Hình dung ra con bạn là một đứa trẻ hướng nội hay hướng ngoại chẳng rõ ràng như bạn nghĩ đâu. Nó có giống thế này không:
Khi con trai tôi đi mẫu giáo, tôi mong nó vui sướng tham dự mọi hoạt động, hòa nhập với bạn bè. Nhưng khi đến đón nó, tôi thấy mấy đứa khác đang ngồi chơi với nhau giữa một tấm thảm, còn con tôi ngồi ngoài rìa một cách bình thản. Sau giờ học, mấy đứa khác chạy tung tăng khắp sân trường, còn nó thì lại ngồi vào lòng tôi. Tôi hỏi sao không đi chơi với các bạn, cháu chỉ nói: "Con không thích!"
Chuyện gì đã xảy ra với con của tôi, một đứa bé tinh nghịch? Hồi trước tôi nghĩ nó rất tinh nghịch và có vẻ hướng ngoại. Nhưng rồi tôi phát hiện ra có lẽ con trai tôi là đứa hướng nội, cũng như hầu hết những người hướng nội, nó thích ở nhà với bạn bè thân, những nơi mà nó cảm thấy thân thiện...
Nhận biết khuynh hướng tính cách của con:
Mọi người sinh ra với một thiên hướng tính cách nhất định. Người hướng ngoại thì mạnh mẽ, thích giao tiếp với những người khác và thế giới xung quanh. Trong khi đó, những người hướng nội thường tránh né tiếp xúc, đặc biệt là tránh tiếp xúc với những nhóm đông người và thích chơi với những người mà họ biết rõ. Ðó là khuynh hướng chung, còn thì mỗi đứa trẻ đều biểu hiện cá tính của mình theo cách khác nhau.
Lên năm hay sáu tuổi, khi con bạn bắt đầu vào lớp một, một nơi hoàn toàn mới lạ, kiểu tính cách sẽ biểu hiện ra ngoài rõ ràng hơn trước. Các nhà chuyên môn cho biết: "Những đứa bé hướng ngoại học được nhiều khi chúng nói chuyện và giao tiếp nhưng chúng có xu hướng gặp nhiều khó khăn hơn những đứa hướng nội. Trẻ hướng ngoại là những đứa trẻ thường chọc ghẹo hàng xóm, xì xào bàn tán, lớn tiếng trả lời. Còn những trẻ hướng nội học bằng cách quan sát và suy ngẫm. Chúng thường được giáo viên tận tình giảng giải nhờ biết giữ yên lặng và không ngắt lời..."
Nhận ra được kiểu tính cách của con sẽ giúp bạn hiểu được cách cư xử của nó và bớt lo lắng. Chẳng hạn, nếu con bạn dè dặt vào những ngày đầu đi học như con vị phụ huynh nói trên, bạn sẽ yên tâm rằng đơn giản là nó muốn quan sát trước và sẽ tham gia vào khi đã sẵn sàng. Vì không thể thay đổi tính cách con bạn, tốt nhất là bạn giúp con phát huy lòng tự trọng và bạn chấp nhận nó như thế.
Ðối xử thế nào đối với những đứa trẻ hướng nội hoặc hướng ngoại?
Nếu con bạn là một đứa trẻ hướng nội:
Báo với giáo viên. Ðầu mỗi năm học, trình bày với thầy giáo rằng con bạn cần có thời gian để thích nghi trước khi nó tham gia vào các hoạt động của lớp. Ðiều này sẽ chắc chắn rằng nó không bị làm lu mờ bởi những đứa bạn cùng lớp thẳng tính hơn.
Cho con bạn thời gian để trả lời. Những người hướng nội suy nghĩ kỹ mọi thứ và sẽ không trả lời cho đến khi họ có quyết định chính xác sẽ nói ra điều gì. Bạn cũng hãy tỏ ra tôn trọng sự tiến bộ chậm chạp của trẻ và đừng ngắt lời nó.
Ðừng chế giễu con bạn. Một người hướng nội cần có thời gian để suy nghĩ và trả lời những câu hỏi... Nếu bạn tạm ngừng câu chuyện đều đặn để nghe con, nó có thể nói hết ý kiến của mình.
