Xã hội
   Suy dinh dưỡng bên vựa lúa, cá
 
Khám bệnh tại một điểm giữ trẻ ở thị trấn Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ
Ở nội thành Cần Thơ, gần đây số trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì tăng, còn ở ngoại thành số trẻ suy dinh dưỡng thể teo lại chiếm tỉ lệ cao. Ở cả hai khu vực, số trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao cũng nhiều.

Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Cần Thơ, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng mỗi năm đều giảm nhưng không đáng kể. Năm 2003, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng của toàn tỉnh Cần Thơ (cũ) là 24%. Sau khi chia thành TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, năm ngoái tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ước tính gần 14%.
46% thấp còi
Đề tài nghiên cứu "Đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ” của tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, khảo sát trên 1.000 trẻ em từ 1 tháng đến 5 tuổi.
Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi ở Cần Thơ và một số tỉnh lân cận. Kết quả cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng khá cao. Trong đó suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi là gần 31%, suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi là 46%, suy dinh dưỡng cân nặng theo chiều cao là 25%, còn số suy dinh dưỡng thấp còi là 46%.

Chị N.T.T.T. ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, có con suy dinh dưỡng độ 3, cho biết lúc mang thai, mẹ chồng cứ dặn không được ăn uống nhiều chất bổ, thai lớn sẽ sinh khó. Hơn nữa, cuộc sống không dư dả nên chị chẳng chú ý bồi bổ. Gần ngày sinh chị mới đến trạm y tế khám, bào thai không tăng ký theo đúng biểu đồ, bé sinh ra nhẹ cân. Tới giờ, con chị đã 2 tuổi nhưng vẫn suy dinh dưỡng. Chị nói nhà khó khăn, không có chế độ ăn riêng cho cháu và cũng không có khả năng mua sữa cho cháu uống thường xuyên. Thế nhưng, quanh nhà chị có nhiều đất trống, có thể tận dụng nuôi gà, cá... trồng rau, cây trái để tạo nguồn dinh dưỡng tại chỗ.

Miễn là no bụng
Ở một điểm giữ trẻ tập trung ở thị trấn Cờ Đỏ có khoảng 20 cháu, có bé đã 5 tuổi nhưng nhìn như mới 3 tuổi; có bé đã 12 tháng tuổi mà chỉ cân nặng chưa đầy 8kg... Một cô bảo mẫu nói: "Ở đây, các cháu được cho ăn một buổi ở lớp với số tiền là 5.000 đồng/cháu. Nhiều gia đình không có tiền đóng nhiều hơn, vì vậy bữa ăn các cháu cũng chỉ gói gọn như vậy, dinh dưỡng không đủ. Nên bổ sung dinh dưỡng phải được cha mẹ quan tâm ngay tại nhà. Tôi cũng nhắc nhở các bà mẹ chú ý chăm lo bữa ăn cho trẻ nhưng do mưu sinh vất vả nên cứ có gì ăn nấy, miễn no bụng".

Một hình ảnh khác là những đứa trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì. Con của chị N.T.H., ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, mới học lớp 4 nhưng đã nặng gần 60kg. Chị bảo: "Khi điều kiện gia đình khá lên, tôi ép cháu ăn nhiều thịt cá, uống nhiều sữa hộp... Sau đó, càng ngày cháu càng ăn nhiều hơn, không thể kềm lại được, tăng cân liên tục". Chị tìm đến bác sĩ tư vấn dinh dưỡng mới vỡ lẽ béo phì cũng là một dạng suy dinh dưỡng nhưng việc khống chế tăng cân rất khó khăn.

Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, nói vấn đề dinh dưỡng trẻ em kể từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ ít được chú ý, nên mặc dù ĐBSCL là vựa lương thực của cả nước nhưng tỉ lệ suy dinh dưỡng cao. Đến giai đoạn bệnh lý, thông thường gia đình và cả bác sĩ chỉ chú trọng điều trị, bỏ quên chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho trẻ, vì vậy có nhiều trường hợp sau đó dẫn đến suy dinh dưỡng kéo dài, suy kiệt.

Tư vấn... bán cháo
Bác sĩ Sơn nói: "Trong năm nay, chúng tôi sẽ xây dựng phòng khám điều trị, tư vấn dinh dưỡng và thực hiện chế độ ăn bệnh lý cho trẻ nội trú”.

Muốn giảm được tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cần tập trung công tác tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho cộng đồng dân cư. Bác sĩ Phạm Thị Nguyên, phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, nói: "Hiện nay việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng chủ yếu dựa vào mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng (mỗi ấp, khu vực có một cộng tác viên) và cán bộ phụ trách dinh dưỡng của trạm y tế". Hằng tháng họ tổ chức một buổi thực hành dinh dưỡng, cung cấp thông tin về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, bà mẹ.

Tuy vậy, hiện nay ở nhiều địa phương, hiểu biết về dinh dưỡng còn nhiều lỗ hổng lớn. Cả vùng ĐBSCL không có được những trung tâm chuyên sâu tư vấn về dinh dưỡng. Những địa chỉ tư vấn hoặc trung tâm dinh dưỡng ở một số phường hiện nay chỉ lo bán cháo dinh dưỡng.

( Theo Tuổi Trẻ )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trung Quốc: Gần 1.900 bệnh nhi nhập viện vì bệnh chân - tay - miệng (2/5)
 Áp lực nghề giáo (2/5)
 Nhà mẫu giáo nơi cội nguồn (2/5)
 Miền Bắc xuất hiện trẻ bị chân tay miệng (29/4)
 Giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng (29/4)
 Trung Quốc:19 trẻ em thiệt mạng và hơn 700 bé khác nhập viện do loại virus nguy hiểm ! (29/4)
 Hà Nội mở thêm một đợt tiêm phòng viêm não Nhật Bản (29/4)
 Thanh Hoá: 55 trẻ nghỉ học do nghi nghĩa địa bốc mùi thối (10/4)
 Khai mạc Hội thi Nét vẽ xanh 2008 (28/4)
 Citysmart Vietnam mở lớp học kỹ năng sống cho trẻ em (28/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i