Sau khi chuyển đến nơi ở mới, chị Hoàng (quận Hoàn Kiếm) đưa con đi nhập học ở trường mầm non gần nhà. Vào trường mới, chị Hoàng hỏi thăm một cô giáo đang đứng ngoài hiên:
- Chị cho hỏi lớp bé ở đâu ạ ?
- Có việc gì thế ?
- Tôi đưa cháu đến nhập học, chưa biết lớp cô ạ.
- Cô giáo tỏ ra khó chịu: Sao lại nhập học vào bây giờ cơ chứ. Vào đây xem nào...
Thì ra, đây là cô phụ trách lớp mà chị Hoàng đang cần tìm.
Đúng lúc đó, cu Tí bỗng bám chặt lấy chân mẹ, gào toáng lên: “Về nhà... Mẹ cho con về nhà...”. Lúc này, cô giáo lại càng tỏ ra khó chịu.
Thấy lạ trước thái độ của cô, chị Hoàng đưa ra giấy nhập học đã được cô hiệu trưởng phê duyệt, trình bày: “Gia đình tôi chuyển chỗ ở, buộc phải chuyển trường cho cháu nên mới phải nhập học dở chừng thế này. Mong cô thông cảm”.
Mắt vẫn không ngừng quan sát cu Tí đang gào khóc như để đánh giá học sinh mới, cô giáo giải thích. Qua lời cô, chị Hoàng hiểu ra, cô không ngại nhận học sinh mới. Chỉ vì ngày mai có đoàn thanh, kiểm tra gì đấy về trường. Học sinh mới khóc nhè, lại không biết nghe lời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới thành tích chung của lớp...
Nghe thủng vấn đề, chị Hoàng thông cảm ngay, hứa nếu cần thiết ngày mai sẽ cho con nghỉ học. Còn hôm nay, cô cứ cho cháu vào lớp để quen cô, biết bạn. Đến lúc này cô giáo mới có vẻ thư giãn, quay sang dỗ dành cu Tí, dắt bé vào lớp.
Đến cơ quan, chị Hoàng phải nghĩ mãi lý do để xin nghỉ phép ngày hôm sau. Không lẽ lại nói với sếp: “Con em đi học khóc nhè nên phải nghỉ ở nhà để trông ?”. Với các bà mẹ có con học mẫu giáo bé, trẻ mới ba tuổi thì khóc nhè, tè dầm vẫn là chuyện thường. Không biết các cấp thanh, kiểm tra đặt ra tiêu chí như thế nào mà khiến các cô giáo phải lo lắng “mất thành tích” đến vậy ?
( Theo Hà Nội Mới )