Ngày 8/4, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu cảnh báo, tuần qua, khoa Cấp cứu Hồi sức, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận 5-6 ca viêm phổi nặng, chủ yếu là trẻ dưới 1 tuổi. Những dấu hiệu ban đầu của bệnh như khóc, ho, sổ mũi thường bị các bậc phụ huynh bỏ qua.
Mùa nóng đã bắt đầu xuất hiện. Nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM trong một tuần qua từ 33-36oC. Và bạn đồng hành của nắng nóng là những chiếc máy lạnh. Tuy nhiên, thay đổi nhiệt độ đột ngột một cách thường xuyên, trẻ nhỏ dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp: ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, viêm phổi...
Trẻ khóc, ho, sổ mũi, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, cần phải đưa trẻ đến khám chuyên khoa.
Đó có thể là biểu hiện ban đầu của viêm phổi. Ảnh minh họa (Ảnh: H.Cát)
Theo BS Tiến, trẻ nhỏ dưới một tuổi rất dễ bị viêm phổi, nhưng ở lứa tuổi này triệu chứng bệnh rất khó nhận biết. Trẻ thường khóc và chưa biết diễn đạt. Trong khi đó, bệnh thường diễn tiến rất nhanh và không trở tay kịp.
Trẻ nhỏ sức đề kháng kém nên tổn thương đường thở trên (từ mũi đến trên thanh quản) ở trẻ em thường nhanh chóng lan xuống đường hô hấp dưới và đến phổi. Đồng thời trẻ em cần lượng ô xy cao hơn vì đang tuổi phát triển, nên dễ bị suy hô hấp.
"Các bậc cha mẹ thường cho rằng khóc, ho, sổ mũi là những bệnh cúm thông thường. Nhưng đó lại là biểu hiện cần quan tâm ngay, nhất là trong thời tiết nắng nóng như thế này", BS Tiến nói.
Trẻ phải luôn ở trạng thái thoải mái, thoáng mát. Các bậc phụ huynh có thể giúp trẻ thông thoáng đường thở bằng cách dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi. Sirô thảo dược có thể giúp trẻ bớt ho (như Pectol E), tránh dùng siro ho có chứa antihistamin, làm khô đàm nhớt, dễ gây tắc đường thở ở trẻ.
Bên cạnh các bệnh hô hấp, BS Tiến còn cảnh báo về những bệnh mùa nắng nóng là các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Trong tháng 3/2008, số lượng bệnh nhi nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu tăng 22% so với tháng 2.
"Chỉ cần để ngoài trời 2 giờ, thực phẩm có thể trở thành nguồn nhiễm nguy hiểm đối với trẻ. Tác nhân gây nhiễm trùng tiêu hóa thường là độc tố do vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc vi khuẩn E.Coli Trẻ có thể bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, mất nước. Mất nước nhiều quá khiến trẻ suy kiệt và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời", BS. Tiến nói.
Với thời tiết nóng bức như thế này, trẻ nên mặc áo vải cotton màu sáng hoặc màu trắng, dễ thải nhiệt và hấp thu mồ hôi. Ẩm ướt còn khiến da dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là những vùng kẽ da kín.
Trong môi trường nóng bức, trẻ càng mau mệt do cơ thể tăng các hoạt động chuyển hóa. Do đó, trẻ cần phải được nâng cao tổng trạng chung bằng một chế độ dinh dưỡng phù hợp (nhiều nhóm trái cây và rau), học tập - sinh hoạt - nghỉ ngơi hợp lý (không được chơi ngoài ánh nắng quá lâu, không nên thức quá khuya).
Ngoài ra, trẻ có thể được phòng ngừa viêm phổi thông qua cách loại vắc-xin ngừa cúm (trẻ sau 6 tháng) và vắc-xin ngừa viêm não HIB (trẻ 2 tháng tuổi). Đặc biệt là bù nước khi trẻ khát bằng nước đun sôi, nước hoa quả hợp vệ sinh, nước orezol.
( Theo Tin Tức )