Ta vẫn thường chia trẻ em thành hai loại: trẻ em ngoan và trẻ em hư. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều tin, bài và hình ảnh phản ánh những điển hình của hai loại trẻ em này. Nhưng còn một loại trẻ em ít ai để ý đến, mà lại chiếm đa số trong xã hội trẻ em. Đó là trẻ em chưa ngoan.
Chúng ta cần bàn sâu về loại trẻ em này bởi vì, nếu chúng ta tác động tốt vào loại trẻ em chưa ngoan thì tỷ lệ trẻ em ngoan trong xã hội sẽ tăng lên và tỷ lệ trẻ em hư sẽ giảm đi.
Thế nào là trẻ em chưa ngoan?
Khó mà có một định nghĩa chính xác và hoàn chỉnh về loại trẻ em này.
Một bé gái áo quần sạch đẹp, trước mặt bố mẹ, thầy cô giáo thì rất lễ phép, một điều dạ - hai điều vâng, có khi còn khoanh tay, cúi đầu nữa, nom thì có vẻ ngoan, nhưng khi vắng bố mẹ, thầy cô thì lại nói tục, văng bậy…
Một bé trai sáng đi học ở lớp, chiều đi học phụ đạo, tối đến nhà bạn học nhóm… mới nhìn có vẻ rất chăm, nhưng ở lớp thì nói chuyện, đầu óc để tận đâu đâu; đến lớp phụ đạo thì đùa quậy; đi học nhóm thì xem video, tán gẫu, đánh tá lả, chơi trò chơi điện tử…
Một bé gái khác, nay xin tiền đóng cho trường, mai xin tiền đóng cho lớp với nhiều lý do, nhưng tất cả các khoản tiền đó đều để ăn quà, mua những thứ linh tinh, trò chơi bạo lực, thậm chí mua số đề, đánh bạc…Tất cả những trẻ em đó đều thuộc loại chưa ngoan, nói một đằng làm một nẻo.
“Đi nói dối cha, về nhà nói dối chú”. Đó không phải là những trẻ em hư, nhưng không thể gọi là ngoan được.
Nguyên nhân để trẻ em chưa ngoan?
Phải chăng đó là kết quả của việc giáo dục, rèn luyện chưa đến nơi đến chốn của gia đình và nhà trường?
Kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường thực chất là kết hợp giữa thầy cô giáo và bố mẹ học sinh. Kết quả việc kết hợp ấy ra sao tùy thuộc vào mối quan hệ giữa hai chủ thể này.
Nhân dân ta có câu: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Đó là một biểu tượng của tinh thần truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Nhưng “đạo” có vững thì “tôn” mới đúng và do đó mới giữ được đạo. Yêu thầy là để con “hay chữ”, tức học giỏi thực sự. Trong thời buổi kinh tế thị trường và đời sống nhà giáo còn nhiều khó khăn như hiện nay, giữ được chữ “yêu” trong đạo lý là một điều cực khó!
Muốn cho sự kết hợp đó có kết quả, thầy cô giáo và bố mẹ học sinh cần phải gắn bó với nhau về tình cảm và tôn trọng nhau thật sự. Bố mẹ học sinh cần phải biết ơn thầy cô giáo - những người đã giúp mình giáo dục cho con nên người. Do vậy, trong những dịp lễ tết, nếu cha mẹ học sinh có chút quà, bằng hiện vật giá trị không lớn hoặc bằng “phong bì” ở mức thấp, đến thăm thầy cô giáo thì cũng là một biểu hiện đáng quý.
Đáng tiếc là hiện nay, không ít cha mẹ học sinh đem quà biếu thầy cô giáo là để cầu cạnh cho con mình được “ưu tiên”, được lên lớp, được điểm cao… Mặt khác, cũng không ít thầy cô giáo do thực tế khó khăn và do dần dần đã trở thành một thói quen, cứ muốn bố mẹ các em mỗi khi đến chơi phải có quà, thậm chí quà bằng phong bì càng tốt. Chính động cơ quà cáp không lành mạnh đó đã khiến uy tín của thầy cô giáo bị giảm, bản thân các em ỷ lại, trông chờ vào sự nâng đỡ của thầy cô giáo.
Sự tôn trọng lẫn nhau một cách giả tạo giữa bố mẹ và học sinh đối với thầy cô giáo là nguyên nhân thứ nhất khiến các em chưa ngoan.
Và sự cưng chiều quá đáng của bố mẹ - thầy cô giáo đối với các em là nguyên nhân thứ hai khiến trẻ em chưa ngoan.
Bố mẹ nào cũng thương yêu con, thầy cô nào cũng quý mến trò. Đó là lẽ thường tình của cuộc sống. Hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ vì thương yêu con mà cưng chiều quá mức, chúng muốn gì được nấy - nhất là ở các gia đình giàu có. Cháu gái mới trên 10 tuổi mà quần này, áo nọ, váy kia… thậm chí trước khi đi học, có cháu còn bôi một tý son, phẩy một lớp phấn. Buổi sáng, các cháu nay ăn phở, mai trứng vịt lộn… Rồi ra cửa, mẹ còn giúi cho con vài ba ngàn, có cháu được cả chục ngàn hoặc nhiều hơn…
Ở trường, các cháu cũng được các thầy cô rất cưng chiều bởi vì hàng tháng các cháu đóng tiền học thêm đầy đủ, mỗi năm dăm lần bố mẹ các cháu quà cáp, phong bì đến thăm, sao thầy cô lại có thể “nghiêm” với các cháu được!
Trong nhiều năm qua, nhiều đơn vị trong ngành GD&ĐT chạy theo thành tích, đưa ra những kết quả không trung thực khiến các em bị tiêm nhiễm tính dối trá. Đội thiếu niên tiền phong của nhà trường hoạt động rất sôi nổi. Nào nghi thức Đội, nào cắm trại, hội khỏe… và… Nhưng những cái thiết thực, những đức tính cơ bản của học sinh như: tính ngay thẳng - thật thà, tính lễ phép - lịch sự, tính hồn nhiên - trong trắng của tuổi thơ… thì không được Đội quan tâm dẫn dắt đến nơi, đến chốn mà chỉ nêu ra chung chung một cách hình thức.
Sự giáo dục nặng về hình thức, nhẹ về thực chất của nhà trường và của Đội thiếu niên tiền phong, đặc biệt là bệnh thành tích trong ngành GD&ĐT những năm qua là nguyên nhân thứ ba khiến trẻ em chưa ngoan.
Tóm lại, sự giáo dục chạy theo thành tích, chưa khoa học, chưa đúng mức, chưa thiết thực và chưa trung thực của nhà trường, của thầy cô giáo, của bố mẹ học sinh và của Đội thiếu niên tiền phong là nguyên nhân trực tiếp khiến cho một bộ phận không nhỏ trẻ em trong lứa tuổi học sinh chưa ngoan.
Chỉ có sự đổi mới thực sự trong cách nghĩ, cách nói và làm của gia đình (chủ yếu là của bố mẹ học sinh), của nhà trường (chủ yếu là thầy cô giáo và Đội thiếu niên tiền phong) tác động toàn diện và đồng bộ đến con trẻ thì mới có thể làm tỷ lệ trẻ em ngoan ngày một tăng lên, tỷ lệ trẻ em hư ngày một giảm. Đó là cách phòng ngừa tốt nhất để khỏi xảy ra những chuyện đau lòng do con trẻ gây ra.
( Nguồn:Theo Báo Giáo Dục )
|