Có câu chuyện thật như đùa ở thành thị hiện là “phong trào” cho con đi học trước. Còn gần 3 tháng nữa cháu tôi mới đến trường để làm quen với lớp 1 (đầu tháng 8), nhưng ngay từ những ngày này bé Bin đã bắt đầu làm quen với môi trường học tập dành cho học sinh lớp 1.
Sáng sáng, khi bố mẹ chuẩn bị đi làm thì bé cũng phải chuẩn bị đi học. Chỉ có điều bé không đến trường. Mẹ đưa bé đến... nhà cô giáo trường tiểu học N.T. Cùng với hơn 20 bé khác, các cháu được học trước chương trình theo thời khoá biểu của học sinh bán trú. Buổi sáng: ghép vần, học chữ; ăn trưa và ngủ đến 14 giờ. Buổi chiều: ôn luyện và làm bài tập, rồi đợi 17 giờ mẹ đến đón. Những đứa trẻ chưa từng biết thế nào là sách vở gò lưng ra để luyện đọc, luyện viết, rồi cộng cộng, trừ trừ trong một không gian chỉ gần 20m2.
Khác với khi còn đi mẫu giáo, bây giờ sáng nào Bin cũng mếu máo với bố mẹ không muốn đi học. Anh chị tôi lại phải vừa đe và nịnh: Nếu con không đi học, thì không được vào “lớp học đẹp” đâu. Bin đành cố gắng mà học, cháu đâu biết rằng, tất cả là do người lớn, chẳng có quy định nào như thế cả.
Hiện phần lớn các bậc phụ huynh đều sợ con em mình vào lớp 1 không bằng chúng bạn. Rồi họ lo lắng chương trình mới khó, nếu trẻ không được chuẩn bị trước khi vào năm học sẽ khó khăn trong tiếp thu. Nên bằng nhiều hình thức khác nhau như thuê gia sư, học ở các lớp, nhóm mẫu giáo hay gửi học tại các nhà các thầy cô có tổ chức lớp… học cho con em mình học trước.
Năm nay, kiểu học “2 trong 1” là dạy trước chương trình kết hợp luyện chữ đẹp là trào lưu được ưu chuộng. Đầu tháng 5, người bạn tôi đã tìm cho cậu con trai lên 6 của mình một nơi được gọi là lý tưởng tai nhà cô giáo một trường anh gọi là điểm ở Hà Nội. Tại đây, cháu có thể vừa theo lớp luyện chữ đẹp được tổ chức vào sáng thứ 3, thứ 5, chủ nhật và lớp học vần vào các buổi sáng thứ 2, thứ 4, chiều thứ 7. Bận đi làm, không có điều kiện đưa đón nên việc đi lại hàng ngày của cháu được anh chị giao cho bác xe ôm gần nhà. Tất cả các buổi tối trong tuần, cháu còn được mẹ kèm thêm ở nhà từ 1-2 tiếng nữa để hoàn thành bài tập cô giao. Nhìn vào thời khoá biểu của bé, nhiều người giật mình bởi các buổi học dày đặc hơn cả học sinh lớp lớn. Bởi họ muốn sau 3 tháng học cô, cháu không những biết đọc thông, viết thạo mà con phải giỏi.
Những mối hại được nhìn thấy trước
Năm trước, khi cho đứa cháu đầu lòng vào học lớp 1 trường Lê Văn Tám, bác Vân (phường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng) tự hào khoe: “Nhờ cô và ông bà, mà trước khi vào lớp 1 cháu đã học gần xong chương trình lớp 2 rồi. Không chỉ cho cháu đi học từ hè trước khi vào trường, ngay khi đang ở bậc mẫu giáo, bác đã cho cháu đi học. Cô thì cũng gần nhà thôi, phần lớn trẻ quanh đây đều được bố mẹ gửi học trước. Không chỉ đọc thông viết thạo, cháu còn làm được những phép toán nhiều chữ số rồi, chắc đi học sẽ thuận lợi lắm”. Nhưng đến nay, khi bé Uyên, cháu bác Vân chuẩn bị kết thúc lớp 1, bác lại phàn nàn: “Thời gian đầu, đi học vềông bà hỏi đến bài cô giáo giảng cháu đều bảo “cháu biết hết rồi, dễ lắm”. Đầu tiên gia đình cũng nghĩ đó là những điều cháu đã học rồi, tất nhiên học lại lần nữa sẽ thông thạo hơn. Nhưng trẻ con đâu có nghĩ thế, vì biết rồi nên không cần nghĩ đến nữa, thành ra khi gia đình đi họp phụ huynh cô giáo nhắc nhở cháu thông minh nhưng không tập trung, lúc đấy bác mới thấy lo và không dạy trước chương trình các lớp cao hơn cho cháu nữa, mà phải tập trung lại từ lớp 1”.
Trẻ vào lớp 1 là thời kỳ rất quan trọng. Các cháu chuyển sang môi trường học tập mới, bỡ ngỡ, khác lạ hơn rất nhiều ở trường mầm non. Việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi đến trường là cần thiết. Song cũng không có nghĩa là phải nhồi nhét cho trẻ học trước chương trình khiến chúng bị già trước tuổi. Sự học là cả cuộc đời.
( Theo KTĐT )