|
Cô Võ Thị Tuyết Nga đang may ngoài giờ - Ảnh: Lưu Trang
|
Là lao động chính trong gia đình, mỗi tháng phải dè sẻn với đồng lương chỉ vỏn vẹn 700.000đ, cô bảo mẫu Võ Thị Tuyết Nga (Trường tiểu học Đống Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chưa bao giờ mơ đến một chiếc xe máy để đi làm thay cho chiếc xe đạp cũ đã gỉ sét mà cô đang dùng, chỉ vì “tiền ăn còn không đủ, lấy tiền đâu đổ xăng…”.
Chật vật làm thêm ngoài giờ
Lương khởi điểm của Nga khi vào làm bảo mẫu ở Trường tiểu học Đống Đa vào tháng 12-2006 là 600.000đ. Sau 1 năm, mức lương nhích lên thêm 100.000đ. Nhận giặt giũ, làm vệ sinh ngoài giờ được thêm 100.000đ nữa. Chỉ với 800.000đ/tháng, Nga phải nuôi mẹ (60 tuổi) và bà ngoại (82 tuổi) đang đau ốm, và lo toan bao nhiêu khoản chi tiêu khác trong gia đình. Chị tâm sự: “Lấy khoản này đắp vào khoản kia nên cứ thiếu hụt hoài, nhận lương xong thì trả tiền điện, nước, tiền vệ sinh, tiền đồ dùng sinh hoạt trong nhà cũng vừa hết, không những không dư được đồng nào mà còn phải vay mượn thêm mới đủ”.
Nhu yếu phẩm tăng giá vùn vụt nhưng đồng lương thì vẫn “còm cõi”, Nga và nhiều đồng nghiệp khác phải “kiếm kế sinh nhai” bằng cách xin dạy kèm cho học sinh cấp I. Ngoài ra, sau giờ làm ở trường, buổi tối Nga nhận may, sửa áo quần cho người quen “để mỗi tháng có thêm 100.000-200.000đ bù vào tiền chợ”.
|
Ngoài giờ dạy, cô Nguyễn Thị Kim Hồng làm thêm để tăng thu nhập - Ảnh: Lưu Trang |
Từ nhiều tháng nay, cô Nguyễn Thị Kim Hồng, giáo viên môn lịch sử Trường THCS Đỗ Văn Dậy (Tân Hiệp, Hóc Môn), phải một buổi đi dạy, một buổi làm thêm, dè sẻn và tính toán lắm mới đủ chi tiêu cho gia đình. Kinh tế gia đình khá chật vật, cậu con trai mới 4 tuổi hay đau ốm đã “ngốn” của bố mẹ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng tiền học phí, ăn uống, thuốc men.
Cô bàn với chồng nhờ người quen dạy làm đồ vàng mã rồi vay mượn được ít vốn, cô mua ít giấy màu, bìa cứng, khung tre các loại về nhà tranh thủ làm ngoài giờ. Dậy từ lúc 4g sáng để làm sản phẩm bỏ mối cho các chợ hoặc khách quen trước khi đi dạy, vậy mà chị Hồng vẫn phải lo lắng chật vật với các khoản chi tiêu phát sinh trong gia đình.
Khéo co mới ấm
Hết giờ làm, hai cô giáo Ngô Thị Kiều Linh (1986) và Lê Thị Mỹ Hương (1978) lại đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ để về nhà ở P.6, Q.8, cách trường gần 4km. Linh và Hương đều là giáo viên của Trường mầm non Kim Đồng (Q.8) được hơn một năm nay và đều phải đi làm bằng xe đạp dù nhà khá xa trường. Hương tâm sự: “Chỉ phiền là đi xe đạp lúc qua cầu Nhị Thiên Đường, hai chị em phải dắt bộ, chứ tụi mình đi làm bằng xe đạp quen rồi”.
Hoàn cảnh gia đình của Hương và Linh đều khá khó khăn, và hai bạn đều là lao động chính nuôi cả nhà, nhưng đồng lương cũng chỉ vỏn vẹn 1.050.000đ. Linh kể: “Mỗi tháng em chỉ giữ lại 200.000đ để tiêu pha, còn lại đưa hết cho mẹ để đi chợ. Ngày trước đi chợ hết 100.000đ cả nhà có thể dành dụm ăn được 3, 4 ngày; nhưng giờ cũng chừng đó tiền chỉ ăn được 2 ngày”.
Không chỉ các giáo viên, bảo mẫu trẻ khốn đốn trong bão giá vì đồng lương ít ỏi, mà ngay cả những giáo viên, bảo mẫu có thâm niên trong nghề cũng gặp khó khăn khi phải lo toan gia đình trong thời buổi lương thì không tăng mà giá cả lại leo thang chóng mặt. Trước một trạm rút tiền, cô Mai Thảo, giáo viên môn địa lý Trường THCS Chi Lăng (Q.4), không khỏi đắn đo, lo lắng: “Cầm 500.000đ trong tay mà xót xa vì biết cũng chỉ đủ tiêu trong vài ngày. Đợt này giá cả tăng vọt, nhiều giáo viên trong trường đã phải nhịn ăn sáng để đến lớp”.
Là giáo viên với hơn 20 năm trong nghề, cô Thảo chia sẻ: “Cũng với đồng lương ấy nhưng khéo co thì mới ấm được. Ngày trước mỗi bữa cơm ăn 3, 4 món, giờ giảm lại còn 2 món, rồi cố gắng giảm thiểu các hội hè, đám cưới, thôi nôi, lễ lạt không cần thiết. Giải quyết được gánh nặng gia đình mới có thể an tâm đứng trên bục giảng được”...
Kết quả khảo sát cho thấy tổng thu nhập bình quân từ nhà trường của một GV (bao gồm lương chính, phụ cấp, thù lao dạy tăng tiết, phụ đạo) ở An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/tháng, ở TP.HCM khoảng 2,48 triệu đồng.
Được hỏi “Tổng thu nhập từ tất cả các khoản của thầy/cô liệu có đủ chi tiêu trong cuộc sống gia đình”, 52% GV trả lời là “thiếu thốn”, 42% nói là “vừa đủ” và chỉ 2% nói “có dư để tích lũy”.
Trả lời câu hỏi về những nguyện vọng và tâm tư bức xúc nhất, 2/3 giáo viên được khảo sát kiến nghị cần nhanh chóng cải tổ chế độ tiền lương.
(Trích khảo sát về “Đồng lương của nhà giáo” của Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, với số GV được phỏng vấn là 1.027 GV của 43 trường thuộc các tỉnh thành miền Nam)
|
( Theo Tuổi Trẻ )