Tôn trọng quyền ưu tiên cho trẻ. Nếu bạn hỏi con bạn mời ai đến dự sinh nhật nó, có lẽ nó chỉ đưa ra tên hai đứa trẻ khác. Nếu vậy, đừng nên tổ chức những bữa tiệc truyền thống mà thay vào đó nên dắt nó và rủ thêm những đứa bạn thân nhất đến những điểm vui chơi chúng yêu thích như là sở thú, đi nhà sách..vv. Khi con sắp đến dự sinh nhật của một ai khác, nên đưa nó đến sớm để có giờ chuẩn bị.
Nếu con bạn là một đứa trẻ hướng ngoại:
Dạy cho con bạn thấy được tác hại của sự ồn ào. Tiến sĩ Tâm lý học nổi tiếng thế gíới, Elizabeth Murphy, nói: "Những lời tuôn ra từ miệng của một người hướng ngoại thường lọt vào tai người ấy rồi mới len vào não. Những đứa trẻ hướng ngoại nói ra ý tưởng của chúng khi chưa sắp xếp xong, cứ như là chúng đang đi ngao du vậy..." Nhưng khi bạn ngắt lời đứa con hướng ngoại của mình, nó sẽ quên mất chuỗi suy nghĩ của mình. Lúc đó, tốt nhất là khuyến khích nó, nói đi nói lại câu:"À...Hừ" hay "Mẹ biết", "Bố hiểu..." cho đến khi nó diễn tả được hết ý tưởng.
Dạy con biết đợi đến lượt nó được nói. Bạn có thể giúp con thực hành tính kiên nhẫn bằng việc chuẩn bị bữa ăn tối hay sửa một cái xe đồ chơi trong khi mọi người đang nói chuyện. Dạy nó biết lắng nghe và đợi cho người khác kết thúc câu nói của mình. Thường thì sau giờ học, những đứa trẻ sống hướng ngoại rất hay hăm hở nói với bạn bè về bản thân chúng. Nói chuyện với bạn làm cho nó cảm thấy có nhiều kinh nghiệm. Nếu bạn rất bận việc, ít nhất mỗi ngày nên dành riêng 15 phút để nói chuyện với con.
Dạy con hiểu được bịa chuyện là điều không tốt. Khi nào có giờ rảnh, bạn hãy thử nghe mấy đứa trẻ nói chuyện xem. Ðứa thì bảo chị nó đã học lớp 14, trên áo lúc nào cũng cài hoa. Ðứa khác nói anh nó chẳng khác gì một con chó, một con mèo, một con chim, và ăn được những 5 ổ bánh mì... Chúng chỉ nói những điều trên đây cho thỏa cái tính thích bịa chuyện. Người hướng ngoại hay cố gắng lừa dối bất cứ người nào, nhà tâm lý học Barron Tieger cho biết như vậy. Họ muốn tiến đến các mối quan hệ xã hội và có thể thốt ra lời đầu tiên nhằm ràng buộc người khác. Nếu con trẻ của bạn bịa chuyện lúc bạn đang đứng đó, hãy nói rằng: "Con tưởng tượng giỏi quá đấy". Ðiều này sẽ làm những người khác biết rằng câu chuyện đó không có thật mà không làm con bạn ngượng ngùng. Khi nào chỉ có một mình bạn với con, hãy nói với nó về tầm quan trọng của tính trung thực.
Dạy con biết chấp nhận khó khăn để làm bất cứ điều gì một mình. Chẳng hạn, bạn để con bạn tự lau phòng của nó, nó sẽ cảm thấy "sức lực cạn kiệt" dần, và nó sẽ chẳng lau xong căn phòng. Những lần đầu, hãy cùng làm với nó, sau đó chỉ đứng cạnh nó, rồi cuối cùng nó sẽ biết nó phải tự làm việc.
Tóm lại, hãy dạy cho con bạn biết mỗi kiểu tính cách có một giá trị riêng của nó. Bởi vì những đứa trẻ hướng ngoại thì rất thích sống có bạn, chúng sẽ lôi cuốn nhiều người khác theo cách sống của chúng. Những đứa trẻ hướng nội có thể ít bạn hơn, nhưng là những người bạn rất gần gũi. Hãy nhớ rằng: Tính cách con cái bạn có thể khác tính cách của bạn, và với sự giúp đỡ của bạn, con cái sẽ có những biến đổi phong phú về tính cách để có được một cuộc sống hạnh phúc.