|
Giáo dục mầm non cần có sự đầu tư thoả đáng, tương xứng với các cấp học khác |
Trong thực tế, việc chuyển đổi mô hình trường mầm non bán công sang loại hình trường dân lập, tư thục đang nảy sinh rất nhiều bất cập và đến nay chưa có địa phương nào chuyển đổi thành công.
Hiện nay ở nước ta, loại hình trường mầm non (MN) bán công phát triển mạnh với hơn 5.000 trường trong tổng số hơn 8.000 trường MN trên toàn quốc, tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2005 thì không còn loại hình trường bán công nữa.
Khó khăn chồng chất!
Ông Lê Phước Long, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT) tỉnh Quảng Trị lo lắng cho biết: “Mặc dù, theo quy định của Luật GD đến năm 2010, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi các loại hình trường MN bán công sang loại hình dân lập, tư thục. Nhưng thực tế, việc chuyển đổi này đang gặp nhiều khó khăn. Quảng Trị là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân người dân thấp. Nếu phải thực hiện chuyển đổi bán công sang tư thục theo thời gian quy định, thì tình trạng HS bỏ học sẽ tăng lên do không có đủ điều kiện nộp học phí và các khoản thu nộp khác theo qui định của trường tư thục”. Ngay các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế, giáo dục MN hiện nay chưa có sự đầu tư thoả đáng, tương xứng với các cấp học khác và đặc biệt, sự đầu tư cho MN giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa có khoảng cách khá xa. Hơn nữa, việc chuyển đổi loại hình trường từ bán công sang tư thục cũng gặp không ít khó khăn, cần cân nhắc kỹ. Ông Ngai nêu thực tế, ở một số trường bán công, nếu phải chuyển sang tư thục thì sẽ có nguy cơ bị đòi lại trường, mà trước đây họ đã được tổ chức tôn giáo cho mượn. Vì vậy, nên chuyển từ bán công sang công lập tự chủ tài chính, với mức học phí như trước thì sẽ không gây phản ứng xấu.
Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: “Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc chưa có địa phương nào chuyển đổi hoặc chuyển đổi thành công loại hình trường MN bán công ở các xã, thị trấn sang loại hình trường dân lập theo đúng quy định. Loại hình trường bán công (hiểu theo nghĩa Nhà nước và tư nhân cùng làm) ở các địa phương hiện đang rất ổn định và phát triển. Nhiều nơi có cách làm rất sáng tạo. Việc chuyển đổi các cơ sở GD bán công sang dân lập, tư thục chưa được nhà trường, phụ huynh và thực tiễn xã hội chấp nhận (trừ một số nơi có điều kiện KT - XH phát triển); chưa phản ánh được nguyện vọng của người dân và cán bộ quản lý, cũng như giáo viên”.
Ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ pháp chế cũng cho rằng, hạn chế lớn nhất trong việc triển khai Luật GD là việc chuyển đổi loại hình cơ sở GD MN. Lãnh đạo Bộ GD - ĐT cũng thừa nhận, qui định trên còn gặp nhiều vướng mắc và về phía Bộ chậm có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục chuyển đổi và việc chuyển đổi ở nhiều địa phương trong thời gian qua không đúng quy định.
Chuyển đổi phải dựa theo điều kiện thực tế
Theo ông Nguyễn Văn Vui, nên bỏ qui định loại hình trường MN dân lập vì, cơ sở MN dân lập và bán công hiện nay ở các địa phương tuy tên gọi khác nhau, nhưng thực chất là một loại hình cơ sở giáo dục bán công do Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư (trong đó nhà nước vẫn giữ vai trò chính như: cấp đất xây dựng trường, đầu tư cơ sở vật chất, trả lương GV).
Báo cáo của các tỉnh thành đều khẳng định đây là mô hình ổn định cần phát triển, phù hợp với vùng nông thôn và những nơi có điều kiện KT-XH chưa phát triển, nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn, đồng thời huy động các nguồn lực khác trong xã hội (các tổ chức cá nhân không vì mục đích lợi nhuận). Với tình hình kinh tế nông thôn hiện nay, hầu hết các sở không có một tổ chức nào, cá nhân nào có đủ khả năng xin thành lập trường MN dân lập theo đúng quy định. Mặt khác, Luật GD qui định Nhà nước hỗ trợ đến đâu thì đến, thậm chí không bắt buộc. Vậy nếu triển khai loại hình trường này, ngành học MN đã khó khăn lại tiếp tục khó khăn hơn và nguy cơ trẻ không được đến trường vì không đủ khả năng đóng học phí.
Cần khẳng định, trường tư thục khác hẳn với doanh nghiệp sản xuất trong việc hạch toán kinh tế, vì vậy, Nhà nước không nên khoán trắng cho nhà đầu tư hiện nay, mà nên cấp đất hoặc cho mượn đất dài hạn, cho thuê đất là rất cần thiết. Các địa phương đều kiến nghị, Bộ GD - ĐT cần có hướng dẫn lộ trình thực hiện, thời gian chuyển đổi loại hình trường từ bán công sang tư thục đối với các tỉnh nghèo, KT - XH chậm phát triển.
Trước những bất cập, khó khăn trong thực tế và kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận đã yêu cầu Vụ Pháp chế phối hợp với Vụ Mầm non nghiên cứu kỹ để sửa đổi Luật GD sao cho phù hợp với thực tiễn, với nguyện vọng của nhà trường và phụ huynh./.
( Báo TNVN )