Quy định trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi: Thiếu thực tế?
“Tìm đỏ mắt” chỗ gửi con Chị Võ Thị Thanh, ở 65 ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột, Hà Nội, có hai con trai (một 5 tuổi, một 2,5 tuổi) cho biết: Lần chị sinh cháu đầu, sau khi hết thời gian nghỉ sinh 4 tháng cho đến khi bé 3 tuổi (đủ tuổi đến trường mầm non) chị đã phải thuê đến 13 người giúp việc. Biết rằng, việc thay đổi người liên tục sẽ không tốt cho sự phát triển của con nhưng chị không còn sự lựa chọn nào khác, vì bản chất của loại hình lao động này là không ổn định. Do vậy, khi sinh bé thứ hai chị Thanh đã dành thời gian đi khắp các khu dân cư, khu tập thể gần nhà hoặc gần cơ quan để tìm người trông trẻ. Tìm được một bác trông trẻ khá sạch sẽ, nhà ở tầng 5 khu tập thể Hào Nam nhưng bác lại không nhận. Lý do là vì hiện bác đang trông 2 cháu và phụ huynh của các cháu yêu cầu không nhận thêm cháu thứ 3.
Sau một thời gian vất vả đi tìm, chị Thanh đành phải gửi con cho một phụ nữ khoảng 40 tuổi, nhà ở Khâm Thiên, 3 năm nay đang trông một bé trai. Thấy cháu bé trắng trẻo, mập mạp, gia đình cô bảo mẫu khá vui vẻ, có hai con đã lớn cũng ngoan ngoãn nên chị Thanh quyết định gửi con ở đó cho đến giờ. Chị Đặng Thúy Hằng, biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục cũng phải trải qua một chặng đường gian nan không kém. Mặc dù đã nhờ bạn bè tìm hộ người giúp việc, bản thân chị cũng tranh thủ những lúc con ngủ để đi dò hỏi các dịch vụ trông trẻ từ 4 tháng nhưng cho đến ngày đi làm, chị Hằng vẫn chưa tìm ra được cơ sở nào đáng tin cậy. Trong khi đó, không có một nhà trẻ công lập nào nhận trẻ 4 tháng tuổi. Nghe bạn bè tư vấn, bà mẹ trẻ quyết định không tìm thuê người giúp việc mà đi tìm người có kinh nghiệm trông trẻ ở gần nhà để gửi. Chị Hằng bỏ ra một mức lương khá hậu hĩnh với yêu cầu người trông trẻ chỉ trông con mình, không nhận thêm bất cứ một trẻ nào khác! Thời gian đầu mới đưa con đi gửi, trưa nào chị cũng tranh thủ về cho con bú, vừa là để theo dõi và hướng dẫn người trông trẻ thực hiện theo những yêu cầu của mình. Nơi làm việc của chị Hằng cách nhà gần chục cây số, ròng rã suốt 2 tháng trời chị phải đi đi về về như vậy giữa buổi trưa nắng gắt. Cũng may, cháu bé ít ốm đau. Giờ cháu đã 22 tháng, được chị gửi vào một trường tư thục. Chị như trút được gánh nặng vì sự lo lắng luôn đè nặng khi thấy trên báo đài phản ánh những vụ việc bạo hành trẻ hay xảy ra các dịch vụ trông giữ trẻ tư nhân. Chị Liễu (bán hàng nước ở đường Giảng Võ - HN):
"Nếu có trường công nào nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi, tôi gửi cháu ngay" (chụp chiều 22/5). Ảnh: Chí Cường Bất ngờ từ nhiều phía Đến ngày 7/4 vừa qua, Bộ GD&ĐT ra quyết định các trường mầm non công lập, bán công, dân lập cũng như tư thục phải tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đã khiến nhiều người khá bất ngờ. Bất ngờ từ cả phía phụ huynh lẫn nhà trường. Tuy nhiên, phụ huynh bất ngờ vì sung sướng, còn nhà trường bất ngờ bởi hàng ngàn nỗi lo trước sức ép của quy định này.
Trường Mầm non Họa Mi (thuộc phường Khâm Thiên, quận Hoàn Kiếm) chỉ có 4 phòng học, 1 nhà bếp, 1 phòng kế toán, 1 phòng lãnh đạo trường. Nếu bây giờ thực hiện việc nhận trẻ từ 3 tháng thì yêu cầu đầu tiên là phải có phòng, nhưng trường này chẳng còn một phòng trống hay phòng thừa nào nữa. Muốn có thêm một lớp trẻ từ 3 tháng chẳng hạn, cần phải xây dựng ít nhất thêm 1 tầng nữa. Ngoài ra, còn đòi hỏi có trang thiết bị, đội ngũ giáo viên được đào tạo kỹ về chăm sóc lứa tuổi nhỏ này. Tất cả những yêu cầu đó hiện nay trường đều không thể đáp ứng được. Lãnh đạo một trường mầm non cho biết, thực ra quy định này ra đời là chính bởi sức ép từ những vụ việc bạo hành và trẻ tử vong từ các dịch vụ trông trẻ tư trong thời gian qua. Vì thế, việc ra quy định có thể chỉ là một động thái sửa sai trong hệ thống chăm sóc giáo dục trẻ. Còn trong thực tê, ngành mầm non chưa thể thực hiện được công việc quá bất ngờ, đột ngột, mà chưa có chuẩn bị trước này! Một trong số rất ít trường mà chúng tôi tìm được về việc thu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương). Hiện trường này đang thu nhận đơn của các phụ huynh có nhu cầu gửi con từ 3 tháng tuổi. Bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Hoa sen cho biết: Nếu nhận đủ 20 đơn, trường sẵn sàng tiếp nhận và tổ chức lớp nhà trẻ này. Theo kế hoạch, trường sẽ mời những giáo viên và cô nuôi dạy trẻ trước đây (thời bao cấp) của nhà trường, giờ đã về hưu, quay lại làm việc. Đồng thời sẽ cử một số giáo viên trẻ vào lớp học này để các cô giáo cũ có kinh nghiệm kèm cặp và hướng dẫn. Trung bình 1 cô sẽ phụ trách 5 cháu. Nhưng vì lứa tuổi này phải có một chế độ chăm sóc đặc biệt, phải uống sữa và ăn dặm nên chi phí sẽ tốn kém hơn rất nhiều lứa tuổi mẫu giáo. Vì thế để thực hiện, mức học phí cho lứa tuổi này sẽ khác, phải là sự thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh. Và đương nhiên khi nhận lứa tuổi này, bất cứ trường nào cũng phải đảm bảo có một y tá hoặc bác sĩ nhưng vấn đề này không phải trường nào cũng làm được. Cũng theo bà Tâm, những khó khăn mà các trường khác nêu ra là có cơ sở. Sở dĩ trường bà thực hiện được vì đã có một cơ sở rộng rãi, hơn nữa lại thuận lợi vì trước đây trường đã từng có thời gian tổ chức các lớp trẻ nhỏ tuổi này, sẵn có đội ngũ cô nuôi dạy trẻ, mặc dù đã về hưu nhưng lại có kiến thức cũng như kinh nghiệm chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi. ( Theo Giađình.Net ) |