynh có nhu cầu gửi con từ 3 tháng tuổi. Bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Hoa sen cho biết: Nếu nhận đủ 20 đơn, trường sẵn sàng tiếp nhận và tổ chức lớp nhà trẻ này.

Theo kế hoạch, trường sẽ mời những giáo viên và cô nuôi dạy trẻ trước đây (thời bao cấp) của nhà trường, giờ đã về hưu, quay lại làm việc. Đồng thời sẽ cử một số giáo viên trẻ vào lớp học này để các cô giáo cũ có kinh nghiệm kèm cặp và hướng dẫn. Trung bình 1 cô sẽ phụ trách 5 cháu. Nhưng vì lứa tuổi này phải có một chế độ chăm sóc đặc biệt, phải uống sữa và ăn dặm nên chi phí sẽ tốn kém hơn rất nhiều lứa tuổi mẫu giáo. Vì thế để thực hiện, mức học phí cho lứa tuổi này sẽ khác, phải là sự thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh. Và đương nhiên khi nhận lứa tuổi này, bất cứ trường nào cũng phải đảm bảo có một y tá hoặc bác sĩ nhưng vấn đề này không phải trường nào cũng làm được.

Cũng theo bà Tâm, những khó khăn mà các trường khác nêu ra là có cơ sở. Sở dĩ trường bà thực hiện được vì đã có một cơ sở rộng rãi, hơn nữa lại thuận lợi vì trước đây trường đã từng có thời gian tổ chức các lớp trẻ nhỏ tuổi này, sẵn có đội ngũ cô nuôi dạy trẻ, mặc dù đã về hưu nhưng lại có kiến thức cũng như kinh nghiệm chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi.

( Theo Giađình.Net )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Nhận trẻ 3 tháng tuổi
Ngày gửi: 5/24/2008 5:18:16 PM

Các trường nhà nước không giám nhận thì các trường tư thục cũng bó tay vì các trường tư thục người dân chẳng được hỗ trợ gì cả, tất cả đều ưu tiên cho các trương công lập thì các trường công lập phải thực hiện chính sách của nhà nước. Trong khi các trường tư thục nhận trẻ thì chỉ được từ 30 - 35 cháu trong khi trường công lập thì 50 đến 60 cháu 1 lớp vẫn hoan nghênh. Như vậy có công bằng không nên suy nghĩ lại, nhất là các cô hiệu trưởng của các trường công lập lúc nào cũng soi mói đủ điều giỏi thì cứ làm đi nhất là ở Đức Trọng - Lâm Đồng


guest
Nhận trẻ vào trường mầm non từ 3 tháng tuổi - Lợi bất cập hại
Ngày gửi: 5/26/2008 10:11:11 AM


Thông qua một số người bà con hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài (Úc, Canda, Mỹ - không phải ở tiểu bang Califonia)tôi có tìm hiểu thêm về việc nuôi một đứa con khi chưa đến tuổi gởi vào trường, nay muốn góp một ý kiến nhỏ xung quanh những xôn xao của dư luận về việc trường mầm non nhận trẻ 3 tháng tuổi.
Ở các nước tôi vừa nêu, việc làm vô cùng quan trọng đối với một người còn trong tuổi lao động, nếu sơ xuất vi phạm giờ giấc là có thể bị sa thải hay không được trọng dụng, kéo theo các hạn chế về tiền lương cũng như mọi thăng tiến, vì vậy khi quyết địnhcó một đứa con là bố mẹ phải tính toán, đắn đo rất nhiều.Khi có con nhỏ là phải lo nghĩ đến việc tìm người giữ khi mẹ hết thời gian nghỉ hộ sản (có nơi mẹ chỉ được nghỉ 2 tháng )
Mặt khác, các nơi giữ trẻ chỉ nhận trẻ đủ ba tuổi và phải biết tự phục vụ vệ sinh bản thân, biết tự xúc ăn và tự thay quần áo đơn giản. Chính những khó khăn này vô hình chung đã hạn chế tỷ lệ sinh con mà nhà nước không cần phải đề ra một biện pháp nào cả.
Trông người lại nghĩ đến ta, dân số ta thì tăng theo cấp số nhân, tôi thiết nghĩ biện pháp hạn chế tỷ lệ sinh con hiệu quả nhất có lẽ là để chính các ông bố bà mẹ phải tự hạn chế, vì sinh con ra và nuôi được con mà vẫn có việc làm ổn định thì không phải là bài toán dễ. Bây giờ sinh con mới 3 tháng đã có người nuôi (giá lại rẻ hơn kiếm người làm) thì khó mà hạn chế tỷ lệ sinh con ngày một tăng như hiện nay.Chưa kể đến để nuôi một đứa trẻ 3 tháng thì người nuôi phải có kiến thức và kỹ năng như thế nào, gánh nặng này lại dồn lên vai cô mầm non (vốn đã diễn rất nhiều vai), nếu cứ đà này tôi nghĩ chẳng còn cô nào dám học ngành mầm non và dạy mầm non nữa cả.
Nên chăng ta cứ để cho xã hội tự có sự phân công hợp lý, các ông bố bà mẹ phải ý thức được sự khó khăn khi kiếm người nuôi nấng con nhỏ thì mới tự bảo nhau đắn đo trước khi quyết định có con.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Xã hội hóa giáo dục mầm non tại TPHCM : Lợi nhuận thấp, khó thu hút đầu tư (22/5)
 Nhiều trường mầm non tư bớt xén tiền ăn của trẻ (22/5)
 Làm theo Bác từ những việc nhỏ (21/5)
 Về một truyện trong chương trình dạy trẻ ở trường mẫu giáo. (20/5)
 Giữ trẻ từ ba tháng tuổi: Khó! (19/5)
 Tuyển giáo viên mầm non quốc tế (19/5)
 Phụ huynh chờ đợi trong... hy vọng (17/5)
 Chuyển đổi loại hình trường mầm non: Các trường "sợ" vì sao? (17/5)
 Trường mầm non không thể "lấy khó bó khôn" (16/5)
 Bài 1: Phụ huynh mừng, nhà trường lo. (15/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i